Chính trường Argentina đang dậy sóng. Giới chính trị đối lập nước này lên án gay gắt về nghị định của Tổng thống Mauricio Macri trong việc bổ nhiệm bổ sung Thẩm phán Tòa án Tối cao nước này và cải cách luật truyền thông mà ông cho là nhắm thúc đẩy đất nước phát triển.
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner cho rằng, ông Macri đã có những bước đi phản dân chủ, xóa bỏ những nguyên tắc đã trở thành truyền thống của những chính phủ tiền nhiệm, trong đó riêng gia đình nhà Kirchner đã nắm quyền chi phối chính trường Argentina ba nhiệm kỳ liên tiếp, theo The Guardian ngày 10/1.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Ảnh: Reuters. |
Tại sao tân Tổng thống Mauricio Macri lại có những hành động mạo hiểm như vậy?
Hoàn thiện thể chế để khẳng định sức mạnh quốc gia
Trước tiên có thể thấy rằng, hành động của Tổng thống Macri không vi hiến, vì vậy những người chí trích không thể luận tội ông. Hành động của ông xuất phát từ nguyên do chính, đó là yêu cầu hoàn thiện thể chế chính trị để đảm bảo quyền lực và giá trị những di sản mà người tiền nhiệm để lại cho ông.
Thể chế chính trị là một trong bốn trụ cột tạo nên sức mạnh quốc gia, vì vậy khi thể chế chưa hoàn thiện thì đương nhiên sức mạnh quốc gia không thể đảm bảo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà nước không thể điều hành và quản lý xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển.
Khi thể chế chính trị chưa hoàn thiện thì mọi hành động của việc sử dụng quyền lực đều bị hạn chế, bởi nếu vì lợi ích của người dân thì có thể vi hiến, nhưng nếu tuân thủ nguyên tắc để tránh vi hiến thì khó có thể thực hiện tốt những biện pháp vì quyền lợi của người dân. Và hiện tại ông Macri nằm trong thế kẹt ấy.
Tòa án tối cao Argentina có năm Thẩm phán, hiện nay đang khuyết mất hai vì chưa được bổ nhiệm bổ sung kịp thời, vì vậy không thể hoạt động. Nhưng theo nguyên tắc truyền thống thì phải có một cuộc họp tại Thượng viện để đi đến thống nhất cho việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao, song chưa thể tổ chức cuộc họp như vậy vì Thượng viện đang trong thời gian nghỉ.
Với ông Macri, điều đó là không thể chấp nhận vì nó làm cho ông không thể mạnh dạn trong việc đưa ra những quyết sách. Nhưng quan trọng hơn là việc làm của ông là cần thiết và không có gì là bất thường.
"Các nghị định này chỉ đơn giản là cần thiết, nó không phải là một phần của bất kỳ âm mưu chính trị nào cả. Trong trường hợp của Tòa án Tối cao, hai trong số năm Thẩm phán đã rời khỏi tòa án và đương nhiên Tòa án Tối cao không thể hoạt động với chỉ ba Thẩm phán", The Guardian thuật lời cố vấn của ông Macri, Hernán Iglesias Illa nói.
Ngoài ra, hành động cố tình làm chậm việc bổ nhiệm Thẩm phán Tối cao của những người ủng hộ cựu Tổng thống Cristina Fernández có thể là có ý đồ, làm cho ông Macri hoài nghi về những việc đã làm của chính phủ và cá nhân bà Cristina trong thời gian nắm quyền có thể có những điều không bình thường.
Quan điểm của ông Macri rất rõ ràng, khi tranh cử thì có cánh tả, cánh hữu nhưng khi nắm quyền thì chỉ có một chính quyền thống nhất đó là chính quyền của người dân, đại diện cho ý nguyện của nhân dân. Không có chính quyền đối lập. Do vậy, ông muốn hoàn thiện mọi nhánh của thể chế chính trị để đảm bảo sức mạnh cho chính quyền.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri và người dân Argentina. Ảnh: EPA |
"Chúng tôi muốn mọi người cùng đóng góp một phần cho việc xây dựng đất nước, dù là những người cho mình thuộc cánh tả hay những người thuộc cánh hữu, dù là Peronists hay chống Peronists", The Guardian dẫn lời ông Macri kêu gọi đoàn kết dân tộc. Ông thể hiện quan điểm ôn hòa khi đề cập đến phong trào được thành lập bởi cố Tổng thống Juan Perón năm 1946 mà bà Fernández cũng thuộc thành phần của phong trào ấy.
Còn việc gạt bỏ những nguyên tắc về truyền thông mà chính quyền của cựu Tổng thống Cristina Fernández đã xây dựng thì với ông Macri, những gì đảm bảo bí mật quốc gia cần phải được đảm bảo và truyền thông nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Nhưng không thể bưng bít thông tin vì đó là che mắt người dân trong việc kiểm soát hoạt động của Chính phủ và sẽ gây ra những hiện tượng thông tin sai sự thật.
Hạn chế thông tin để rồi Chính phủ của bà Cristina Fernández để lại cho ông Macri một ngân sách gần như trống rỗng. Cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến vỡ nợ năm 2001 cũng có nguyên nhân từ bưng bít thông tin nên khi vỡ lở ra thì Chính phủ chỉ còn biết tuyên bố vỡ nợ quốc gia.
