Nắm đấm Trung Quốc đằng sau hoạt động thương mại với các láng giềng

28/05/2013 06:17
Hồng Thủy (Nguồn: Japan Times)
(GDVN) - Trong quan hệ với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc quen sử dụng các hoạt động thương mại như chiêu bài chính trị để gây sức ép, bên trong "găng tay" thương mại luôn là một nắm đấm Bắc Kinh thủ sẵn để "chơi" các nước láng giềng.
Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc chọn Ấn Độ làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài
Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc chọn Ấn Độ làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài
Japan Times ngày 28/5 đăng bài phân tích của giáo sư Brahma Chellaney, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề chính trị tại New Delhi cho biết, trong quan hệ với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc quen sử dụng các hoạt động thương mại như chiêu bài chính trị để gây sức ép, bên trong "găng tay" thương mại luôn là một nắm đấm Bắc Kinh thủ sẵn để "chơi" các nước láng giềng.
Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đã tạo thành tam giác quan trọng của châu Á, trong đó Nhật Bản và Ấn Độ là đồng minh tự nhiên và có mối quan hệ phát triển nhanh chóng, đáng kể, không có bất hòa chiến lược trong khi cả New Delhi và Tokyo đang phải cạnh tranh địa chính trị ngày một rõ nét với Bắc Kinh. Mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ gần đây bị xáo trộn bởi một cuộc xâm nhập lén lút qua biên giới tranh chấp ở Himalaya của quân đội Trung Quốc ngay trước chuyến công du New Delhi của Lý Khắc Cường. Chuyến thăm đã làm rõ thêm một khía cạnh tiêu cực khác vượt ra ngoài những căng thẳng lãnh thổ, đó là thâm hụt mậu dịch của Ấn Độ với Trung Quốc cộng thêm việc nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu từ Trung Quốc, một cơn lũ hàng giá rẻ Trung Quốc đã cắt xén bớt thị phần của nền sản xuất Ấn Độ. Với Trung Quốc hiện đang có lượng xuất khẩu lớn hơn 2,5 lần so với nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Ấn Độ, mặc dù những hoạt động xấm lấn biên giới gần đây của phía Trung Quốc làm quan hệ Trung - Ấn nóng lên, nhưng Bắc Kinh vẫn tập trung vào việc thu về lợi nhuận nhiều hơn từ Ấn Độ. Suy thoái kinh tế ở phương Tây góp phần làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã làm gia tăng tầm quan trọng của thị trường Ấn Độ đối với Bắc Kinh, đây là lý do tại sao Lý Khắc Cường lựa chọn New Delhi làm nơi công du đầu tiên của mình trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Yếu tố này cũng đã khuyến khích các ngân hàng Trung Quốc đang giàu tiền mặt cho các công ty Ấn Độ vay vốn để mua thiết bị hoặc nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong khi hàng Trung Quốc tràn vào Ấn Độ đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho các nhà sản xuất Ấn Độ tìm chỗ đứng trên chính sân nhà ngay cả những ngành là thế mạnh của Ấn Độ như dược phẩm và công nghệ thông tin. Kết quả là Ấn Độ chủ yếu xuất sang Trung Quốc những mặt hàng lợi nhuận thấp, hàng thô chưa qua chế biến. Không chỉ kiếm tiền từ nền kinh tế Ấn Độ, Trung Quốc còn sử dụng kinh tế như một chiêu bài để gây sức ép trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bắc Kinh  không chấp nhận nguyên trạng khu vực tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, tìm cách làm xáo trộn hiện trạng các dòng sông quốc tế chảy qua 2 nước thông qua một chương trình xây dựng đập nước mà New Delhi gọi là "hung dữ". Ấn Độ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi hoạt động nắn dòng của phía Trung Quốc trong khi Bắc Kinh luôn từ chối đề nghị của New Delhi ký kết một hiệp định hoặc thành lập một tổ chức liên chính phủ để xác định quyền và trách nhiệm chia sẻ nguồn lợi từ các dòng sông. Trung Quốc chỉ muốn bán dữ liệu thủy văn các con sông này cho Ấn Độ liên quan đến các cơn lũ. Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị chống lại các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với nó, điển hình như Nhật Bản và Philippines. Bắc Kinh đã tìm cách trừng phạt Tokyo và Manila thông qua một cuộc tẩy chay chính thức các sản phẩm của 2 quốc gia này khi căng thẳng leo thang ngoài Scarborough ở Biển Đông và Senkaku ở Hoa Đông. Đối với Trung Quốc, thương mại không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh tees mà còn là lợi ích địa chiến lược. Trong thực tế, Trung Quốc khuyến khích sự phụ thuộc kinh tế (của các nước láng giềng) vào nó để có thể sử dụng chúng thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của mình, đặc biệt là trong tranh chấp lãnh thổ. Vì vậy để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng thương mại làm vũ khí chính trị gây sức ép trong tranh chấp lãnh thổ, đầu tiên phải tránh bất kỳ sự phụ thuộc thương mại nào vào Bắc Kinh. Thứ 2 phải có hàng rào chống bán phá giá, thuế để hạn chế cơn lốc hàng giá rẻ từ Trung Quốc tàn phá nền sản xuất trong nước.

Hồng Thủy (Nguồn: Japan Times)