Nếu Bộ Giáo dục quyết làm điều mình nói thì năm 2016, đại học sẽ như thế nào?

28/12/2015 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Nếu giả sử Bộ GD&ĐT kiên quyết không cho các trường hiện có quá 15.000 sinh viên tuyển sinh năm 2016 thì hệ lụy xã hội sẽ như thế nào?

Ngày 16/12/2015 Bộ GD&ĐT ban hành thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT (Thông tư 32) quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. 

Hai tiêu chí đầu quy định tỷ lệ số sinh viên trên một giảng viên (quy đổi) và diện tích sàn xây dựng tối thiểu thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục (không phải diện tích thuê) trên một sinh viên. Hai tiêu chí này không có gì phải bàn luận.

Tiêu chí thứ 3: Quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

- Không quá 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành VI (khối ngành sức khỏe);

- Không quá 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II (khối ngành nghệ thuật);

- Không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII.

Điều 6 của Thông tư 32 quy định: “Các cơ sở giáo dục đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy hàng năm phải thỏa mãn đồng thời cả 03 tiêu chí quy định tại Điều 5 của Thông tư này”.

Thông tư 32 quy định không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII (Ảnh minh họa giaoduc.net.vn)
Thông tư 32 quy định không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII (Ảnh minh họa giaoduc.net.vn)

Liệu Thông tư 32 có phải cũng là một dạng “quy định trên trời” hay “chủ trương phòng lạnh” như khá nhiều văn bản mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, xin nêu một số ý kiến:

Thứ nhất: vi phạm pháp luật và chủ trương của Nhà nước

Điều 23 Luật Giáo dục đại học quy định điều kiện để được phép hoạt động đào tạo

1. Cơ sở giáo dục đại học được cho phép hoạt động đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học;

b) Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết;

c) Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;

d) Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;

đ) Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;


e) Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Theo luật, các cơ sở Giáo dục Đại học thỏa mãn khoản 1 điều 23 được cấp phép thì được quyền tổ chức đào tạo.

Trong đó có quyền tuyển sinh, luật không hề có quy định hạn chế số lượng sinh viên tại các cơ sở Giáo dục Đại học, và cũng không có điều khoản nào cho phép Bộ GD&ĐT cấm các cơ sở Giáo dục Đại học tuyển sinh nếu cơ sở đó có nhiều hơn 15.000 sinh viên.

Khoản 3 điều 54 Luật Giáo dục Đại học quy định tiêu chuẩn Giảng viên đại học: “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Trường hợp đặc biệt ở một số ngành chuyên môn đặc thù do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quy định”.

Nếu Bộ Giáo dục quyết làm điều mình nói thì năm 2016, đại học sẽ như thế nào? ảnh 2

Trường Đại học không được tuyển sinh quá 15.000 sinh viên chính quy

(GDVN) - Bộ GD&ĐT chính thức công bố tại Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục Đại học.

Thông tư 32 quy định giảng viên có trình độ đại học khi quy đổi được tính hệ số 0,5 không phân biệt các trường hợp đặc biệt hay đặc thù.

Bằng Thông tư 32 Bộ GD&ĐT chính thức công bố người có trình độ đại học ở tất cả cơ sở Giáo dục Đại học vẫn được công nhận là giảng viên đại học, nghĩa là đạt chuẩn,  điều này hoàn toàn trái với quy định về “trình độ chuẩn” của giảng viên đại học trong Luật Giáo dục Đại học.

Chủ trương “tự chủ đại học” đang được chỉ đạo thực hiện từ cấp cao nhất, buộc các trường phải giảm số lượng sinh viên có đi ngược lại với chủ trương này? Trên thế giới, Đại học Harvard có khoảng 2.400 giảng viên và trên 20.000 sinh viên. 

Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov có lúc có tới 4.000 giảng viên, 31.000 sinh viên và 7.000 nghiên cứu sinh. Vậy Bộ GD&ĐT dựa vào cơ sở khoa học nào để quy định các Đại học Việt nam không được có nhiều hơn 15.000 sinh viên?

Thứ hai: quy định không rõ ràng, cố tình tạo kẽ hở

Thông tư 32 quy định “Giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành”.

