"NATO đang tiến gần đến chiến tranh với Nga nhất trong lịch sử"

28/06/2015 10:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ và NATO triển khai vũ khí nặng và quân đội đến khu vực nằm trong giới hạn phòng thủ của Nga, các nhà sử học nhấn mạnh.

Quyết định triển khai vũ khí hạng nặng đến biên giới Nga của Mỹ và NATO có thể xem là một hành động cực đoan, thiếu thận trọng làm leo thang căng thẳng trên cơ sở lý do hoàn toàn sai lầm.

Nhận định trên được nhà phân tích chính trị, sử gia người Mỹ Stephen Cohen đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ Sputnik hôm 27/6.

Ảnh Rian.
Ảnh Rian.

Theo Cohen, quan hệ giữa Moscow và Washington đang dần xấu đi thì các quan chức Mỹ và NATO lại đổ thêm dầu vào lửa bằng cách đẩy mạnh kế hoạch tăng cường quân sự trên biên giới với Nga.

Sau nhiều tuần xem xét, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hôm 22/6 đã khẳng định kế hoạch triển khai thêm vũ khí hạng nặng ở các nước Baltic, Ba Lan, Romania và Bulgaria.

"Những gì đang diễn ra hiện nay là những gì NATO đã mong muốn suốt 15 năm qua. Ông Carter đang tán tỉnh chiến tranh với Nga theo đúng nghĩa đen", Cohen - Giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học Princeton và Đại học New York bình luận. 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ và NATO triển khai vũ khí nặng và quân đội đến khu vực nằm trong giới hạn phòng thủ của Nga, nhà sử học nhấn mạnh. Động thái này, chắc chắn sẽ thu hút phản ứng trả đũa của Nga. 

Những hành động "ăn miếng trả miếng" của Nga và NATO có thể dẫn đến sự tiếp tục leo thang quân sự và khiến căng thẳng song phương có thể chuyển hướng thành một "cuộc đối đầu kiểu cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba".

Giáo sư Cohen cho rằng quyết định của Lầu Năm Góc là một sự leo thang của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có nguy cơ trở thành "chiến tranh nóng" với Nga trong bối cảnh phương Tây đang sử dụng các biện pháp "tuyên truyền" dựa trên những thông tin sai lệch chống lại Moscow.

Ông cho rằng phương Tây gần đây đã tăng cường tuyên truyền, cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng Nga đang đặt ra một mối đe dọa quân sự với ba nước Baltic nhỏ. Tuy nhiên, ông khẳng định đó là một "lời nói dối". 

Quyết định của Lầu Năm Góc đã đánh dấu rõ ràng là một sự thất bại về "ngoại giao" của Washington, là dấu hiệu của sự "mong muốn" và "tìm kiếm" một cuộc thách quân sự với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Cohen nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự của NATO đã mở rộng vượt xa các vấn đề Ukraine: "Nó không còn là vấn đề bảo vệ Ukraine nữa mà là sự mở rộng NATO".
.
Tình hình đang trở nên tệ hơn, và các nước châu Âu có nguy cơ bị lôi vào giữa một cuộc xung đột quân sự mới, Giáo sư Cohen cảnh báo. Các nước châu Âu không nên quên Washington không thể cứu đồng euro hoặc thúc đẩy các nền kinh tế EU hoặc cung cấp nguồn năng lượng giá rẻ cho EU. 

Hơn nữa, diễn đàn kinh tế quốc tế tại St. Petersburg đã chỉ ra rõ ràng rằng mặc dù Washington đã dùng tất cả các nỗ lực nhằm cô lập Moscow, nhưng Nga vẫn gắn bó chặt chẽ với đời sống kinh tế và chính trị châu Âu./.

Nguyễn Hường