Máy bay trinh sát điện tử Trung Quốc bay gần không phận Senkaku |
Đài truyền hình CCTV vừa có chương trình bình luận mang tên "Nhật Bản không ngại tuyên truyền máy bay quân sự Trung-Nga bay áp sát". Bài viết cho rằng, gần đây, Nhật Bản đã điều động khẩn cấp máy bay chiến đấu cất cánh, theo dõi máy bay trinh sát của Trung Quốc và Nga bay gần không phận của họ, chẳng hạn trong các ngày 16 và 17 tháng 11, một chiếc máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc liên tục hai ngày xuất hiện ở vùng trời lân cận đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Đồng thời, bài báo cho biết, cũng trong ngày 16 tháng 11, có hai máy bay quân sự Nga từ biển Okhotsk bay qua quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là 4 hòn đảo phía bắc - nơi tranh chấp giữa Nga-Nhật) tới Thái Bình Dương, bay kéo dài xuống phía đông đảo Okinawa rồi quay trở về.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, máy bay Nga bay ở khu vực này là việc của Nga, còn Trung Quốc thực hiện "nhiệm vụ trinh sát, tuần tra" của họ - đây "hoàn toàn chỉ là sự trùng hợp".
Theo bài báo, Trung Quốc điều máy bay Tu-154 bay đến vùng trời đảo Senkaku là để "tuyên bố chủ quyền" của Trung Quốc, cho thấy Trung Quốc có "thủ đoạn mới bảo vệ chủ quyền".
Bài báo đặt vấn đề là Nhật Bản đang tuyên truyền về vấn đề này "tạo bầu không khí căng thẳng" với mục đích nào đó. Cũng có phân tích cho rằng, Nhật Bản "tuyên truyền mối đe dọa từ bên ngoài, tuyên truyền tình hình căng thẳng khu vực là để tạo cớ tăng cường sức mạnh quân sự". Liên quan đến vấn đề này, bài báo đã phỏng vấn chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác và Đỗ Văn Long.
Máy bay tuần tra Nga bay áp sát không phận Nhật Bản |
Theo Doãn Trác, Nhật Bản hoàn toàn đã tiến hành tuyên truyền, bởi vì máy bay quân sự Trung Quốc rốt cuộc có phải là máy bay Tu-154 hay không thì điều này xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa có xác nhận về vấn đề này.
Máy bay Trung Quốc bay cách đảo Senkaku 150 km thì đó hoàn toàn là bay ở vùng trời quốc tế, đồng thời "đảo Senkaku là không phận của Trung Quốc", máy bay này bay cách "đảo tranh chấp" 150 km, hoàn toàn phụ hợp với luật pháp quốc tế, "không có bất cứ lý do gì Nhật Bản điều máy bay khẩn cấp ứng phó". Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn công bố thông tin này cho báo chí, "rõ ràng là có ý làm nóng vấn đề này".
Doãn Trác cho rằng, Nhật Bản có thiết lập "Khu nhận biết phòng không" cách rất gần Trung Quốc, máy bay quân sự Trung Quốc vừa cất cánh thì đã xâm nhập vào khu vực do Nhật đặt ra này... Trong tương lai, Trung Quốc có thể cũng thiết lập "Khu nhận biết phòng không" đến tận khu vực lân cận Okinawa để khi máy bay Nhật Bản bắt đầu cất cánh thì Trung Quốc đều có thể "cất cánh khẩn cấp" ứng phó! Đồng thời, Trung Quốc có thể tuyên truyền vấn đề này trên truyền thông, tạo "không khí căng thẳng ở biển Hoa Đông"!...
Về khả năng máy bay trinh sát điện tử, trong đó có máy bay Tu-154 có xuất hiện trong các hoạt động quân sự tương lai hay không, Đỗ Văn Long cho rằng, máy bay trinh sát điện tử đóng vai trò nổi bật trong thu thập tình báo, nhất là trong thời bình, nó không có tính nhằm vào, trong quá trình bay huấn luyện bình thường sẽ phát hiện ra các tín hiệu và ghi nhớ lại, trên thực tế là một loại thu thập - điều này có thể có tác dụng trong thời chiến.
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Nga |
Theo Đỗ Văn Long, so với rất nhiều hoạt động áp sát duyên hải Trung Quốc của Nhật Bản và Mỹ, hoạt động tương tự (bay huấn luyện lần này) của Trung Quốc ít hơn nhiều, ông Long cho đây là "một hoạt động bay huấn luyện bình thường", không có biên đội hoặc bay vào vùng trời nhạy cảm tiến hành hoạt động gây phiền phức.
Đây cũng là một cách đáp trả lại việc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Nhật Bản và Mỹ hàng ngày tiến hành theo dõi Trung Quốc. Trung Quốc có thể chọn những khu vực hoạt động trinh sát của máy bay Nhật-Mỹ để tiến hành "huấn luyện".
Bài báo có liên tưởng đến việc Nhật Bản điều tàu chiến xâm nhập khu vực diễn tập của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc trên vùng biển Tây Thái Bình Dương trong tháng trước, đồng thời liên hệ với hoạt động tuần tra của 2 máy bay tuần tra Tu-142 gần không phận Nhật Bản.
