Vietnam Airlines chi hàng trăm tỷ cho quảng cáo
Ngoại trừ năm 2009 doanh thu giảm, còn lại trong giai đoạn từ năm 2008 - 2013 doanh thu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) liên tục tăng. Trong đó doanh thu tăng mạnh trong năm 2010 và 2011 với mức tăng năm sau cao hơn năm trước gần 10 nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, năm 2008 tổng doanh thu của VNA là 25,2 nghìn tỉ đồng, năm 2009 giảm xuống 23,2 nghìn tỉ đồng, đến năm 2010 tăng lên 35,6 nghìn tỉ đồng. Một năm sau 2011 doanh thu của VNA tăng lên 44,8 nghìn tỉ, năm 2012 là 49,5 nghìn tỉ và năm 2013 là 52,8 nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên trái với doanh thu khủng, lợi nhuận của VNA dường như vẫn chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. Trong giai đoạn 6 năm trước cổ phần hóa, năm 2010 có lợi nhuận cao nhất (đạt 314 tỷ đồng), và năm 2011 lợi nhuận thấp nhất là 36,6 tỷ đồng. Riêng năm 2013, lợi nhuận của Vietnam Airlines đạt 157 tỷ đồng, tăng 14 so với lợi nhuận năm 2012 (tương đương mức tăng tuyệt đối là 19,5 tỷ đồng).
Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận thấp của VNA do bộ máy nhân công cồng kềnh và phải chi quá nhiều chi phí trong đó có chi phí quảng cáo |
Lợi nhuận thấp của VNA được cho do doanh nghiệp này phải chi quá nhiều chi phí. Riêng trong giai đoạn 2008 -2013 tỷ trọng bình quân tổng chi phí chiếm đến 99,5% tổng doanh thu. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bình quân của VNA từ 2008 - 2013 là 40,2 nghìn tỉ đồng tăng bình quân 16,6%/ năm.
Bên cạnh chi phí lớn trong hoạt động kinh doanh, bộ máy cồng kềnh khiến VNA phải chi trả chi phí nhân công lớn chiếm đến 7,7% trong tổng chi phí hàng năm. Trong giai đoạn từ 2008 - 2013 mỗi năm VNA phải chi 3.000 tỉ đồng để chi trả chi phí nhân công.
Tổng quỹ lương của VNA tăng mạnh trong các năm trong đó cao nhất là năm 2012 với 1,9 nghìn tỉ, thấp nhất năm 2009 khi doanh thu giảm tổng quỹ lương cũng giảm từ 1,3 nghìn tỉ đồng (năm 2008) xuống còn 1,2 nghìn tỉ. Còn lại liên tục trong các năm từ 2010 đến 2013 tổng quỹ lương giao động hàng năm mức 1,8 - 1,9 nghìn tỉ đồng.
Một khoản chi phí không nhỏ đó là Marketing. Theo thông kê của Tổng Công ty hàng không Việt Nam, riêng trong giai đoạn 2011 - 2013 doanh nghiệp này phải chi 710,2 tỉ đồng cho hoạt động quảng cáo, PR thương hiệu, chiếm 10 - 11% tổng chi phí bán hàng trong giai đoạn này.
Phải vay lãi, Vietnam Airlines vẫn gửi ngân hàng hơn 5.000 tỷ
Cũng theo báo cáo phương án cổ phần hóa của Tổng công ty hàng không Việt Nam vừa công bố, tại thời điểm cuối 2013, VNA có hơn 5.000 tỷ đồng tiền mặt gửi tại ngân hàng.
Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán tại thời điểm ngày 31/3/2013 là: 57.156.505.406.732 đồng (năm mươi bảy nghìn một trăm năm mươi sáu tỷ, năm trăm lẻ năm triệu, bốn trăm lẻ sáu nghìn, bảy trăm ba mươi hai đồng), tương đương 2.744 triệu USD (hai nghìn, bảy trăm bốn mươi bốn triệu đô la Mỹ).
Giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp: 10.576.378.635.374 đồng (mười nghìn năm trăm bảy mươi sáu tỷ, ba trăm bảy mươi tám triệu, sáu trăm ba mươi lăm nghìn, ba trăm bảy mươi tư đồng), tương đương 507,79 triệu USD (năm trăm lẻ bảy triệu, bảy trăm chín mươi nghìn đô la Mỹ).
Tổng công ty có tiền mặt và tiền đang chuyển hơn 65 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngân hàng là 2.035 tỷ; có 2.946 tỷ đồng gửi có kỳ hạn ít hơn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại; tiền gửi trên 3 tháng đến dưới 1 năm là hơn 229 tỷ đồng.
