Luân chuyển giáo viên mang “làn gió mới” tới trường học ở Quảng Ninh

20/01/2023 06:44
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc luân chuyển giáo viên lên vùng cao đã mang “làn gió mới” cho trường học, tạo cơ hội cho học sinh người DTTS được tiếp cận với phương pháp dạy học mới.

Quảng Ninh là tỉnh miền núi - duyên hải với hơn 80% đất đai là đồi núi. Hơn hai nghìn hòn đảo nổi trên mặt biển cũng đều là các quả núi.

Với đặc thù trên, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục tại những địa phương vùng cao nơi đời sống của người dân còn thiếu thốn trăm bề.

Đặc biệt, để tạo sự công bằng trong giáo dục, giúp mọi học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nổi bật trong đó là việc thực hiện luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi lên vùng cao giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi

Ghi nhận tại huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh), huyện miền núi có tới trên 80% là người dân tộc thiểu số. Điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhất là ở những xã đặc biệt khó khăn.

Trường học ở huyện cũng thường có nhiều điểm trường lẻ, nhiều điểm nằm cách trung tâm thị trấn từ 30 – 50km.

Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ sẽ thực hiện việc luân chuyển giáo viên lên các xã ở xa trung tâm từ 30 – 50km. Các thầy, cô giáo sẽ thực hiện nghĩa vụ từ 3 đến 5 năm.

Việc luân chuyển giáo viên đã tạo cơ hội cho học sinh người dân tộc thiểu số được tiếp cận với những phương pháp học tập ở vùng thuận lợi.

Thực hiện luân chuyển giáo viên giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi (Ảnh: Phạm Linh)

Thực hiện luân chuyển giáo viên giúp thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi (Ảnh: Phạm Linh)

Tương tự tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), cuối năm 2019, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, thành phố có thêm các xã thuộc vùng núi cao, cách trung tâm thành phố 70-80km.

Nhiều trường học ở những nơi này còn gặp không ít khó khăn, nhất là về đội ngũ. Theo đó, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, thành phố thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ, năng lực lên công tác tại các xã vùng cao.

Thực hiện nhiệm vụ luân chuyển với nhiều khó khăn, bỡ ngỡ đã tạo cơ hội cho giáo viên được trải nghiệm, hun đúc tình yêu nghề từ đó nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy học, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục miền núi và miền xuôi.

Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long cho biết, sau khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào thành phố Hạ Long, từ năm 2021 đến nay, thành phố Hạ Long đã tổ chức 2 đợt luân chuyển tổng số 82 giáo viên từ vùng thuận lợi lên công tác tại các trường thuộc 4 xã miền núi vùng sâu, vùng xa trên địa bàn là Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn và Kỳ Thượng.

Thực hiện luân chuyển giáo viên sẽ góp phần tăng cường về đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường ở vùng cao để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.

Năm học 2021 – 2022, có 50 thầy, cô giáo xung phong và năm học 2022 – 2023, tiếp tục có 32 thầy cô đang công tác ở các trường thuộc vùng trung tâm, thuận lợi của thành phố đã xung phong lên hỗ trợ ở các trường vùng cao với mong muốn mang con chữ, tri thức đến với các em nhỏ vùng cao.

Để tạo điều kiện cho các thầy cô đi lại thuận tiện hơn khi đến công tác tại các trường miền núi vùng sâu, vùng xa, thành phố đã bố trí xe ô tô đưa đón các cô hàng tuần (vào thứ 2 và thứ 6), giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với các em nhỏ vùng cao.

Ngoài dạy học, các thầy cô giáo còn là những người chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục kỹ năng sống (Ảnh: Phạm Linh)

Ngoài dạy học, các thầy cô giáo còn là những người chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục kỹ năng sống (Ảnh: Phạm Linh)

“Làn gió mới” đối với các trường vùng cao

Có dịp tới thăm Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Đồng Sơn (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), phóng viên rất ấn tượng bởi nhà trường hiện chỉ có 5 giáo viên người bản địa còn lại đội ngũ đều được luân chuyển từ các vùng thuận lợi lên công tác.

Do đặc trưng người dân khu vực đa số là người dân tộc thiểu số nên bắt đầu từ 6 tuổi, học sinh đã bắt đầu ra lớp học bán trú tuần. Với học sinh nơi đây, trường học chính là mái nhà thứ hai.

