Mỹ cam kết tích cực thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran

01/03/2012 13:06
Thực tập sinh: Nguyễn Hương (Theo Reuters)
(GDVN) - Reuters ngày 29/1 đưa tin dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cam kết tích cực thực hiện các biện pháp trừng phạt mới với Iran.
"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn với Iran. Tôi nghĩ rằng các mục tiêu trong chương trình hạt nhân của Iran là rất rõ ràng và đó là lý do tại sao Hoa Kỳ kiên quyết ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân. Mỹ đang tạo các bước đi nhằm ngăn chặn khả năng Iran chế tạo một quả bom nguyên tử bằng cách ngăn cản hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này" - Ngoại trưởng Clinton nói trước Ủy ban Thượng viện Mỹ.

Bà ngoại trưởng cũng  kêu gọi các nước trên thế giới giảm phụ thuộc vào dầu của Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà Clinton nhắc lại, tuy các thông tin tình báo của Mỹ đánh giá Tehran vẫn chưa quyết định theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng khẳng định việc các nước giảm lệ thuộc vào dầu của Iran là điều kiện quan trọng để gia tăng áp lực với nước này.

Trong khi đó Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là phục vụ cho mục đích phát triển các nhà máy điện dân sự và y tế.

Theo bà Clinton, Mỹ đã tổ chức các cuộc thảo luận “rất thẳng thắn" với các đối tác của họ trong đó có EU và Nhật Bản, một số vấn đề về sự cần thiết cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran và giảm giao dịch với ngân hàng trung ương của Iran.

Bệnh cạnh đó, bà cũng lưu ý một số đồng minh như Nhật Bản sẽ phải đối mặt với các tình huống khó khăn khi họ giảm lượng dầu nhập khẩu.

Trước đó, Washington cũng đã đề nghị Trung Quốc giảm phụ thuộc vào lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Tuy nhiên, Bắc Kinh, vốn là bạn hàng nhập khẩu dầu chính của Iran, lâu nay vẫn giữ quan điểm phản đối biện pháp này.

Tổng thống Mỹ Barak Obama vào ngày 31/12/2011 đã ký sắc lệnh áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất của Mỹ đối với Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Ông đã ra lệnh phong tỏa bất cứ tài sản nào thuộc ngân hàng Trung ương của Iran tại Mỹ cũng như bất cứ tài sản nào thuộc ngân hàng, công ty dưới quyền quản lý của Chính phủ Iran.

Theo đó, đối với các giao dịch không liên quan đến dầu mỏ, từ ngày 29/2, lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng với các ngân hàng tư nhân "cố ý thực hiện hoặc tạo điều kiện cho bất kỳ giao dịch tài chính nào với Ngân hàng Trung ương Iran" hoặc với các thực thể trong danh sách đen.

Đối với các giao dịch liên quan đến dầu mỏ, từ ngày 28/6, lệnh trừng phạt cho phép áp dụng với các ngân hàng nước ngoài thực hiện các giao dịch tài chính "cho việc mua xăng dầu hoặc các sản phẩm sản xuất từ dầu mỏ của Iran".
Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt mới lên chương trình hạt nhân nhiều tranh cãi của Iran
Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt mới lên chương trình hạt nhân nhiều tranh cãi của Iran
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ với Teheran đã tạo ra một cuộc tranh đua giữa các nước nhập khẩu dầu chính của Iran trong việc giảm lượng dầu nhập khẩu nhằm tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, năm ngoái mua gần 9% lượng dầu thô xuất khẩu từ Iran và sự phụ thuộc đó càng tăng sau thảm họa hạt nhân Fukushima, đã cam đoan giảm tới 20% lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tuần trước cho thấy Nhật Bản có thể cắt giảm 20% lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

Các số liệu của Nhật Bản cũng cho thấy  lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran trong tháng Giêng năm nay giảm 22,5% so với một năm ngoái, khoảng 339.000 thùng mỗi ngày. Các công ty ở châu Âu và châu Á cũng đang đẩy mạnh việc giảm nhập khẩu dầu thô và các mặt hàng.

Đây được coi là một trong những nỗ lực được phía Mỹ hoan nghênh và theo bà Clinton, Nhật Bản là một ví dụ điển hình trong việc khắc phục những khó khăn để hợp tác với Mỹ gia tăng sức ép, trừng phạt Iran.

Một số nước thành viên của EU phụ thuộc tới 30-35% vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Iran. Họ cũng đã nỗ lực để thực hiện theo các bước trong các biện pháp trừng phạt của Mỹ và từ chối doanh thu cho Iran.

Bà Clinton nói “Mỹ hiểu rằng một số quốc gia không thể ngừng nhập khẩu dầu của Iran và Mỹ đang giúp họ để tìm ra nguồn cung cấp thay thế.”

“Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều động thái tích cực từ các đối tác. Một loạt các quốc gia đang làm theo các quyết định đã thỏa thuận để giảm sự phụ thuộc vào dầu thô cũng như trong giao dịch với Ngân hàng Trung ương của Iran.

Chúng tôi có những giải pháp độc đáo. Hãy nhìn vào Nhật Bản, họ đã giảm 15-20%  lượng dầu nhập khẩu từ Iran kể từ năm ngoái bởi vì chúng tôi đã hợp tác và đàm phán với họ” - bà nói, không quên nhấn mạnh các tác động của trận động đất và sau đó là cuộc khủng hoảng hạt nhân.

Theo bà Clinton, các thách thức vẫn còn nằm ở phía các nhà cung cấp dầu thay thế, với lý do việc chậm nối lại sản xuất dầu của Libya và lệnh trừng phạt mới về Syria, nhưng trên hết các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã được thực hiện.
Thực tập sinh: Nguyễn Hương (Theo Reuters)