Năm ngoái đề Văn vào thơ rồi, năm nay em không nghĩ lại thơ nên ôn không kỹ

07/07/2021 12:16
Thùy Linh- Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mức độ phân hóa của đề Ngữ văn nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.

Sau khi thí sinh cả nước hoàn thành xong bài thi môn Ngữ văn, ra khỏi địa điểm thi nhiều học sinh đánh giá đề thi năm nay vừa sức nhưng cũng khá nhiều em tỏ ra tiếc nuối vì chưa làm được như mong muốn.

“Đề thi khá dễ, vừa sức với bản thân. Em thấy phần nghị luận xã hội khá hay và tự tin được tầm 7-8 điểm", thí sinh Ngô Văn Đức (học sinh Trung học phổ thông Xuân Phương) tự tin chia sẻ.

Trong khi đó Nguyễn Vũ Hà Giang - học sinh Trung học phổ thông Xuân Phương giãi bày: “Đề Văn tương đối vừa sức, em không thấy câu nào quá khó nhưng do em ôn chưa kĩ phần thơ nên không sang được tờ thứ 3”.

Nguyễn Vũ Hà Giang - học sinh Trung học phổ thông Xuân Phương (ảnh: Vân Ánh)

Nguyễn Vũ Hà Giang - học sinh Trung học phổ thông Xuân Phương (ảnh: Vân Ánh)

“Đề thi năm nay không phải khó nhưng em nghĩ năm ngoái thi thơ nên năm nay sẽ không thi thơ nữa nên em ôn thi không kĩ phần này nên có thể điểm nghị luận văn học sẽ không như em kì vọng”, Vũ Tiến Đạo - học sinh trường trung học phổ thông Đại Mỗ nói.

Trong khi đó, đánh giá về đề thi, cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định, đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cụ thể:

Đề thi môn Ngữ văn

Đề thi môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) là câu hỏi nhận biết về 1 khía cạnh của nội dung văn bản.

Câu 3 ở mức độ thông hiểu yêu cầu học sinh trình bày cách hiểu của mình về một hiện tượng cụ thể, từ đó khái quát lên những quy luật trong cuộc sống con người – đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh không chỉ nhận thức được nội dung ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ mà còn cần kết hợp với trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống để hướng tới những vấn đề lớn lao, mang tính vĩnh hằng trong cuộc sống con người – do đó đây là 1 câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó.

Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích – nếu kết hợp với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội, học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi số 4 về lẽ sống cống hiến.

Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, nhất là 2 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể được điểm tối đa; câu hỏi vận dụng cao cũng đã có phần gợi ý từ câu lệnh của bài làm văn số 1; khó khăn duy nhất với học trò là câu 3 ở mức độ thông hiểu – và đây có thể coi là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh.

Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chuẩn xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”.

“Sống cống hiến” là một vấn đề quen thuộc trong cả cuộc sống và văn chương; chọn bình diện nhỏ của vấn đề là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” chính là yêu cầu học trò đề cập đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, giá trị….của ý thức “sống cống hiến” đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội. Một vấn đề rất lớn lao, rất ý nghĩa và cũng đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày…hoàn toàn sẽ không làm khó cho học trò.

Điều băn khoăn duy nhất là có thể học sinh sẽ gặp sự giao thoa giữa câu hỏi số 4 của phần đọc hiểu với khía cạnh cần bàn luận trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội; và đó cũng là nguyên nhân khiến bài viết ít có khả năng khơi gợi hứng thú và sự sáng tạo của thí sinh.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh cảm nhận về 3 khổ 3,4,5 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh; câu lệnh thứ 2 mang tính chất khái quát và nâng cao khi yêu cầu học trò nhận xét về “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”.

Khổ 3 và 4 thể hiện những trăn trở, suy tư của người phụ nữ về sự bí ẩn, kì lạ, cũng là kì diệu của tình yêu khi liên tưởng tới sóng và gió; khổ 5 thông qua sóng, người phụ nữ bày tỏ một trong những xúc cảm mang tính đặc thù nhất của tình yêu đó là nỗi nhớ … – đó là những nội dung gắn với suy tư và xúc cảm thường gặp của người phụ nữ trong tình yêu, cũng đồng thời thể hiện “ vẻ đẹp nữ tính” trong hồn thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng nói riêng.

Vấn đề không mới, càng không hề khó với học trò, và “vẻ đẹp nữ tính” là một nét đặc sắc rất phù hợp với đoạn thơ và bài thơ - đó là những vấn đề mà thí sinh hoàn toàn có thể đồng thời phân tích trong quá trình cảm nhận, hoặc tách thành 2 luận điểm một cách mạch lạc như yêu cầu của đề.

Cuối cùng, cô Tuyết cho rằng, nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo; phần Làm văn không có những câu lệnh tạo dư địa cho phản biện và sự thể hiện quan điểm độc lập của thí sinh. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.

Thùy Linh- Vân Ánh