Muốn luân chuyển, GV "tự bơi" 5 lần 7 lượt đơn từ nhưng cũng chưa chắc đã được

20/05/2023 07:45
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn được luân chuyển, giáo viên phải tự tìm nơi tiếp nhận, thế nhưng, thiếu nhiều vùng thiếu giáo viên, cô giáo có muốn về cũng khó.

Những năm qua, với nhiều chính sách đãi ngộ đã thu hút giáo viên lên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn công tác. Một trong số đó sau thời gian công tác theo quy định, giáo viên được luân chuyển. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không hề đơn giản.

Khó về vì trường thiếu giáo viên

Theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ và các nghị định sửa đổi bổ sung, văn bản hợp nhất về chính sách đối với cán bộ, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian được luân chuyển là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.

Sau khi hoàn thành thời hạn trên, thầy cô được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác đến nơi không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nguyên tắc luân chuyển cũng được quy định rất rõ ràng.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đi dễ khó về vẫn đang khiến cho giáo viên có nhiều trăn trở

Sau nhiều năm cống hiến ở vùng đặc biệt khó khăn là xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp (Sơn La), cô giáo T.Q (giáo viên Trung học cơ sở dạy tiếng Anh) có nguyện vọng được trở về Hoàng Mai - Hà Nội để tiện chăm sóc gia đình, ổn định, cống hiến cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, hành trình chuyển vùng của cô T.Q gặp không ít gian nan ngay cả khi cô T.Q đã tìm được nơi tiếp nhận ở Hà Nội:

“Do thiếu giáo viên tiếng Anh nên dù ở dưới Hà Nội đã nhận nhưng tôi vẫn phải ở lại Sốp Cộp và cũng chưa biết khi nào được luân chuyển”, cô T.Q cho biết.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết, việc luân chuyển giáo viên trước đây vẫn được thực hiện hàng năm.

Tuy nhiên, hiện nay, việc luân chuyển giáo viên theo cấp thẩm quyền thì huyện không điều động được mà chỉ xem xét xét điều động trong trường hợp giáo viên có nguyện vọng và 2 đơn vị trường (nơi giáo viên đang công tác và nơi giáo viên xin đến) nhất trí cho chuyển và tiếp nhận.

Sau cống hiến, các thầy cô cũng mong muốn được "an cư, lạc nghiệp". Ảnh minh họa: LC

Sau cống hiến, các thầy cô cũng mong muốn được "an cư, lạc nghiệp". Ảnh minh họa: LC

Đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo Sốp Cộp cũng cho biết, hiện việc luân chuyển giáo viên ở một số đơn vị gặp khó một phần do thiếu giáo viên chuyên ngành, đặc biệt là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Tin Học, Mỹ Thuật.

Đây là những môn đặc thù, nguồn tuyển giáo viên rất khó, khi giáo viên chuyển đi, nhà trường cũng không dám cho chuyển bởi nếu giáo viên chuyển đi thì không còn nguồn nhân lực nữa không có cô giáo để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, nên họ cũng đã cân nhắc nhiều.

Trong thực tế, công tác cán bộ luôn là vấn đề nan giải, phức tạp, vì đụng chạm đến lợi ích sát thực của từng cá nhân.

Để luân chuyển vừa đáp ứng yêu cầu công tác, vừa bảo đảm nguyện vọng của giáo viên là việc không dễ.

Vấn đề đặt ra là làm sao để họ yên tâm công tác, có định hướng để trau dồi chuyên môn, trình độ năng lực của mình. Có nhiều nơi làm tốt, nhưng cũng còn những nơi làm không tốt, thiếu công bằng.

Thực tế, với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện giao thông giữa các vùng miền tương đối tương đồng, việc điều động, luân chuyển giáo viên không quá khó khăn.

Những địa phương có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán giữa các vùng, miền nhiều khác biệt, sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách này.

Với giáo viên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút. Tuy nhiên, đãi ngộ đó cũng chưa thỏa đáng, chưa bù đắp được khó khăn về vật chất, thiếu hụt về đời sống tinh thần của các thầy cô - vị lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo Sốp Cộp chia sẻ.

Vì đâu giáo viên phải “tự bơi”?

Thầy B.D.T , một giáo viên Trung học cơ sở tại Bắc Ninh có may mắn hơn cô giáo T.Q chút khi đã chuyển được từ huyện Đồng Văn (Hà Giang) về.

Theo chia sẻ, sau nhiều năm cống hiến cho ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang), đi đến nhiều trường đặc biệt khó khăn, thầy B.D.T đã có nguyện vọng được chuyển về quê công tác. Trước khi về, thầy cũng đã cố gắng phấn đấu nhiều năm và được đánh giá là có năng lực.

Tuy nhiên, quá trình xin chuyển về, cũng không hề dễ dàng khi thầy B.D.T phải năm lần bảy lượt đơn từ, đi lại... và mất thời gian cả năm trời có thể về quê công tác theo nguyện vọng.

Bà Mua Thị Hồng Minh – nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, khi bà còn công tác ở vị trí trưởng phòng, hàng năm vẫn phải thực hiện luân chuyển giáo viên. Tuy nhiên, theo phân cấp phân quyền huyện không thể điều động giáo viên, viên chức sang huyện khác hay tỉnh khác được mà giáo viên phải tự liên hệ đến nơi tiếp nhận.

"Trên Đồng Văn, nhiều giáo viên vùng xuôi lên công tác, sau khi đủ thời gian theo quy định, một số ở lại, một số xin về. Với cương vị Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng lúc nào cũng tạo điều kiện. Thừa thiếu đâu thì lúc ấy mình tính sau. Anh chị em nhiều năm cống hiến muốn về cũng là nguyện vọng chính đáng".

Bởi theo bà Minh cho biết, việc một giáo viên phải luân chuyển và công tác quá lâu ở vùng khó mà không đạt được nguyện vọng trở về gia đình có thể làm giảm, thậm chí mất đi nhiệt huyết, động lực làm việc. Đây là điều đáng tiếc và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Đường đến trường của các thầy cô giáo vùng cao. Ảnh minh họa: LC

Đường đến trường của các thầy cô giáo vùng cao. Ảnh minh họa: LC

Tại Quảng Trị, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết về việc luân chuyển giáo viên tại tỉnh này được thực hiện đối với các giáo viên tuyển dụng trước năm 2008. Lúc này việc tuyển giáo viên vẫn do Ủy ban nhân dân tỉnh tuyển dụng cho cả tỉnh sau đó phân bổ đi các huyện.

Cho đến thời điểm hiện tại, hàng năm, tỉnh Quảng Trị vẫn đang thực hiện việc luân chuyển này. Tuy nhiên, việc luân chuyển được hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi nhu cầu và chỉ tiêu viên chức của từng địa phương khác nhau qua từng năm.

Đối với các trường hợp tuyển dụng sau năm 2008 do phân cấp, phân quyền nên việc tuyển giáo viên được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Do vậy, việc giáo viên ứng tuyển tại huyện nào sẽ cần phải nghiên cứu kỹ vì còn liên quan đến vấn đề vị trí việc làm của từng huyện.

Do vậy, khi giáo viên muốn luân chuyển qua từng huyện phải tự nghiên cứu xem đơn vị chuyển đến có nhu cầu và có chỉ tiêu tiếp nhận giáo viên hay không.

Lại Cường