Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Kiên không phải là trường hợp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tiên bị bắt trong năm nay vì vi phạm những quy định của pháp luật liên quan việc cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Trước ông Kiên, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã vướng vòng lao lý.
Các bị can Nguyễn Văn Kiên, Trịnh Mạnh Cường, Đinh Văn Hữu, Nguyễn Quang Tuyến, Võ Thúc Chính, Mai Thanh An (từ trên xuốc và từ trái qua).Ản: Bộ Công An |
Trước việc Giám đốc Sở, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở một số địa phương bị bắt vì liên quan đến đấu thầu mua sắm thiết bị giáo dục, có nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý, giám sát.
Trao đổi với Tạp chí điện tử điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Sinh – Đại biểu quốc hội khóa 14 cho rằng cần phải rà soát lại các quy định cụ thể, cơ chế giám sát để chấm dứt tình trạng trên.
“Những sự việc như vậy sẽ tạo ra những hiệu ứng rất không tốt. Nếu công an chứng minh là hành vi tội phạm thì phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện xử lý”, ông Sinh nêu.
“Cũng cần phải nói thêm là những việc đấu thầu mua sắm đã có những quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều những vấn đề phức tạp. Cần phải rà soát lại xem có sự chồng chéo của các quy định pháp luật dẫn đến những kẽ hở để người ta lợi dụng hay không.
Cơ quan chức năng cũng cần phải xem các sự việc này có cùng một thủ đoạn hay không hay có những thủ đoạn khác nhau, để từ đó quản lý, giám sát hiệu quả hơn".
Nói về công tác cán bộ, ông Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, việc lãnh đạo chủ chốt của một ngành, đặc biệt là ngành giáo dục bị bắt sẽ có tác động rất lớn đến tâm tư của các giáo viên, học sinh.
Những người công tác trong nghề cao quý, là thầy cô, giáo dục nhiều thế hệ học trò mà lại rơi vào vòng lao lý bởi vì lòng tham, sự bất chấp pháp luật hoặc sự yếu kém về quản lý không chỉ gây ra những thiệt hại về mặt vật chất, tiền của của Nhà nước mà còn nhiều hệ lụy khác.
Các vị bị khởi tố lãnh giám đốc sở, nguyên giám đốc sở đều là cán bộ cấp cao của tỉnh, nên các tỉnh cần tăng cường quản lý cán bộ, đánh giá phân loại cán bộ, chặt chẽ trong công tác bổ nhiệm.
"Ví dụ như vụ ở Điện Biên, tôi được biết ông Kiên đã từng vi phạm từ khi làm Phó Giám đốc Sở. Khi làm cấp phó đã vi phạm rồi vậy mà trong quá trình công tác, qua quá trình kiểm tra, giám sát, rà soát những người làm công tác cán bộ lại không phát hiện ra, tiếp tục bổ nhiệm vào chức vụ mới. Đây là điều đáng tiếc.
Nếu có vi phạm khi ở vị trí mới thì đó là một chuyện, nhưng nếu đã vi phạm từ lúc còn giữ chức vụ cũ đến lúc họ giữ chức vụ mới thì cần phải xem xét lại quá trình đánh giá, quản lý giám sát cán bộ đã tốt hay chưa.
Công tác quản lý đánh giá cán bộ, trong đó công tác rà soát, đánh giá, luân chuyển, điều động phải thật chặt chẽ, đúng quy trình.
Bên cạnh đó cũng cần phải xem xét trách nhiệm của tập thể, đặc biệt là những trường hợp rà soát lại công tác ứng cử, bổ nhiệm… xem đã làm tốt hay chưa.
Tiếp theo là khi cán bộ ngồi vào vị trí đó phải có cơ chế, kiểm tra, giám sát để quản lý cán bộ làm tốt chức trách của mình. Làm sao để họ không lợi dụng vị trí đó làm sai, làm trái những quy định của pháp luật", ông Sinh phân tích.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Tiến Sinh, ông Mong Văn Tình – Đại biểu quốc hội khóa 14 cũng cho rằng để xảy ra những sự việc như vậy là vô cùng đau xót, đặc biệt là với những người đứng đầu ngành giáo dục.
Theo ông Mong Văn Tình, với giáo dục vùng cao từng đồng hỗ trợ của Nhà nước cần phải được dùng đúng mục đích, hiệu quả. Những người không vượt qua sự cám dỗ của vật chất, vướng vòng lao lý như vậy đã làm hoen ố hình ảnh của ngành giáo dục.
"Như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thứ còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân...
Điều này càng đúng đối với những người làm giáo dục. Bởi tài sản lớn nhất của những người làm giáo dục là sự kính trọng của lớp lớp thế hệ học trò, với người đứng đầu ngành giáo dục còn là sự kính trọng của nhân dân, thầy cô giáo.
Thời gian tới, tôi cho rằng, ngành giáo dục cần phải có những hành động cụ thể làm sao phải vừa làm trong sạch cho ngành giáo dục và vừa ngăn chặn được những hành vi tương tự xảy ra.
Xã hội vốn coi trọng nghề giáo mà để xảy ra những chuyện tham những tiêu cực, ham muốn về vật chất cao hơn đạo đức nhà giáo là một chuyện cực kỳ đáng buồn", ông Mong Văn Tình nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hằng (ảnh lớn) và đồng phạm bị khởi tố. Ảnh: Bộ công An |
Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 23/9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can đối với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên và 5 cán bộ có liên quan về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Văn Kiên cùng 3 cán bộ dưới quyền và 2 giám đốc doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh và hồ sơ tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn xây dựng T&C, Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Trước đó, ngày 16/7, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Bà Phạm Thị Hằng khi còn là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gối thầu có trị giá nhiều chục tỷ đồng.
Sau khi các trang thiết bị này được trang bị cho các trường học thì chỉ trong một thời gian ngắn đã hư hỏng. Gây thiệt hại lớn cho nhà nước.
Ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can trong đó có Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…