Thông tin này được Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Hồng Trường cho biết tại cuộc họp báo quý III/2016 diễn ra chiều 29/9.
Như vậy, tiến độ của dự án tiếp tục bị lùi lại, khác với yêu cầu trước đó của Bộ trưởng Bộ GTVT – ông Trương Quang Nghĩa là phải hoàn thành và đưa vào khai thác ngay từ cuối năm 2016.
Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.
Trong thời gian triển khai, do có biến động giá lớn dẫn đến trượt giá, năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Sau khi tính toán thì dự án này được bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
Vào giữa tháng 2/2016, các nhà thầu của dự án này đã ký cam kết đảm bảo chính thức đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại từ ngày 31/12/2016.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là vấn đề chậm giải ngân vốn nên 4 tháng sau cam két, dự án này mới hoàn thành được thêm 4% (từ mức 70% lên 74%). Xảy ra hiện tượng thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công ở một số gói thầu.
Nếu có đủ các điều kiện thuận lợi, dự án sẽ chính thức đưa vào khai thác từ tháng 9/2017. ảnh: lao động. |
Vào trung tuần tháng 6/2016, sau khi nhậm chức chưa đầy 1 tháng, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định không cho phép lùi tiến độ dự án, yêu cầu đưa vào vận hành khai thác từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, với những thông tin mới nhất cũng từ chính Bộ GTVT thì rõ ràng là nhanh nhất phải đến tháng 9/2017 mới có thể đưa vào khai thác (nếu thuận lợi).
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ 2013.
Mới đây, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Trung Quốc, hai bên thực hiện ký kết để lấy vốn thực hiện dự án.
“Về xây lắp, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tiến độ. Bộ GTVT đã làm việc với Tổng thầu và khẳng định đến cuối năm 2016, toàn bộ phần xây lắp chắc chắn sẽ hoàn thành”, ông Trường nói.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã lùi tiến độ tới tháng 9/2017 mới chính thức đưa vào vận hành khai thác, nhưng Bộ GTVT vẫn cho rằng cần có các điều kiện thuận lợi để đảm bảo mốc thời gian này.
Theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thì tiến độ dự án hoàn toàn dựa trên công nghệ và phương thức thi công của Trung Quốc.
Hiện nay đang trong giai đoạn thẩm định gói thầu về thiết bị phục vụ hoạt động khai thác bao gồm 13 đoàn tàu, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống nhà điều hành, nhà xưởng phục vụ bảo dưỡng.
Gói thiết bị khoảng 200 triệu USD đang được đàm phán để đảm bảo công nghệ mới nhất, đáp ứng tự động hoá cao, đặc biệt trong hệ thống thông tin tín hiệu và giá thành.
“Bộ GTVT đang đang mời các công ty thẩm định giá của Bộ Tài chính để thẩm định giá. Phía Trung Quốc cũng muốn Việt Nam sớm thẩm định giá để trên cơ sở giá đó triển khai đấu thầu”, ông Trường thông tin.