Bộ thừa biết hiện nay các đại học tư thục đang lách luật về đội ngũ giảng viên cơ hữu, người ta sẵn sàng ký hợp đồng lao động 36 tháng hoặc không xác định thời hạn nhưng lại kèm theo điều khoản lương trả cho giảng viên theo số tiết thực dạy, nghĩa là có thể có tên trong biên chế nhưng cả năm không lĩnh đồng lương nào vì không tham gia giảng dạy.

Nếu Bộ Giáo dục quyết làm điều mình nói thì năm 2016, đại học sẽ như thế nào? ảnh 3

Cơ sở giáo dục Đại học phải dừng đào tạo trình độ Cao đẳng trước năm 2020

(GDVN) - Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo, theo đó các trường Đại học đang đào tạo Cao đẳng phải dừng đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Còn một kiểu lách luật khác là thuê “mặt bằng” các Giảng viên cao cấp, Giáo sư, Phó giáo sư, điều này cho phép trường ghi vào danh sách giảng viên rất nhiều người có học hàm, học vị cao nhưng thực chất những người đó khi cần thì xuất hiện, không cần thì thôi. 

Trường có tên để báo cáo, cá nhân cho thuê “mặt bằng” có tiền trong tài khoản, hai bên đều có lợi, chỉ có nền giáo dục là thiệt hại.

Năm 2014 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 47/2014/TT-BGDĐT (TT47) về “Chế độ làm việc đối với giảng viên”, theo đó:

 “Thời gian làm việc của giảng viên thực hiện theo chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ và được xác định theo năm học.

Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định. Định mức giờ chuẩn cho giảng viên trong một năm học là 270 giờ chuẩn
”.

Vậy chỉ cần Bộ đưa vào Thông tư 32 một câu ngắn gọn, rằng “tiêu chuẩn giảng viên cơ hữu trong các trường tư thục tuân theo các quy định trong Thông tư 47” là được, tại sao phải thêm các quy định vừa rắc rối vừa không rõ ràng như trên?

Phải chăng Bộ GD&ĐT “thương” các trường tư thục nên không nỡ chặn mất cửa làm ăn gian dối họ? Hay còn vì lý do Bộ đã chót cho phép họ tự chủ tuyển sinh rồi nên bây giờ bị … mắc?

Thứ ba: gây xáo trộn lớn ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo đại học


Không tính các cơ sở Giáo dục Đại học thuộc hai khối ngành Sức khỏe và Nghệ thuật, tất cả các cơ sở Giáo dục Đại học còn lại đều không được phép có quy mô vượt quá 15.000 sinh viên.

Có thể tìm được số liệu do chính các cơ sở Giáo dục Đại học công bố về số lượng sinh viên của mình:

Đại học Công nghiệp Hà Nội năm học 2014-2015 tuyển 5771 sinh viên đại học; 4273 sinh viên cao đẳng, 127 sau đại học, tổng cộng là 10.171 sinh viên. Tính bình quân 4 năm tổng sinh viên trường này vào khoảng trên 40.000 người. [1]

Học viện Nông nghiệp Việt Nam số lượng sinh viên Cao đẳng, Đại học, trên Đại học (tính đến tháng 2/2015)  là 35.912 người. [2] 

Nếu Bộ Giáo dục quyết làm điều mình nói thì năm 2016, đại học sẽ như thế nào? ảnh 4

Cần thay đổi những điều chưa phù hợp trong Thông tư 30

(GDVN) - Mong rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu, những hướng dẫn, chỉ đạo hợp lí nhằm giảm được áp lực cho giáo viên, giảm được những ghi chép không cần thiết.


Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm học 2014-2015 tuyển sinh: Đại học chính quy 4840; cao đẳng chính quy 5122, tổng 9962 người, [3] tính bình quân 4 năm số sinh viên trường này sẽ là gần 40.000 người.

Theo số liệu trên Wikipedia [4] Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện có khoảng 40.000 sinh viên, còn số liệu báo Tienphong.vn [5] thì số lượng sinh viên là 27.500 người.

Xin nói thêm rằng quy mô các trường khác như Kinh tế quốc dân, Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh… số lượng sinh viên cũng xấp xỉ 20.000 người.

Nếu theo đúng quy định trong Thông tư 32 thì các trường nêu trên (và nhiều trường khác) sẽ phải ngừng tuyển sinh ít nhất là hai năm để “tiêu hóa” hết số sinh viên hiện có. 