Bài học đó là quá giá trị với một người làm chính trị xuất phát từ doanh nhân như ông Macri.
Do vậy, ông Macri đã rất quyết tâm trong việc xây dựng một chính phủ vững mạnh, hoàn thiện thể chế, minh bạch các hoạt động của Chính phủ là những công việc quan trọng và đầu tiên nhất cần phải làm ngay. Những người bị ảnh hưởng bởi những việc làm ấy chắc chắn sẽ lo sợ và phản ứng quyết liệt, thậm chí người ta lên án ông Macri là phản dân chủ.
Tuy nhiên, qua việc ông Macri đã làm thì không ai tìm thấy những giá trị của dân chủ bị ông gạt bỏ, không ai tìm thấy những nguyên tắc hình thành nên nền dân chủ bị ông vi phạm. Với ông Macri, dân chủ phải được thể hiện trong toàn xã hội, đối với tất cả người dân, chứ không chỉ là dân chủ đảng phái và chỉ được hướng tới những chính trị gia mà thôi.
Quá khứ chỉ là hoài niệm
Những người phản đối ông Macri cho rằng vì ông giành được quyền lực trong một chiến thắng mong manh nên ông phải thực hiện nhanh những biện pháp mạnh để củng cố quyền lực. Điều đó không có gì sai, thậm chí là cần thiết.
Tuy nhiên, họ đã chỉ trích ông quên mất truyền thống chính trị tại Argentina được khởi nguồn và lưu giữ từ thời nắm quyền của vợ chồng cố Tổng thống Juan Veron trong những năm giữa thế kỷ trước.
Có điều, dư luận chưa hề nghe ông Macri có lời lẽ nào chê bai hay bài xích quá khứ được khắc ghi bởi nhà lãnh đạo được xem như vị anh hùng của người dân Argentina. Còn với ông Macri, khi nắm quyền lực thì thực tế của đất nước và thực tiễn của xã hội mới là cơ sở cho ông thể hiện quyền lực thông qua những kế hoạch và chính sách của của mình.
Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernández. Ảnh: AP. |
Với ông Macri thì quá khứ chỉ là hoài niệm. Mà quá khứ của Argentina đâu phải tất cả đều có thể hoài niệm, trong đó việc vỡ nợ quốc gia đã là một cơn ác mộng cho người dân và cho những nhà lãnh đạo đất nước sau này.
Từ cựu Tổng thống Eduardo Duhalde cho đến bà Cristina Fernández, việc khắc phục những hậu quả đó luôn nằm trong chương trình hành động của Chính phủ.
Đến thời điểm này khi ông Macri tiếp nhận quyền lực, những hậu quả đó chưa khắc phục được là bao, và việc khắc phục chủ yếu đạt được là dưới thời cố Tổng thống Nestor Kirchner – chồng cụu Tổng thống Cristina Fernández. Vì vậy, món nợ của chính quyền Argentina đối với nhân dân Argentina, ông Macri phải tiếp tục trả và ông thấy không thể chậm trễ được nữa.
Cuộc sống của người dân, tương lai của đất nước mới là mệnh lệnh cho hành động ông lúc này.
“Hôm Thứ Năm, Bộ trưởng Kinh tế Alfonso Prat-Gay cho biết, chính phủ đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn từ 20% đến 25% trong năm nay. Đó sẽ là một sự cải tiến vượt bậc vì vào năm 2015 tỷ lệ lạm phát là khoảng 30%. Chính phủ hy vọng sẽ có được tín dụng và đầu tư quốc tế để bổ sung vào ngân sách nhà nước trống trơn do chính phủ Fernández để lại”, theo The Guardian ngày 10/1.
Ông Macri là một doanh nhân nên rất thực tế khi nhìn vào tình hình đất nước và cuộc sống của người dân để có những hành động phù hợp. Tổng thống Macri đã nhìn vào quá khứ một cách trân trọng và điều đó đã thể hiện qua hành động của ông và chính sách của chính phủ Argentina mà ông đứng đầu.
Nhưng những người muốn níu kéo quá khứ đã cảnh báo ông rằng “kể từ khi nền dân chủ được tái lập vào năm 1983 chỉ có hai vị Tổng thống không theo truyền thống Peronist của Argentina nắm quyền và cả hai đều không hoàn thành nhiệm kỳ của họ do những biến động kinh tế và bất ổn xã hội được thổi bùng bởi những những Peronist”.
Tuy nhiên với ông Macri, thành công của ông phụ thuộc rất lớn vào thành công của nền kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân và ông đã nhận được những khích lệ ban đầu.
Giới doanh nghiệp đã hoan nghênh Chính phủ Macri loại bỏ thuế xuất khẩu đậu nành và xuất khẩu những loại nông sản lớn khác, cùng với việc loại bỏ kiểm soát ngoại hối từng cản trở thương mại và giao dịch tài chính.
Không đọan tuyệt với quá khứ là một người lãnh đạo có tâm, biết đưa quá khứ vào hoài niệm và biết hành động tốt nhất trong hiện tại để tiết kiệm cho tương lai là thể hiện người lãnh đạo có tầm. Đó là người lãnh đạo mà người dân và đất nước luôn cần tới. Với những hành động ban đầu của Tổng thống Macri, người dân Argentina và dư luận thế giới đã cảm nhận được tân Tổng thống Argentina là người như thế.