Một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp này là sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng và làm thế nào để vừa chống tham nhũng hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.
Tại điểm b khoản 3 Điều 20 dự thảo quy định "người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được để vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, anh chồng, chị chồng, em chồng, anh vợ, chị vợ, em vợ là người quản lý, thành viên hợp danh, thành viên góp vốn và cổ đông có cổ phần, phần góp vốn chi phối tại doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đó là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu".
Theo Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi): “Quy định như trên là quá rộng, tuy mục đích nhằm tăng cường sự hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tham nhũng, nhưng quy định này sẽ ảnh hưởng đến quyền công dân, vì quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và xem xét lại quy định trên”.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng bàn về vấn đề mở rộng phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) tán thành với những phân tích của Ủy ban Tư pháp về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước. Trước mắt thì mở rộng và áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, bà Thủy đề nghị cân nhắc, làm rõ thêm về khái niệm "khu vực ngoài nhà nước" vì khái niệm này rất rộng nhưng chúng ta chỉ khu trú ở các đối tượng này là chưa đầy đủ. Việc chưa áp dụng luật đối với quỹ đầu tư là chưa đảm bảo bình bẳng trước pháp luật.
Gần 90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản, sao 4 triệu cán bộ lại có người không? |
Báo cáo thẩm tra cho rằng các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi các tổ chức khác nhau nên chưa đưa vào đối tượng điều chỉnh của luật là chưa thuyết phục.
Phân tích như vậy cho chúng ta hiểu ngược lại là hệ thống thể chế và quản lý các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội còn sơ hở, có thể là cơ hội phát sinh tham nhũng.
Vậy thì tại sao chúng ta không rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan để quản lý chặt chẽ hơn các đối tượng này như là các quỹ đầu tư?
Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh đến đâu phụ thuộc rất lớn vào ý chí và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Do đó, cần cân nhắc mở rộng đối tượng khi chưa có những giải pháp phù hợp, khả thi, tương xứng để phòng, chống tham nhũng trong nhóm đối tượng đó”, bà Thủy phân tích.
Trước đó tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định công tác phòng chống tham nhũng không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Phó Thủ tướng cho biết, khi ông tham dự diễn dàn kinh tế tại Davos (Thụy Sỹ), nhiều quan chức các nước, tập đoàn nước ngoài có hỏi ông là Đảng, Nhà nước Việt Nam chống tham nhũng gay gắt như vậy có vậy ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không?
“Tôi đã trả lời là không. Bằng chứng là năm 2017, chúng ta thắng lợi toàn diện trên mặt trận đấu phòng chống tham nhũng và sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay cần làm 2 nhiệm vụ kép: một mặt tạo mô hình sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng để có năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn. Đồng thời giải quyết các nút thắt tồn tại trong nền kinh tế như đất đai, cổ phần hoá, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ…
Lò đã đỏ lửa nhưng luật có lỗ hổng thì không thể cho củi vào lò
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu lên một thực tế: “Có những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2.
Có những người mới chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã có những biệt phủ trên khuôn viên hàng nghìn m2, người dân bình thường để biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng viết nhiều, thế nhưng không làm gì được vì con thành niên thì không phải kê khai tài sản, thu nhập.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) đề nghị trong Điều 92 Dự thảo sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng quy định rõ để tránh trường hợp tùy tiện trốn tránh hay từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Do đó, khoản 2 được sửa như sau: "Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do xác đáng, phù hợp quy định pháp luật có liên quan". |
Vì không có luật nên chúng ta đã thua về lý. Tôi mong rằng ban soạn thảo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật để giải quyết cho được một bất cập rất lớn trong thực tiễn này.
Ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng, nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con chưa thành niên cũng phải kê khai tài sản.
Lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng đến triệu độ, mà lỗ hổng trong luật vẫn còn thì nhân dân, chính quyền không thể lấy được củi tham nhũng để cho vào lò”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng tài sản không minh bạch" bao gồm tất cả các tài sản không kê khai, kê khai không trung thực, tài sản không giải thích được một cách hợp lý.
“Cần bổ sung "người có tài sản không minh bạch bị xem xét để kỷ luật, tài sản không minh bạch không được mua bán và trao đổi, người sử dụng tài sản không minh bạch sẽ không được bổ nhiệm chức vụ và có thể kết cục sẽ bị kỷ luật", ông Trí nêu quan điểm.
Đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) ủng hộ hai phương án đề xuất của Chính phủ trong lần sửa đổi luật này là đánh thuế tài sản và xử phạt hành chính với những trường hợp kê khai không trung thực, không giải trình được tài sản nằm ngoài kê khai.
Đại biểu Liên phân tích: “Không thể tịch thu tài sản bởi vì tịch thu tài sản thông thường được thực hiện thông qua trình tự tư pháp hình sự và gắn liền với trách nhiệm chứng minh của nhà nước.
Khi không chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì không thể coi gọi là tài sản tham nhũng. Pháp luật hình sự của nước ta cũng chưa hình sự hóa hành vi này.
Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Dân sự đây không thuộc một trong các trường hợp xác lập quyền sở hữu của nhà nước, nếu khởi kiện Tòa án dân sự thì cơ quan nhà nước gặp khó khăn trong việc chứng minh lợi ích của nhà nước bị vi phạm như thế nào vì không có căn cứ chứng minh đây là tài sản nhà nước.
Do đó, trường hợp kê khai tài sản không trung thực mà người kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản thì hành vi vi phạm này chưa thể dẫn đến việc tịch thu tài sản trực tiếp”.
Theo Đại biểu Liên, phương án đánh thuế tài sản, phạt hành chính cũng phù hợp với đặc điểm xã hội của nước ta hiện nay vì lâu nay người dân vẫn có thói quen tiết kiệm, dành dụm, tặng, cho, thừa kế trong gia đình và thực hiện nhiều giao dịch dân sự, kinh tế khác.
Vì thế tài sản của cán bộ, công chức nói chung được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như tiền lương, tiền làm thêm để tăng thêm thu nhập, nhà nước cũng chưa có quy định kiểm soát thu nhập và chi tiêu của toàn xã hội.
Người dân cũng không phải chứng minh số tiền bỏ ra để mua tài sản, nhất là tài sản có giá trị lớn. Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý, rành mạch về nguồn gốc tài sản trong nhiều trường hợp, vấn đề này hết sức phức tạp.
Nếu đặt ra vấn đề tịch thu tài sản do kê khai không trung thực và giải trình không hợp lý là chưa phù hợp với tình hình thực tế xã hội Việt Nam hiện nay.