18 năm đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Công ty TNHH Nestle' Việt Nam chỉ có 4 năm có lãi. Tuy lỗ triền miên nhưng mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện doanh nghiệp này chi cả chục tỉ đồng để quảng cáo cho đối tác là doanh nghiệp nước ngoài, một hoạt động không phục vụ lợi ích khách hàng của Nestle'.
Không chỉ vi phạm Luật Quảng cáo, Nestle' đang khiến dư luận hoài nghi về con số lỗ khai báo những năm qua. Bên cạnh đó, sản phẩm của Nestlte' tại thị trường Việt Nam có thị phần không nhỏ của nó là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi... vậy liệu rằng với việc báo lỗ triền miên, không đóng thuế, thu lợi nhuận từ bán sữa cho trẻ em nhưng lại hào phóng vung tiền hàng chục tỷ cho các hoạt động vô bổ khác, Nestle' có coi trọng đạo đức kinh doanh?
Báo lỗ nhưng vẫn mở rộng quy mô kinh doanh ở Việt Nam, vẫn chi hàng chục tỉ đồng quảng cáo cho đối tác, đạo đức kinh doanh của Nestle' ở đâu? |
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng đã có bài viết gửi đến báo điệm tử Giáo Dục Việt Nam nhấn mạnh cách hành xử thiếu đạo lý, không xứng tầm thương hiệu toàn cầu của Netsle' dưới đây
Thiếu đạo lý, không fairplay
Nhìn lại toàn bộ câu chuyện, đây không phải là điều mà người tiêu dùng Việt Nam chờ đợi ở một thương hiệu lớn như Nestle'.
Hành động người tiêu dùng thường sử dụng sản phẩm của một thương hiệu thể hiện niềm tin của người tiêu dùng với uy tín của thương hiệu. Chính vì vậy, doanh nghiệp ngoài việc sản xuất ra những sản phẩm tốt luôn cần phải ý thức giữ gìn hình ảnh.
Việc doanh nghiệp lớn sử dụng những thủ thuật tài chính nhằm né tránh đóng thuế tại những quốc gia sở tại là điều đã từng xảy ra. Cái được của doanh nghiệp là tránh được thuế. Cái mất của doanh nghiệp là khi tình trạng né tránh nghĩa vụ về thuế lâu dài, có hệ thống sẽ khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin vào thương hiệu, cho dù thương hiệu có lớn đến mấy.
Về mặt kỹ thuật, những doanh nghiệp FDI như Nestle’ có nhiều kỹ thuật để né trách nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Về mặt đạo lý, đó không phải là hành động fairplay (chơi đẹp), không phải tầm tư duy của thương hiệu toàn cầu.
Cũng chiếm thị phần lớn sữa như Vinamilk nhưng 18 năm kinh doanh sản xuất tại Việt Nam Nestle' chỉ đóng số thuế thu nhập doanh nghiệp chưa bằng 1/4 số thuế thu nhập doanh nghiệp của Vinamilk năm 2013. |
Thay vì đóng thuế doanh nghiệp tìm cách đẩy nguồn ngân sách quảng cáo cho một doanh nghiệp nước ngoài. Rõ ràng, đây là hành động không tương xứng với một thương hiệu lớn như Nestle'.
Tại sao cũng có những doanh nghiệp FDI trốn thuế nhưng người tiêu dùng lại không có phản ứng đặc biệt với trường hợp của Coca Cola hay Nestle'? Đơn giản bởi người tiêu dùng Việt tin tưởng và yêu mến những thương hiệu này. Đây cũng là những thương hiệu đã có một thời gian dài gắn bó với cuộc sống của người Việt. Chính vì thế, hành động né tránh nghĩa vụ xã hội như đóng thuế sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Như ta đã biết, niềm tin đặt vào thương hiệu nào càng lớn thì khi mất niềm tin, sự việc càng nghiêm trọng.
Chúng ta không đòi hỏi doanh nghiệp FDI nào cũng phải làm ăn có lãi, cũng phải đóng thuế cho nhà nước, tuy nhiên, việc liên tục khai lỗ trong khi mở rộng sản xuất kinh doanh liên tục khiến người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính trung thực của doanh nghiệp trong việc thực thi nghĩa vụ của mình.