Tổng cộng tiền và các khoản tương đương tiền của VNA là hơn 5.276 tỷ đồng. So với cuối năm 2012, khoản tiền này giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013, tại thời điểm cuối năm VNA có khoản vay nợ ngắn hạn hơn 12.000 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 38.000 tỷ đồng.
Trong số vay nợ ngắn hạn, có hơn 6.537 tỷ đồng là vay tín chấp; hơn 2.561 tỷ đồng vay có bảo lãnh của Bộ Tài chính và hơn 3.220 tỷ đồng đảm bảo bởi tài sản hình thành từ vốn vay.
Về khoản vay dài hạn, thuyết minh báo cáo cho thấy VNA đã vay một loạt các ngân hàng trong và ngoài nước, trong đó nhiều nhất là vay của Vietcombank với hơn 3.021 tỷ đồng tiếp đến là ngân hàng Cathay chi nhánh Đài Loan với hơn 2.314 tỷ đồng; Eximbank 2.080 tỷ và Techcombank gần 1.160 tỷ. Tổng cộng 4 ngân hàng này chiếm xấp xỉ 70% khoản vay dài hạn của VNA.
VNA lý giải, các khoản vay dài hạn của Tổng công ty được dùng để tài trợ cho việc mua máy bay, động cơ máy bay và tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh và có lãi suất rất thấp, với bằng VND chỉ 6,2%/năm, trong khi lãi suất USD là 4,6%/năm và Euro là 2,1%/năm.
Bên cạnh đó, VNA đang nợ 6 ngân hàng nước ngoài gần 26.000 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là nợ Citibank với hơn 13.900 tỷ đồng, tiếp đến là Credit Agricole gần 6.500 tỷ và JP Morgan Chase hơn 3.060 tỷ đồng.
Các khoản nợ dài hạn được bảo lãnh hoàn toàn bởi Bộ Tài chính. VNA phải trả lãi suất LIBOR 6 tháng + biên độ từ 0% đến 3,95% hoặc lãi cố định từ 2,1% đến 4,86%. Citibank là ngân hàng cung cấp hơn 50% số nợ này cho VNA.
Báo cáo tài chính hợp nhất 2013 của Vietnam Airlines cũng cho thấy, doanh thu từ hoạt động tài chính của Tổng công ty đạt hơn 1.022 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong đó lớn nhất là phần lãi do chênh lệch tỷ giá hối đoái (gần 545 tỷ đồng), tiếp đến là lãi từ tiền gửi và cho vay hơn 215 tỷ đồng.
Về chi phí tài chính, năm 2013 VNA phải chi hơn 2.728 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay đã chiếm 46% với hơn 1.260 tỷ đồng. Các chi phí liên quan đến hợp đồng vay dài hạn, vay thuê tài chính là 136 tỷ đồng. Lỗ do chênh lệch tỷ giá ghi nhận vào chi phí tài chính là 1.309 tỷ.
Cụ thể, năm 2014 VNA dự tính doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 59.295 tỉ đồng tuy nhiên sau khi trừ chi phí VNA lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 301 tỉ đồng, theo đó năm 2014 VNA dự định sẽ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Năm 2014 lỗ từ hoạt động kinh doanh tuy nhiên tổng chi phí nhân công của VNA vẫn lên đến 4.361 tỉ đồng, lương thu nhập bình quân người lao động 13,9 triệu đồng.
Các năm tiếp theo doanh thu sẽ tăng dần, đến năm 2018 VNA dự tính đạt doanh thu 110.073 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 15.419 tỉ đồng, nộp thuế thu nhập 981 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành thu được 479,91 tỉ đồng, kế hoạch đầu tư giai đoạn 2014 - 2018, VNA dành 63.297 tỉ đồng phát triển máy bay, xây dựng cơ bản 2.356 tỉ đồng, đầu tư ngoài doanh nghiệp 1.993 tỉ đồng. Trong 1.993 tỉ đồng đầu tư ngoài doanh nghiệp VNA sẽ tập chung đầu tư vào doanh nghiệp mới chuyên kinh doanh sửa chữa, cung ứng phụ tùng tàu bay. Đồng thời trong 2 năm 2014 - 2016 VNA sẽ tiếp tục thoái vốn các công ty ngoài ngành như Công ty in hàng không, Công ty tư vấn xây dựng và dịch vụ hàng không, Công ty Công trình hàng không…
Để đảm bảo duy trì phát triển VNA sẽ cần tổng số vốn trung dài hạn lên tới 61. 218 tỉ đồng (hơn 2,7 tỉ USD) trong giai đoanh 2014 - 2018. Trong giai đoạn 4 năm này VNA dự tính sẽ thanh toán nợ gốc khoản vay dài hạn, tồn đọng nợ đến hết năm 2018 chỉ còn 58.130 tỉ đồng.