Trước biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh liên tục. Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 5 lần điều chỉnh giá, trong đó 3 lần điều chỉnh tăng, hai lần điều chỉnh giảm.
Cụ thể, ngày 6/1/2015 giá xăng dầu được điều chỉnh giảm không đáng kể 300 đồng/lít. Đến ngày 21/1, giá xăng tiếp tục được đều chỉnh giảm 1.900 đồng/lít với xăng RON 92.
Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng, chỉ tính trong tháng 5/2015 giá xăng đã tăng hơn 3.000 đồng (Ảnh minh họa). |
Sau đó là các đợt tăng giá xăng mạnh. Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 1.600 đồng/lít với xăng RON 92 và RON 95. Sau gần 2 tháng giữ giá, ngày 5/5 giá xăng dầu trong nước lại tăng thêm 1.950 đồng/ lít với xăng RON 92, 95. Và đến hôm qua (20/5), giá xăng lại một lần nữa được điều chỉnh thêm 1.200 đồng/lít cho xăng A92 và E5.
Như vậy, tổng mức 2 lần giảm là 2.200 đồng/lít. Trong khi đó tổng mức tăng qua ba lần vào khoảng 4.800 đồng/lít.
Trước đó, tại thời điểm điều chỉnh giá xăng tăng mức gần 1.950 đồng/lít, Bộ Tài chính cho rằng: Trong khoảng thời gian từ 13/4 – 5/5/2015, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tăng cao đột biến. Vì vậy thời điểm 5/5, nếu không sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng phải tăng đến hơn 3.000 đồng.
Với động thái điều chỉnh giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 tăng lên 1.200 đồng/lít hôm qua, tổng giá xăng tăng tính từ 5/5 cũng đã hơn 3.000 đồng/lít.
Phải chăng việc điều chỉnh lần này đã nằm trong lộ trình tăng giá của Liên Bộ Công thương-Tài chính? Bởi nếu trước đó, giá xăng được điều chỉnh tăng một lúc hơn 3.000 đồng/lít nhiều khả năng vấp phải sự phản đối của dư luận?...
Mặc khác, xung quanh việc tăng giá xăng ngày 20/5, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao Liên Bộ không sử dụng Quỹ BOG nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân trong khi sau Quý 1/2915, Quỹ BOG vẫn còn dư hơn 2.800 tỷ đồng?
Thêm nữa, việc điều chỉnh tăng giá xăng ngày 20/5 được Bộ Tài chính lý giải là do giá xăng dầu gần đây biến động liên tục khiến giá cơ sở cao hơn giá bán xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, số liệu của Bloomberg cho thấy, giá xăng từ ngày 5/5 (đợt tăng giá gần nhất của xăng Việt Nam) tới nay đã diễn biến theo chiều hướng giảm.
Cụ thể, nếu như giá dầu thô ngày 5/5 là 60,38 USD/thùng thì giá xăng tính tới ngày 20/5 là 58,59 USD/thùng, giảm 1,79 USD/thùng, tương đương giảm 2,96%.
Cùng với đó, việc thực hiện điều chỉnh tăng giá xăng của Liên Bộ Tài chính Công thương cũng dường như đi ngược lại với tuyên bố thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng trong giai đoạn trước tháng 5/2015.
Tuy nhiên chỉ sau khi áp dụng cách tính thuế môi trường tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít thì giá xăng trên thị trường liên tục được điều chỉnh tăng và đến thời điểm này, mức tăng đã ngang bằng với mức thuế môi trường đánh lên mỗi lít xăng.
Trước những vấn đề trên, ở góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng tăng 1.200 đồng/lít ngày 20/5 vừa qua là do diễn biến thị trường trước đó.
“Đáng nhẽ chúng ta phải tăng từ trước đó vì giá xăng dầu thế giới tăng.. Tuy nhiên do quy định về việc điều chỉnh giá sau 15 ngày, đúng ngày điều chỉnh tăng giá thì giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm”, Tiến sĩ Phong phân tích.
Trước câu hỏi Quỹ BOG còn nhiều tại sao không sử dụng để giảm gánh nặng cho người dân? Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, Quỹ BOG của các doanh nghiệp không đồng đều, có doanh nghiệp còn có doanh nghiệp đã hết. Vì vậy nếu yêu cầu doanh nghiệp trích từ Quỹ BOG sẽ làm khó doanh nghiệp không còn Quỹ BOG.
“Để đảm bảo vấn đề điều chỉnh giá xăng được công khai minh bạch theo tôi bỏ Quỹ BOG và tăng cạnh tranh”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.