Những ngày qua thông tin ba công ty liên quan đến ông Hạnh Nguyễn dự kiến mua hơn 31 triệu cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Được biết ngày 18/9 tới đây, Sasco sẽ tiến hành IPO bán đấu giá 31.097.900 cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp. Sasco là một trong những doanh nghiệp lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ tại sân bay với các hoạt động chính bao gồm kinh doanh cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ẩm thực, phòng khách thương gia, dịch vụ vận chuyển…
Thâu tóm Sasco doanh nhân Hạnh Nguyễn sẽ có thêm cửa hàng hiệu tại sân bay |
Được biết hiện tại 3 nhà đầu tư chiến lược mua lại 31.097.900 cổ phần của Sasco là công ty con thuộc tập đoàn Imex Pan Pacific của ông Jonathan Hạnh Nguyễn (bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà). Với việc bán lượng cổ phần lớn, Sasco hy vọng có sự hỗ trợ của doanh nhân Hạnh Nguyễn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh hàng cao cấp, xây dựng hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng.
Hệ thống Imex Pan Pacific hiện là nhà phân phối của nhiều thương hiệu cao cấp như rượu Moet-Hennessy, Camus; nước hoa Chanel; các nhãn hàng thời trang Burberry, Nike, CK, Salvatore Ferragamo, Versace… cũng như là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Piazza…
Được biết 3 công ty của doanh nhân Hạnh Nguyễn sẽ phải chi ra ít nhất là 310,3 tỷ đồng cho thương vụ này.
Như vậy nhìn vào chiến lược kinh doanh của Imex Pan Pacific, đích nhắm đến dịch vụ tại sân bay Tân Sân Nhất sắp tới là khách hàng VIP thuộc ghế Thương gia của hàng không, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để được hưởng dịch vụ chất lượng. Nhìn từ sự thất bại của Tràng Tiền nhiều người lo ngại sự tái diễn tại Sasco.
Từng bỏ hàng trăm triệu USD nhằm "thay áo đổi mệnh" cho Tràng Tiền Plaza nhưng dường như kế hoạch của ông Hạnh Nguyễn đang thất bại khi sau thời gian đìu hiu khách, vừa qua Tràng Tiền Plaza tạm đóng cửa một số tầng để sắp xếp thay đổi lại gian hàng.
Bài học từ Tràng Tiền Plaza |
Sự thất bại của Tràng Tiến Plaza được các chuyên gia thương mại mổ xẻ do với nhiều nguyên nhân trong đó hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là vấn đề lựa phân khúc khách hàng, Tràng Tiền Plaza của ông Hạnh Nguyễn tham vọng nhắm đến khách hàng siêu VIP sẵn sàng bỏ ra cả chục nghìn USD để sở hữu thương hiệu thời trang, mỹ phẩm hàng hiệu.
Thứ hai Tràng Tiền Plaza thất bại do dịch vụ kém, thái độ phục vụ của nhân viên với khách hàng chưa tương xứng với tầm vóc.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi sở hữu cổ phần của Sasco, ông Hạnh Nguyễn sẽ tiếp tục biến dịch vụ hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất trở thành dịch vụ VIP phục vụ khách hạng sang. Tuy nhiên kèm theo đó là rủi ro thất bại do lâu nay đã có không ít hành khách Việt Nam và cả khách quốc tế than thở về câu chuyện giá cả đắt đỏ của những tô phở, những chiếc bánh mỳ bán tại sân bay.
Liên quan vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú chuyên gia thương mại cho rằng, để thành công bên cạnh dịch vụ dành cho khách hạng thương gia, ông Hạnh Nguyễn cần có dịch vụ hàng không giá rẻ phục vụ khách hàng trên của các hãng hàng không giá rẻ. Song song với việc đa dạng hàng hóa theo ông Phú cần nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân viên phải biết cúi chào, biết cảm ơn, hướng dẫn khách hàng cho dù khách hàng VIP hay bình dân. Như vậy mới xóa đi vết xấu về giá cả đắt đỏ và dịch vụ kém của hàng không.