Năm 2019, Hải Dương bố trí hơn 42.000 m2 đất để phát triển giáo dục tư thục

05/08/2022 06:40
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giai đoạn 2008-2019, tỉnh Hải Dương có 68 dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá đã được cấp phép hoạt động với tổng kinh phí 750 tỷ đồng.

Ngày 4/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Mục tiêu của Nghị quyết 35/NQ-CP là đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu mở rộng số cơ sở cũng như số lượng người học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với từng cấp học.

Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá

Thực hiện Nghị quyết này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thống nhất quá trình triển khai Kế hoạch, theo dõi đôn đốc việc thực hiện của các cấp, các ngành;

Đồng thời tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và quyết định điều chỉnh, bổ sung những nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đào tạo (Ảnh: CTV)

Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đào tạo (Ảnh: CTV)

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, trước khi có Nghị quyết 35/NQ-CP, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý cho việc thực hiện huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo tại địa phương.

Trong đó nêu rõ cần khuyến khích xã hội hóa giáo dục, mở các trường tư thục tại những địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp…

Việc công bố bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong việc thành lập, chia tách, sát nhập các loại hình trường tư thục từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, tạo điều kiện về thủ tục pháp lý tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân, tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Giai đoạn 2008-2019 thu hút 68 dự án xã hội hoá

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, đến năm 2019, có 68 dự án đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích xã hội hoá đã được cấp phép hoạt động.

Cụ thể, có 52 dự án đầu tư thành lập trường mầm non tư thục; 01 dự án đầu tư thành lập trường tiểu học tư thục; 14 dự án đầu tư thành lập trường trung học phổ thông tư thục; không có dự án trường trung học cơ sở tư thục.

Đặc biệt, trong năm 2019, có 6 dự án đầu tư thành lập trường mầm non tư thục, tăng 6 dự án so với năm 2018; có 01 dự án đầu tư thành lập trường trung học phổ thông tư thục, tăng 1 dự án so với năm 2018.

Tổng số kinh phí đầu tư cho dự án xã hội hoá giai đoạn 2008-2019 là 750 tỷ đồng, trong đó các trường mầm non tư thục là 450 tỷ đồng; các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục là 300 tỷ đồng.

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie đặt ra trong tương lai gần là sẽ xây dựng đơn vị trở thành trường chất lượng cao, có đào tạo song ngữ đầu tiên của tỉnh Hải Dương (Ảnh: CTV)

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie đặt ra trong tương lai gần là sẽ xây dựng đơn vị trở thành trường chất lượng cao, có đào tạo song ngữ đầu tiên của tỉnh Hải Dương (Ảnh: CTV)

Giai đoạn 2008-2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã bố trí 474.069 m2 đất cho các cơ sở xã hội hoá để xây dựng trường, lớp.

Trong đó, bố trí cho các dự án trường mầm non tư thục là 110.054 m2; bố trí đất cho các cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học và trung học phổ thông) tổng số 364.015 m2.

Đặc biệt, trong năm 2019, tỉnh Hải Dương đã bố trí kinh phí đầu tư cho dự án xã hội hoá đối với các sơ sở giáo dục mầm non là 85 tỷ đồng; cơ sở giáo dục phổ thông (trung học phổ thông) là 5 tỷ đồng.

Năm 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã bố trí 38.500 m2 đất cho các cơ sở mầm non tư thục; 3.900 m2 đất dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông (trung học phổ thông tư thục).

Với vai trò Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

Hải Dương là tỉnh có truyền thống hiếu học, truyền thống quan tâm phát triển giáo dục. Cũng chính bởi thế nên từ xưa tới nay, Hải Dương luôn nằm trong top các tỉnh có thành tích cao về giáo dục, kể cả giáo dục đại trà lẫn giáo dục mũi nhọn. Tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng. Hải Dương hiện có hệ thống giáo dục ngoài công lập khá toàn diện và dồi dào, từ cấp học mầm non cho tới đại học.

Chỉ tính riêng năm học 2022 – 2023 trước mắt, hệ thống các trường trung học phổ thông ngoài công lập đã chia sẻ áp lực với giáo dục công lập với sự tiếp nhận 5000 (năm nghìn) học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học. Đấy là tính riêng cấp học trung học phổ thông. Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập có số lượng nhiều nhất, “gánh đỡ” cho giáo dục công lập hàng chục nghìn trẻ em. Tỉnh đã có những quan tâm, ưu đãi nhất định cho hệ thống các trường ngoài công lập, đặc biệt là những chính sách về tuyển dụng giáo viên, những chính sách về đất đai dành cho giáo dục…

Linh Hương

LÃ TIẾN