Với quy định tỷ lệ cao nhất là 25 sinh viên/giảng viên thì quy mô 15.000 sinh viên sẽ cần nhiều nhất là 600 giảng viên, trường nào nhiều Tiến sỹ, Giáo sư, Phó giáo sư thì số lượng giảng viên sẽ giảm thêm vì một Giáo sư, Phó giáo sư được tính bằng 5 giảng viên chuẩn.

Thỏa mãn quy định tối đa 15.000 sinh viên, các trường này sẽ phải cắt hợp đồng lao động của khoảng 50% đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ hiện có.

Thông tư 32 sẽ mang lại lợi ích cho các cơ sở đào tạo nghề bậc trung học và cao đẳng, đặc biệt là các trường đại học tư thục đang sống thoi thóp với vài trăm sinh viên tất cả các khóa. 

Tuy nhiên xét về tổng thể, sự xáo trộn mà Thông tư 32 mang lại cho nền giáo dục đại học Việt Nam sẽ không khác gì một cơn địa chấn.

Liệu Bộ GD&ĐT có dám khẳng định sẽ kiên quyết thực hiện Thông tư 32 hay sẽ dành cho Bộ trưởng quyền “xem xét, chiếu cố” các trường hợp đặc biệt? 

Một câu hỏi không thể không đặt ra là có bao nhiêu “trường hợp đặc biệt” sẽ được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh năm 2016?

Nếu giả sử Bộ GD&ĐT kiên quyết không cho các trường hiện có quá 15.000 sinh viên tuyển sinh năm 2016 thì hệ lụy xã hội sẽ như thế nào?

Sẽ xuất hiện tình trạng “liên kết đào tạo” giữa trường thừa và trường thiếu mà thực chất là tình trạng “mua – bán” sinh viên.

Các trường tư thục đang thoi thóp sẽ đột nhiên bị “bội thực” (vì hàng loạt trường có bề dày kinh nghiệm sẽ không được tuyển sinh) trong khi đội ngũ giảng viên các trường này đa số là “cơ hữu rởm”, cơ sở vật chất nhiều trường chưa hoàn chỉnh. 

Sẽ xuất hiện dòng giảng viên “nhập cư” từ các trường buộc phải giảm biên chế sang các trường tư thục bỗng có nhiều sinh viên nhập học, tuy nhiên vì lợi nhuận các trường này sẽ nắm trong tay quyền ép dòng người “nhập cư” làm việc với những hợp đồng bất lợi cho người lao động. 

Sẽ có rất nhiều trường buộc phải thay đổi cơ cấu, mục tiêu đào tạo, loại bỏ một số ngành nghề không thu hút sinh viên, bán bớt một số cơ sở thực nghiệm, nhà xưởng, giảng đường, thậm chí có thể nhiều chương trình hợp tác quốc tế sẽ phải điều chỉnh...

Từ số liệu cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, việc giảm quy mô đào tạo là cần thiết. Cách thức giảm tốt nhất là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở Giáo dục Đại học thông qua việc sáp nhập, giải thể những cơ sở không đạt chuẩn chứ không phải là bắt các trường có uy tín, chất lượng phải nhường “thị phần” đào tạo cho các trường kém chất lượng.

Có thể thấy trước viễn cảnh không mấy sáng sủa về số phận của Thông tư 32.
Bộ GD&ĐT có chắc là mình sẽ thực hiện nghiêm túc Thông tư 32 hay sẽ để cho lãnh đạo các trường đại học cả nước mượn câu nói của ông lãnh đạo sở Giao thông Hải Phòng, rằng “Bộ ban hành thông tư 32 cho vui chứ chắc chẳng có ý gì?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.haui.edu.vn/media/24/uftai-ve-tai-day24433.pdf

[2] http://www.vnua.edu.vn/vie/tintuc/thanhtuu.php?cid=0&aid=46&id=5955

[3] http://www.hui.edu.vn/Resource/Upload2/files/documents/2015_bacongkhai/02_%20Cong%20khai%20CL%20Dao%20tao%202015%20-%20IUH.pdf

[4]https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_%C4%90%E1%BA%A1i_h%E1%BB%8Dc_B%C3%A1ch_khoa_H%C3%A0_N%E1%BB%99i

[5] http://www.tienphong.vn/giao-duc/xac-dinh-chi-tieu-tuyen-sinh-2016-lai-de-ra-ngoai-le-xin-cho-950487.tpo

Xuân Dương