Bộ Giáo dục nên sớm triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối Giáo dục đại học, lãnh đạo nhiều trường đại học bày tỏ quan điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm triển khai đề án quy hoạch mạng lưới các trường đại học.
Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.
Quy hoạch sẽ thiết lập một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ học tập suốt đời; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên phạm vi cả nước thuộc lĩnh vực giáo dục đại học, đảm bảo khách quan, khoa học, công khai, minh bạch và hiệu quả; là cơ sở huy động nguồn lực xã hội phát triển mạng lưới này.
Trước những thuận lợi đem lại, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong giáo dục đại học luôn có sự cạnh tranh, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học theo vùng miền một cách hợp lý sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống. Vì vậy, đề án đã được đề ra trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm triển khai”.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị |
Đồng tình với ý kiến này, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, trong số 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021-2030”. Đây cũng là cơ sở, căn cứ để các nhà trường xây dựng chiến lược tiếp theo, cụ thể và chi tiết.
Đây không phải là nhiệm vụ dễ nhưng là vấn đề quan trọng nên Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế mong “Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm việc này hơn”.
Số lượng phó giáo sư, giáo sư có xu hướng giảm đáng kể
Ngoài vấn đề về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đại diện các trường đại học cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về số lượng đội ngũ giảng viên hiện nay.
Theo báo cáo kết quả năm học 2021-2022, Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 có 0,89% là giáo sư; 6,21% là phó giáo sư, 25,19% trình độ tiến sĩ, 60,35% trình độ thạc sĩ và 7,36% trình độ đại học.
Đội ngũ giảng viên toàn thời gian, tính đến 31/12/2021 |
Đánh giá về số liệu trên, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho rằng tổng số lượng phó giáo sư, giáo sư chỉ chiếm hơn 7% trong tổng số đội ngũ giảng viên đại học. Trong khi đó, cuối năm 2010, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số lượng phó giáo, giáo sư chiếm 8%. Như vậy, sau 12 năm, số lượng này có xu hướng giảm đáng kể.
“Trong khi năm 2010, ngành giáo dục đã đưa ra Đề án 911 đặt mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, đề án đã không đạt được mục tiêu đề ra, hiện nay, chúng ta đang thiếu rất nhiều. Như vậy, ngành giáo dục phải có kế hoạch để thúc đẩy lực lượng giảng viên, phải tăng số lượng tiến sĩ, số phó giáo sư, giáo sư”, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC nói.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình, ngày 29/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 3542 gửi các đại học, trường đại học, học viện về việc đăng ký cử giảng viên đi đào tạo theo đề án 89 của Chính phủ năm 2023.
Việc có quy định rõ ràng về việc giảng viên được cử đi không quay về hoặc quay về nhưng không phục vụ đủ thời gian yêu cầu thì bồi hoàn kinh phí giúp các trường yên tâm hơn trong việc thực hiện. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đề xuất “giảng viên trường công và giảng viên trường tư một khi đã được cử đi đào tạo thì có trách nhiệm như nhau sao cho cùng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực đào tạo”. Thêm nữa, vấn đề giảng viên sau khi cử đi đào tạo về từ trường công chuyển sang trường tư và ngược lại; các tiến sĩ từ doanh nghiệp chuyển sang đại học cũng cần được tính đến, có như vậy mới duy trì được sự bình đẳng giữa trường công và trường tư.
“Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét kế hoạch phát triển, đào tạo tiến sĩ và tăng cường lực lượng phó giáo sư, giáo sư trong môi trường đại học. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chế độ chính sách, duy trì sự bình đẳng để khi đào tạo tiến sĩ về phục vụ hết mình cho cả trường công cũng như trường tư”, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Bình nói.