Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 12 tháng 8 dẫn trang mạng tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 10 tháng 8 đăng bài viết "Chi tiêu hạt nhân của Mỹ trong tương lai rất có thể giữ mức cao".
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ |
Bài viết cho rằng, căn cứ vào dự đoán của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, trong vài chục năm tới, chi phí hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đang lão hóa của Mỹ sẽ rất đắt đỏ, nhưng sẽ không vượt 5% chi tiêu quốc phòng.
Nghiên cứu của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách cho rằng, trong 25 năm tới, nâng cấp và duy trì lực lượng hạt nhân của Mỹ sẽ tiêu tốn trên 700 tỷ USD. Chi tiêu hàng năm trong thập niên 20 vào 30 của thế kỷ này sẽ trên 34 tỷ USD, nhưng tỷ lệ của nó trong tổng chi tiêu quốc phòng sẽ là 5% hoặc ít hơn.
Một số nghị sĩ phái tự do coi kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là nguồn tiết kiệm chi tiêu tiềm năng. Đầu năm nay, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ed Markey đến từ bang Massachusetts và hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Earl Blumenauer đến từ bang Oregon đã đưa ra lập trường kiên trì của họ.
Đó là: sẽ tiết kiệm 100 tỷ USD, những khoản tiết kiệm này phần nào dựa vào giảm số lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược từ 14 chiếc xuống 8 chiếc, loại bỏ nhiệm vụ hạt nhân khỏi sứ mệnh của máy bay chiến đấu F-35, đồng thời trì hoãn nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và máy bay ném bom tấn công tầm xa.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Hải quân Mỹ |
Báo cáo của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách đưa ra kết luận, cho rằng, việc cắt giảm đối với chương trình hạt nhân hoàn toàn sẽ không giảm nhẹ sức ép của Lầu Năm Góc, nhất là trong 5 năm tới.
Các tác giả của báo cáo gồm Tod Harrison và Evan Montgomery cho rằng, nói ngắn gọn, trong 5 năm tới, bất cứ việc cắt giảm được cho là hợp lý nào đều sẽ chỉ tiết kiệm được một khoản tiền rất ít.
Họ nói: "Cắt giảm vũ khí hạt nhân không có nhiều khả năng đem lại khoản tiết kiệm đủ, trừ phi Mỹ tiến hành thay đổi quy mô lớn về chiến lược và cơ cấu lực lượng hạt nhân - những thay đổi này không chỉ không có nhiều khả năng, mà còn không thể dễ dàng cắt bỏ".
Tom Caraco - người phụ trách chương trình phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, chi tiêu cho hiện đại hóa vũ khí hạt nhân là bởi vì vài chục năm qua Quân đội Mỹ mua sắm không đủ.
Ông nói: "Chúng ta luôn dị ứng với bất cứ thứ gì mới. Trong bối cảnh hạt nhân hậu Chiến tranh Lạnh, từ 'mới' phần nào là một thứ kiêng kị: Không có năng lực mới, hệ thống phóng ít hơn, không có đạn hạt nhân mới".
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Trident bắn từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Mỹ |
Tom Caraco chỉ ra, tháng 11 năm 2014, ông Chuck Hagel trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ là "vấn đề quan trọng hàng đầu của Bộ Quốc phòng".
Theo ông Tom Caraco, Nga phô trương về năng lực vũ khí hạt nhân đã tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của chương trình hạt nhân của Mỹ, nó là một loại "bảo hiểm hỏa hoạn".