Ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024 và phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Theo đó, về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; vốn huy động tại thị trường I và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Dư nợ tín dụng tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp theo chính sách điều hành từng thời kỳ, dự kiến năm 2024 có thể đạt khoảng 178.200 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế kì vọng tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất (nhóm 3-5) duy trì dưới 3% theo quy định.
Chia sẻ về kế hoạch này, đại diện MSB cho biết: “Hội đồng quản trị đề xuất chỉ tiêu kinh doanh dựa trên nghiên cứu và đánh giá về bối cảnh kinh tế diễn biến khó đoán hiện nay. Khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều biến động và rủi ro, chúng tôi ưu tiên nâng cao sức mạnh nội tại, tăng trưởng bền vững song hành cùng việc thúc đẩy các yếu tố tài chính trọng yếu, đảm bảo lợi ích cao nhất cho cổ đông, khách hàng và đối tác”.
Tại Đại hội đồng cổ đông tới đây, MSB cũng xin ý kiến cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tính đến thời điểm 31/12/2023 theo báo cáo tài chính kiểm toán và sau khi trích các quỹ theo luật định. Việc chia cổ tức này sẽ được thực hiện trong năm 2024.
Kế hoạch tăng vốn phù hợp với sự mở rộng quy mô của ngân hàng, gia tăng vị thế cạnh tranh, đồng thời nâng cao năng lực tài chính để mở rộng triển khai những mục tiêu chiến lược.
Bên cạnh đó, lợi nhuận được tạo ra trong năm 2024 cùng với lợi nhuận để lại sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ dự kiến sẽ được MSB trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt kế hoạch chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận có thể dùng để chi trả cổ tức này với tỷ lệ ≤15% bằng tiền hoặc/và bằng cổ phiếu, thời điểm tạm ứng cổ tức tùy theo diễn biến tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của MSB.
Một nội dung khác cũng được Hội đồng quản trị ngân hàng xin ý kiến là việc thực hiện thủ tục bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ VII (2022 – 2026) sau khi được chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, nhằm kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao.
MSB kì vọng sẽ kết nạp được những nhân sự quản trị mới giàu kinh nghiệm; đồng thời, những kế hoạch, định hướng được Đại hội đồng cổ đông được nhất trí đồng thuận, tạo động lực để MSB tiếp tục phát triển ổn định, tiếp tục phát huy vị thế là ngân hàng có lợi nhuận cao, “ai cũng muốn tham gia và không ai muốn rời bỏ”.
Từ định hướng năm 2024 là kết hợp chặt chẽ yếu tố tăng trưởng kinh doanh với quản trị rủi ro, ngân hàng thực hiện đa dạng hóa doanh thu, tăng cường giải pháp bán chéo, đưa thu nhập ngoài lãi trở thành một trong những trụ cột nhằm giảm áp lực lên mảng hoạt động lõi.
Tiêu biểu, kết thúc quý I/2024, MSB ghi nhận kết quả nổi bật về giao dịch ngoại hối với tổng khối lượng giao dịch dự kiến là 51 tỷ USD, lãi từ mảng hoạt động này ước tính đạt hơn 550 tỷ đồng, tương đương 54% lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối năm 2023.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng đang chững lại, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 của MSB ước đạt trên 5%.
MSB cũng đưa ra thị trường gói tín dụng xanh 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực như năng lượng, tài nguyên nước, chất thải, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, chuyển đổi xanh...
Bên cạnh đó, bắt nhịp đà phục hồi của CASA toàn hệ thống, ngân hàng ước tính chỉ số tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi cuối quý 1/2024 có thể vượt mốc 29%. MSB kì vọng giữ vị thế top đầu các ngân hàng có chỉ số này cao nhất ngành.
Về quản trị rủi ro, để bắt nhịp mức độ gia tăng tính năng số hóa trong sản phẩm dịch vụ, MSB sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh mô hình trong việc ra quyết định kinh doanh, củng cố hệ thống quản trị rủi ro số, nâng cao chức năng của hàng rào phòng thủ. Song song, ngân hàng quản trị rủi ro trên đa dạng kịch bản, đánh giá khả năng thanh khoản qua các bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) nhằm thích ứng linh hoạt với biến động thị trường.
Về mảng số hóa, theo đại diện ngân hàng, kênh số sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho giai đoạn 2024 - 2027 của ngân hàng với chuỗi mục tiêu chiến lược như tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 25%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI) đạt 30%, doanh thu từ kênh số của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp chiếm 70% tổng doanh thu.