"Mong muốn của Bộ trưởng Thăng là tốt nhưng giải pháp thì kém"?

28/03/2012 06:51
Bình An (thực hiện)
(GDVN) - Đó là đánh giá của TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Dư luận cả nước đang “nóng” lên khi nghị định thu phí bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ được thực thi từ ngày 1/6/2012.  Đa số các chuyên gia đầu ngành về giao thông, các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng việc thu phí này không hợp lý, chỉ mang tính trước mắt, việc thu phí sẽ làm cho lạm phát tăng nhanh.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm trao đổi thẳng thắn với Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.


PV: Là một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, ông đánh giá như thế nào về giao thông đô thị ở Việt Nam hiện nay, nhất là hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM?


TS. Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm.


TS Nguyễn Xuân Thủy:
Giao thông  đô thị ở Việt Nam cực kỳ yếu kém, tôi có thể chia ra hai vấn đề yếu kém như sau:
Thứ nhất kết cấu hạ tầng gia thông vô cùng lạc hậu, đường xá chật hẹp, có tới 70 – 80 mặt cắt đường chỉ có 7m, 95% các ngã tư đều là cùng mặt bằng, cầu cạn rất ít, cả Hà Nội đếm trên đầu  ngón tay chỉ có mấy cái cầu cạn. Thiết kế tín hiệu giao thông lạc hậu, tính toán không hợp lý, cầu vượt sông Hồng làm quá chậm.
Thứ hai, giao thông công cộng hết sức lạc hậu. Cả Hà Nội chỉ có 1000 xe bus, nếu với số lượng xe này chỉ phục vụ được khoảng 30 đến 40 nghìn dân, trong khi đó dân số Hà Nội là 6 triệu người, phục vụ bằng 1/10 nhu cầu của người dân. Khi phương tiện công cộng không đủ thì buộc người dân họ phải mua phương tiện cá nhân để đi lại. Đó là nguyên nhân gây nên ùn tắc giao thông

PV: Nhưng từ trước đến giờ, nguyên nhân gây tắc đường vẫn được nhắc đi, nhắc lại là ý thức người dân, vậy ông đánh giá ý thức của người dân Việt Nam khi tham gia giao thông như thế nào?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Sao lại đổ lỗi tắc đường là do người dân. Hạ tầng kém nên dẫn đến ùn tắc. Một đô thị một triệu người trở lên phải có trang bị tàu điện ngầm nhưng ở Hà Nội có đến 6 triệu người, tàu điện ngầm không được trang bị. Đường xá hạn hẹp, phương tiện công cộng kém nên theo tôi là 80 % nguyên nhân gây tắc đường là cơ sở hạ tấng giao thông.
Ý thức của người dân chỉ là một phần. Ví dụ bảo người dân Hà Nội văn hóa kém, nhưng cứ đưa người dân Hà Nội qua Sigapore xem người ta có đi xe lên vỉ hè không. Nếu người dân Sigapore ở Hà Nội lâu ngày họ cũng phải chen lấn để đi. Việc giao thông như một dòng nước chảy trong ống nước thôi.

Khi mà ống đó rộng thoáng thì nước chảy nhưng ống nước chật chội, ngã tư giao cắt quá nhiều thì nguồn nước cũng phải dồn nén. Khi Nhà nước không cung cấp đủ phương tiện đi lại cho người dân và hạ tầng giao thông thì đừng đổ lỗi cho người dân kém ý thức. Tôi nghĩ ý thức của người dân chỉ là 10% gây ùn tắc giao thông, 10 % nữa là do điều hành tổ chức, xử lý kém. Nhưng Nhà nước không nhân ra lỗi đó mà lại đổ lỗi cho người dân trước.

PV: Trở lại với đề án thu phí hạn chế phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải vừa mới được trình lên mới đây, ông có nhận xét gì không?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi đã nói rất nhiều lần là việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc là thiếu nhân văn, thiếu công bằng với người dân. Từ nguyên nhân gây ùn tắc tôi đã nói ở trên cho thấy việc thu phí đường bộ là phi lý.

Nhà nước không cho người dân mua phương tiện cá nhân là cấm người dân ra đường. Không có xe cá nhân, xe công cộng không đáp ứng đủ thì người dân đi bằng gì. Việc thu phí hạn chế phương tiện xe cá nhân cả về mặt triết học và nhân văn đều sai vì nhà nước không cung cấp đủ phương tiện đi lại, nhà nước lại dùng chính sách kinh tế, hành chính để không cho người dân sắm phương tiện đi lại là sai.

PV: Ông nhận thấy việc thu phí có khả thi hay không?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Hàng trăm báo đài thay người dân phản đối hoặc những phân tích của chuyên gia đều cho thấy là bất hợp lý, nhưng Bộ Giao thông vẫn một mực muốn thực hiện được đề án này và được thông qua thì phi lý cũng trở thành hợp lý? Nếu thu được phí, tôi đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả thấp. Vì bức bí người dân vẫn mua xe, ùn tắc quá lớn có giảm đi một tý thì nó vẫn ùn tắc.

Điều quan trọng nhất là người dân thiếu lòng tin vào chính sách của các cơ quan chức năng. Một chính sách của nhà nước phải đi vào lòng dân, phát triển xã hội chứ không phải chính sách đó lại cấm người dân đi lại.
"Sao lại đổ lỗi tắc đường là do người dân. Hạ tầng kém nên dẫn đến ùn tắc"-TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận.
"Sao lại đổ lỗi tắc đường là do người dân. Hạ tầng kém nên dẫn đến ùn tắc"-TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận.

PV: Nếu được chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông sẽ kiến nghị những gì, ông có thể bật mí?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi sẽ thẳng thắn nói với Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng ý muốn của Bộ trưởng là tốt vì Bộ trưởng cũng chỉ muốn làm giảm ùn tắc nhưng giải pháp kém. Không phải do bộ trưởng kém cỏi mà do bộ phận tham mưu cho Bộ trưởng còn hạn chế, mới chỉ nhìn gần. Nếu Bộ trưởng không nhìn nhận vấn đề sâu sắc và chuyên môn sắc nét thì sẽ có thể mắc sai lầm. Và khi cả bộ máy Bộ GTVT đưa ra chính sách đó thì thật đáng buồn.
Ngoài ra, tôi luôn nhấn mạnh với Bộ trưởng rằng trách nhiệm của bộ trưởng là cầu đường phải tốt. Hạ tầng vận tải không tốt cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng. Nhưng tính ra cả TP. Hà Nội và TP.HCM chỉ có 4 nghìn chiếc xe bus (Hà Nội 1000 chiếc, TP.HCM 3000 chiếc) hạ tầng còn yếu kém nên trách nhiệm của bộ trưởng là rất lớn.
Theo tôi, Bộ nên bớt xây dựng sân bay, bớt xây dựng bến cảng và đường cao tốc chưa cần thiết, hiệu quả không lớn, dồn chi phí đó vào xây dựng hệ thống giao thông đô thị hiện đại. Việc xử lý các kinh phí chi cho giao thông Bộ trưởng nên cân nhắc cái gì sử dụng trước, cái gì sử dụng sau, từng bước cho thật hợp lý. 

Hơn nữa Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, hành chính và đầu mối GTVT quan trọng nhất cả nước, nơi đóng góp gần 40% GDP cho đất nước. Chúng ta nên đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm để phục vụ phương tiện đi lại cho người dân, đó mới là giải pháp lâu dài chống ùn tắc giao thông.

Xin cảm ơn những trao đổi của ông

Bình An (thực hiện)