Theo chuyên gia Doãn Trác thì máy bay tuần tra Nga đã không xâm phạm không phận Nhật Bản, nhưng truyền thông Nhật Bản có cả 2 quan điểm là xâm phạm không phận và áp sát không phận Nhật Bản - đối với vấn đề này, Nhật Bản cũng áp dụng biện pháp cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để ứng phó.
Doãn Trác cho rằng, máy bay Nga đã bay ở vùng trời quốc tế, Nhật Bản đã luôn áp sát trinh sát đối với Nga và Trung Quốc, tần suất hoạt động này còn vượt xa Mỹ, mỗi năm khoảng trên 500 lượt chiếc. Theo đó, Doãn Trác cho rằng, hai nước này tiến hành hoạt động bay trinh sát đối với Nhật Bản cũng là "lẽ đương nhiên", là một "hành động đối đẳng", không cần phải "ngạc nhiên"!
Máy bay tuần tra P-3C Nhật Bản |
Nga thường xuyên cho máy bay bay ở vùng trời quốc tế, nhưng áp sát không phận Nhật Bản, thậm chí bay vòng quanh lãnh thổ Nhật Bản, kể cả trong khi Nhật-Nga tiến hành hội đàm 2+2 (có sự tham gia của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của cả hai bên), theo Doãn Trác, hành động này là Nga muốn thể hiện một lập trường cứng rắn.
Bởi vì Nhật Bản luôn tìm cách đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril (bốn hòn đảo phía bắc). Tuy nhiên, Nga cũng cần vốn và công nghệ Nhật Bản để phát triển khu vực Viễn Đông. Nga thông qua các biểu hiện cứng rắn như vậy là để nói với Nhật Bản rằng, vấn đề tranh chấp đảo không bàn nữa, mà chuyển sang bàn về quan hệ kinh tế.
Đỗ Văn Long cho rằng, hiện nay, cả máy bay Nga và Trung Quốc đều bay áp sát không phận Nhật Bản như vậy khiến cho Nhật Bản lo ngại bị "đánh đôi". Hai loại máy bay - một là Tu-142, một là Tu-154 - chúng vừa trinh sát vừa săn ngầm, thu thập được thông tin sẽ có thể phát huy được tác dụng to lớn.
Thực ra, Nga coi vùng trời như vậy là để huấn luyện, máy bay ném bom tầm xa/chiến lược chỉ bay ở "cửa nhà" thì không thể đạt được mục tiêu đào tạo phi công, hơn nữa bay đường dài sẽ giúp cho máy bay Nga tìm hiểu về tình hình biển, mục tiêu, đường bay... Cho nên, tuy bay quanh Nhật Bản, nhưng máy bay Nga không xâm phạm không phận Nhật Bản. Theo đó, máy bay Trung Quốc cũng không chỉ bay ở vùng trời của mình, mà phải đến vùng trời quốc tế, qua đây phô diễn tính năng của máy bay họ.
Đỗ Văn Long cho rằng, Nhật Bản tích cực tuyên truyền về vấn đề này là nhằm "phóng to" sự nguy hiểm, "tạo cớ mở rộng quân bị", thể hiện Nhật Bản vừa đang đối mặt với mối đe dọa to lớn, vừa cần thiết phải tăng cường năng lực phòng thủ, tăng cường năng lực cảnh báo sớm.
Máy bay tuần tra P-1 Nhật Bản |
Theo bài báo, Nhật Bản đã tiến hành "phóng to" mối đe dọa. Gần đây, hiện nay họ đang tổ chức diễn tập quy mô lớn ở khu vực Okinawa, trong đó có diễn tập phong tỏa eo biển Miyako - một tuyến đường biển quốc tế, nơi mà tàu chiến Trung Quốc phải đi qua để vươn ra Tây Thái Bình Dương, cuộc diễn tập phong tỏa này đã sử dụng tên lửa đất đối hạm, vừa qua được báo chí Trung Quốc tích cực tuyên tuyền.
Đồng thời, bài báo còn cho biết, gần đây, tổ chức nghiên cứu quân sự - Công ty RAND Mỹ cũng đã đề nghị với quân Mỹ nên triển khai hệ thống tên lửa trên bộ ở các cứ điểm quan trọng chiến lược thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Đối với vấn đề này, Doãn Trác cho rằng, nếu Mỹ làm như trên thì sẽ "gây ảnh hưởng đến Nga", bởi vì, trên thực tế, Mỹ phong tỏa các đường biển đã sớm đặt ra, nhiệm vụ trước đây của Nhật Bản chính là hỗ trợ Mỹ phong tỏa đường ra Thái Bình Dương của Nga. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời chiến.Trong mấy chục năm thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề này, thể hiện ở phong tỏa eo biển, phát triển năng lực săn ngầm. Hiện nay, toàn bộ sự chú ý lại tập trung vào Trung Quốc, nhưng không quên Nga, bởi vì tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga vẫn đứng thứ hai thế giới, hơn nữa nước duy nhật có thể tiêu diệt Mỹ chính là Nga.
Máy bay chiến đấu 2 động cơ F-15J Nhật Bản |