Theo đó, ngoài dạy học, các thầy cô giáo còn là những người chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Theo thầy Phạm Đức Chính – Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Đồng Sơn, trước khi huyện Hoành Bồ chưa sáp nhập vào thành phố Hạ Long thì việc luân chuyển giáo viên vẫn được triển khai nhưng chỉ nội bộ trong huyện Hoành Bồ. Quy chế là 3 năm nghĩa vụ đối với nữ và 4 năm đối với nam.

Sau khi sáp nhập, do số lượng giáo viên tăng lên nên thời hạn luân chuyển rút ngắn xuống 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam, vòng luân chuyển được rút ngắn lại.

Việc luân chuyển giáo viên từ các trường ở thành phố Hạ Long lên trường ở vùng cao chính là “làn gió mới” đối với nhà trường bởi trước đây huyện Hoành Bồ là huyện miền núi còn thành phố Hạ Long là thành phố trung tâm của tỉnh với điều kiện thương mại – dịch vụ phát triển, giáo viên có trình độ chuyên môn cao.

Khi luân chuyển giáo viên từ thành phố Hạ Long lên đây, học sinh sẽ có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy học của giáo viên ở vùng thuận lợi. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham gia nhiều hơn các phong trào thể dục, thể thao hay dân vũ, múa hát.

Ngược lại, đối với các thầy cô, việc lên điểm trường vùng cao, vùng khó khăn là một trải nghiệm đặc biệt trong suốt hành trình “trồng người”.

Luân chuyển giáo viên đã mang "làn gió mới" tới các trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)
Luân chuyển giáo viên đã mang "làn gió mới" tới các trường vùng cao (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Phạm Đức Chính cho biết thêm: “Thời gian đầu tiên, các thầy, cô giáo không khỏi tâm tư có nhiều băn khoăn về việc giảng dạy tại một môi trường mới, khác biệt với các vùng thuận lợi và việc phải xa nhà, dành phần lớn thời gian sinh hoạt ở trường học.

Để tạo một ngôi trường, mái nhà thứ hai cho các thầy, cô giáo thực hiện nghĩa vụ luân chuyển, tôi hết sức tạo điều kiện, quan tâm không chỉ trong quá trình công tác mà còn trong cuộc sống hằng ngày.

Các thầy, cô giáo mới luân chuyển lên đây sẽ không bao giờ phải ở một mình, được hỗ trợ về việc duy trì sĩ số, dân vận, làm quen với học sinh địa phương.

Sau khi sáp nhập, tâm lý các thầy cô còn ngại ngần khi phải luân chuyển đến địa phương cách nhà cả trăm cây số nhưng năm học 2021 – 2022 vừa qua, đã có rất nhiều người xung phong luân chuyển lên trường tôi”.

Ghi nhận thêm tại Trường Mầm non Kỳ Thượng, trong 3 năm vừa qua, nhà trường được đón 9 giáo viên luân chuyển từ những vùng thuận lợi. Hiện tại, nhà trường chỉ có 2 giáo viên là người địa phương.

Trẻ ở Trường Mầm non Kỳ thượng hạnh phúc khi được học tập tại ngôi trường khang trang, sạch đẹp cùng với sự quan tâm hết mình của các cô giáo (Ảnh: Phạm Linh)

Trẻ ở Trường Mầm non Kỳ thượng hạnh phúc khi được học tập tại ngôi trường khang trang, sạch đẹp cùng với sự quan tâm hết mình của các cô giáo (Ảnh: Phạm Linh)

Cô Nguyễn Thị Huệ - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thượng chia sẻ: “Giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, khả năng sáng tạo cao nên khi luân chuyển lên đây sẽ tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với những phương pháp mới.

Còn đối với giáo viên, do khả năng tiếp thu của trẻ em người dân tộc thiểu số còn chậm, nhiều em vẫn nói tiếng dân tộc nên đây sẽ là một trải nghiệm giúp giáo viên nâng cao chuyên môn của bản thân.

Đặc biệt, trẻ em nơi đây còn nhiều thiệt thòi, có những em phải đi bộ cùng bố mẹ mất mấy tiếng mới đến trường học nhưng vẫn kiên trì bởi khi các con đến trường sẽ được ăn ngon hơn, sinh hoạt trong môi trường sạch đẹp và được tham gia những trò chơi, hoạt động thú vị.

Nhìn thấy các con cố gắng như vậy các cô cũng quên đi những khó khăn, bất tiện mà hết lòng sáng tạo, kiên trì mang đến những điều tốt nhất cho trẻ em nơi đây”.

Phạm Linh