Nhiều trường đại học đang thiếu giáo sư, phó giáo sư

15/10/2021 06:51
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế hiện nay với số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm, có thể nói là thiếu trầm trọng khiến nhiều trường đại học hụt hẫng về đội ngũ nhân lực này.

Nhiều trường đại học của nước ta hiện nay, nhất là những trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, đang thiếu trầm trọng giáo sư, phó giáo sư. Với số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm, khiến nhiều trường đại học đang hụt hẫng về đội ngũ nhân lực này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2019, các đại học, học viện, trường đại học đào tạo trình độ đại học có hơn 619 giáo sư, trên 4.831 phó giáo sư. Đối với các trường cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục mầm non có 1.891 giảng viên cơ hữu giảng dạy chuyên ngành giáo dục mầm non với 2 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 1.363 thạc sĩ. Điều đó cho thấy các trường đại học, nhất là các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, đang thiếu trầm trọng giáo sư, phó giáo sư.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) về vấn đề này. Thầy Sơn cho biết:

“Trường chúng tôi hiện nay với đội ngũ giảng dạy có tới 46% có học hàm giáo sư và phó giáo sư, gần 100% có học vị Tiến sĩ. Có nhiều giáo sư rất trẻ mới ngoài 30 tuổi. Là một trường đại học nghiên cứu cơ bản, có thể nói đây là tỷ lệ rất cao trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, một số bộ môn của trường hiện nay không còn giáo sư, phó giáo sư nào, các cán bộ đều là tiến sĩ trẻ nên cần thêm một vài năm mới đủ chuẩn. Trường có thông báo nhu cầu tuyển và bổ nhiệm nhiều giáo sư, phó giáo sư nhưng sẽ khó tuyển đủ được như mong muốn, bởi vì đây là tình trạng thiếu hụt chung ở nhiều trường đại học khác ở Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, trường chúng tôi vẫn thiếu nhiều vị trí giáo sư, phó giáo sư.

Đối với những ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, Nhà nước đang dần dần phong đội ngũ giáo sư và phó giáo sư theo thông lệ quốc tế. Đối với thông lệ này, việc công bố quốc tế được đánh giá rất cao với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, và đặc biệt là với những tiến sĩ trẻ có công bố quốc tế tương đối tốt. Vì vậy, việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư hiện nay ngày càng trẻ hóa.

Theo tôi, nhiều trường đại học hiện nay đội ngũ giáo sư, phó giáo sư vẫn còn đang “mỏng”, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là việc phong học hàm ở Việt Nam vẫn đang dần tiệm cận với việc phong học hàm theo thông lệ quốc tế, vì thế việc đánh giá thông qua công bố quốc tế rất quan trọng nhưng lại bị hạn chế đối với từng nhóm ngành khác nhau

Ví dụ ngành khoa học xã hội và nhân văn, việc công bố quốc tế sẽ khó khăn hơn so với các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Theo tôi đấy là mấu chốt cần phải “giải tỏa” vướng mắc này để tiến tới các nhóm ngành khác muốn phong học hàm học vị nhiều hơn.

Tuy nhiên, để giải tỏa được vướng mắc này cần phải được đồng bộ rất nhiều lĩnh vực, ví dụ: Muốn công bố quốc tế thì phải có trình độ ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh, không chỉ có lĩnh vực chuyên môn, mà cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các kĩ năng và trình độ đào tạo. Tôi hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ cải thiện được tình trạng này”.

Thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đào tạo?

Theo thầy Sơn: “Số lượng giáo sư, phó giáo sư trong 5 năm trở lại đây đang ngày càng giảm, nhất là khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ - TTg xét giáo sư, phó giáo sư, việc phong học hàm đang dần tiệm cận với trình độ quốc tế.

Với những ngành đặc thù như khoa học xã hội và nhân văn, quốc phòng an ninh,…Những lĩnh vực như vậy tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn so với những ngành khác như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ khi công bố quốc tế theo tiêu chuẩn mới.

Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học, trong trường đại học có 2 chức năng là truyền thụ và sáng tạo trí thức, cả 2 chức năng này đều cần những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành để đảm đương trọng trách của nhà trường. Nếu hẫng hụt đội ngũ này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, điều thứ 2 là ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Với mô hình nghiên cứu tiên tiến của một số nước trên thế giới, họ phong học hàm giáo sư, phó giáo sư của trường theo cơ chế phòng thí nghiệm, tuy nhiên ở nước ta với mô hình tương đối khác, giáo sư, phó giáo sư là những chức danh độc lập. Ví dụ: Giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài thường là trợ lí, hoặc phó cho một giáo sư cụ thể, nhưng ở nước ta việc này lại độc lập, không lệ thuộc.

Một điều nữa là mô hình cơ cấu tổ chức một trường đại học của ta cũng hơi khác, nên đối với mỗi lĩnh vực, mỗi ngành trong quá trình phát triển cũng đang dần theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực của mình đang theo đuổi”.

Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: TTXVN.

Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cơ chế nào để các trường thu hút người tài?

Thầy Sơn nói: “Trên thế giới, việc phong giáo sư, phó giáo sư theo thông lệ quốc tế là do các nhà trường quyết định, nhưng ở nước ta do nhiều nguyên nhân và yếu tố lịch sử để lại nên việc phong học hàm này đang do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong.

Theo tôi, chúng ta cũng nên dần dần theo thông lệ quốc tế, tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam cũng sẽ được quan tâm và xây dựng dần tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Việc này nên giao nhiệm vụ cho nhà trường, đồng thời Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ để có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất của việc đào tạo nghiên cứu khoa học và chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cũng đang có những chính sách để mở rộng tự chủ đại học, dần tiếp cận với trình độ quốc tế.

Vậy nên những trường tự chủ được, “đi trước” được, có tiềm lực về tài chính ngân sách bồi dưỡng đội ngũ để đạt chuẩn quốc tế, hoặc có thể đãi ngộ với người tài thì cũng nên khuyến khích. Điều này rất tốt, nó song song phát triển với xã hội chứ không nhất thiết các trường phải “chờ” nhau.

Việc này theo quan điểm của tôi là một sự “cạnh tranh” lành mạnh, nó cũng là một chính sách giúp cho các nhà trường không bị “chảy máu” chất xám, các trường sẽ phải tự vươn lên để nâng cao nhân lực đội ngũ của mình”.

Thầy Sơn kiến nghị: “Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục đại học thì việc thu hút, giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tự chủ đại học đang được Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp, chế độ chính sách, và để song hành việc đó cùng với Nhà nước, bản thân đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cũng như cán bộ giảng dạy ở các trường cũng phải tự mình hoàn thiện, vươn lên theo tiêu chuẩn quốc tế.

Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nhà khoa học giỏi họ đều là yếu tố đặc biệt quan trọng trong đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời trực tiếp đóng góp vào nhiều tiêu chí để thăng hạng trên các bảng xếp hạng”.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu được xếp hạng thế giới

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Ngày 14/10/2021, Bộ xếp hạng của Times Higher Education công bố thêm 4 lĩnh vực trong kết quả xếp hạng theo lĩnh vực - THE World University Rankings by Subject năm 2022.

THE World University Rankings by Subject là bảng xếp hạng các trường đại học theo ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc 11 lĩnh vực. Kết quả của bảng xếp hạng này được đánh giá dựa 5 nhóm tiêu chí gồm các chỉ số: Trích dẫn (Citation), Thu nhập từ chuyển giao công nghệ (Industry Income), Triển vọng quốc tế (International Outlook), Nghiên cứu (Research) và Giảng dạy (Teaching).

THE đã sử dụng các nguồn dữ liệu từ khảo sát (do THE thực hiện), cơ sở dữ liệu Scopus (thuộc NXB Elsevier) và dữ liệu do cơ sở giáo dục đại học cung cấp để thực hiện xếp hạng, nhưng trọng số được điều chỉnh lại để phù hợp với từng lĩnh vực.

Theo đó, lĩnh vực Social Sciences (Khoa học Xã hội) của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu được vào Bảng xếp hạng này với thứ hạng 501 – 600 thế giới. Như vậy, trong Bộ xếp hạng THE, Đại học Quốc gia Hà Nội có 4 lĩnh vực được xếp hạng, bao gồm:

- Khoa học tự nhiên (Physical Sciences) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Kỹ thuật, công nghệ (Engineering) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Khoa học máy tính (Computer Sciences) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Khoa học xã hội (Social Sciences) thứ hạng 501 – 600 thế giới.

Tùng Dương