Theo như thông tin trên một số tờ báo thì tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Nestle' đã nộp đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng. Như vậy, trong suốt 18 năm hoạt động ở Việt Nam, Nestle' mới chỉ nộp vào ngân sách 300 tỷ đồng. Trong khi đó riêng năm 2013, Vinamilk nộp thuế 1.400 tỷ đồng, cao gấp 4,7 lần số thuế của Nestle' nộp trong 18 năm hoạt động.
So sánh Vinamilk với Nestle' bởi lẽ hai doanh nghiệp này có mặt hàng tương xứng đó là sữa dành cho trẻ em, trong khi một doanh nghiệp thể hiện mạnh mẽ trách nhiệm với cộng đồng còn doanh nghiệp kia thì ngược lại. Nói về tầm vóc, thương hiệu Vinamilk chỉ ở thương hiệu quốc gia còn Nestle' thương hiệu toàn cầu, vậy tại sao một doanh nghiệp FDI tầm cỡ như Nestle' lại hành xử như vậy?.
Lý giải đơn giản, doanh nghiệp FDI chỉ coi Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng khai thác về lao động, về thị trường nơi dân số đông…
Một doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư đơn thuần vì lợi nhuận còn ngược lại đất nước đó phát triển hay không? Vấn đề an sinh xã hội, môi trường với doanh nghiệp nước ngoài đó là trách nhiệm của chính phủ, là cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Vì vậy nên nhiều nước đặc biệt những nước nghèo, nước đang phát triển dù có những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đầu tư xây dựng nhưng ngân sách chi tiêu lại chủ yếu từ tiền thuế của dân, tiền thuế của doanh nghiệp trong nước.
Nghi ngờ Nestle' là hoàn toàn có lý
Nên nhớ thuế là một trong những nguồn thu quan trọng bậc nhất đối với bất kỳ quốc gia nào. Với bất cứ doanh nghiệp nào, FDI hay doanh nghiệp nội địa, hành động đóng thuế chính là hành động thể hiện trách nhiệm xã hội đối với quốc gia mình đang hoạt động.
Khó có thể tin được rằng một thương hiệu quốc tế với nguồn vốn lớn gấp bội phần như Nestlé lại nộp thuế chỉ bằng một phần rất nhỏ một thương hiệu nội địa cùng ngành như Vinamilk.
Điều đó cho thấy sự nghi ngờ của người dân và công luận về nghi án trốn thuế trước đây của Coca Cola hay giờ là của Nestle' là hoàn toàn có lý.
Vấn đề quan trọng lúc này là người tiêu dùng phải thái độ có thái độ rõ ràng. Người tiêu dùng có quyền tối cao nhất: Ngừng mua sản phẩm của doanh nghiệp. Nghi án trốn thuế đã từng có ở nhiều thương hiệu, tại nhiều quốc gia. Và khi đó, áp lực của người tiêu dùng luôn khiến những doanh nghiệp có vấn đề phải suy nghĩ lại về hành động của mình.
Xin nhắc lại, sự việc Starbucks dính nghi án trốn thuế tại Anh. Sau khi bị phanh phui rằng gần hai thập kỷ hoạt động tại Anh Quốc, Starbuck chỉ đóng một phần rất nhỏ so với doanh thu khổng lồ của chuỗi quán cafe này, người dân Anh quốc đã phẫn nộ, tẩy chay khiến doanh thu Starbucks sụt giảm mạnh. Cuối năm 2012, Starbucks cam kết tự nguyện nộp thêm 20 triệu bảng (khoảng 32 triệu USD) tiền thuế doanh nghiệp ở Anh trong hai năm bất chấp có thu được lợi nhuận ở thị trường này hay không.
Những ông lớn như Coca Cola hay Nestle' nên nhìn hành động của Starbucks tại Anh để thể hiện một hình ảnh đẹp hơn, tương xứng hơn đối với thương hiệu của mình.