LTS: Năm học 2014-2015 (năm học đầu tiên thực hiện thông tư 30/2014/TTBGD&ĐT) đã dần khép lại.
Bên cạnh việc đánh giá kết quả thi đua khen thưởng đối với học sinh tiểu học nói riêng thì hoạt động của các tổ chức Khuyến học cơ sở cũng đang “nóng” dần lên.
Khuyến học là hoạt động dựa vào kết quả đánh giá khen thưởng của các nhà trường để vinh danh, khích lệ phong trào thi đua học tập tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho các nhà trường.
Tuy vậy, vấn đề xây dựng quy chế khen thưởng cho các em học sinh tiểu học trong năm học này là chuyện không đơn giản.
Trong bài viết gửi về tòa soạn, thầy giáo Phan Hữu Tùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 1 Thủy Phù, Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế đã nêu lên vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Trong lịch sử phát triển giáo dục nước nhà, khuyến học, khuyến tài là một đạo lý được dân tộc ta luôn luôn đề cao, truyền bá và phát huy.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định: “Hội Khuyến học có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập”.
Với vai trò vị trí đó, công tác khuyến học đã được các cấp các ngành quan tâm sâu sát và đi vào hoạt động rất hiệu quả, các tổ chức khuyến học cơ sở phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử như xã Thủy Phù, TX Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) có một Hội khuyến học cấp xã và 12 Chi hội thôn/12 thôn, mỗi họ tộc đều có một Chi hội khuyến học.
Các tổ chức khuyến học cơ sở này hoạt động cũng có nguyên tắc nhất định và có quy chế khen thưởng rõ ràng.
Chẳng hạn như ở Hội khuyến học của xã Thủy Phù, TX Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) có quy chế khuyến học đối với học sinh trong xã là: cuối năm, mỗi học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thưởng 30.000đ (bằng hiện vật), mỗi em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh được thưởng 300.000đ, mỗi em thi đỗ đại học được thưởng 1.000.000đ.
Từ đó cũng đã kịp thời động viên, khích lệ các em học sinh có thành tích cao trong học tập và rèn luyện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho các nhà trường.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 1 Thủy Phù tặng thưởng cho các tập thể lớp xuất sắc. Ảnh Phan Hữu Tùng |
Năm học 2014-2015 (năm học đầu tiên thực hiện thông tư 30/2014/TTBGD&ĐT) đã dần khép lại. Để thực hiện có hiệu quả thông tư này, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó có văn bản hướng dẫn khen thưởng học sinh tiểu học cuối kì, cuối năm.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo: “… giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá (theo Thông tư 30/2014/TT/BGDĐT) trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.
Chẳng hạn như, khen thưởng về các môn học, Bộ GD&ĐT hướng dẫn: Việc ghi vào Giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Sở GD&ĐT tuyên truyền, giải thích để giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh hiểu và nhận thức đúng về việc khen thưởng theo Thông tư 30/2014/TT/BGDĐT.
Mục đích khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, giúp động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho các em….” (trích công văn số 39/BGD&ĐT-GDTH ngày 06 tháng 01 năm 2015).
Như vậy, căn cứ theo thông tư 30 và văn bản hướng dẫn trên thì mục đích khen thưởng như vậy là rất tốt, nhưng nếu nội dung khen thưởng như vậy thì các tổ chức khuyến học cơ sở sẽ rất lúng túng, khó khăn trong việc khen thưởng cho học sinh có thành tích cao trong học tập và rèn luyện của năm học này.
Đa số độc giả không ủng hộ sự tồn tại trường chuyên, lớp chọn
(GDVN) - Theo khảo sát của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, phần lớn độc giả ủng hộ việc bỏ loại hình trường chuyên, lớp chọn trong quá trình đổi mới toàn diện giáo dục.
Chưa kể, đến nay các tổ chức này cũng chưa điều chỉnh kịp quy chế khen thưởng. Mà trên thực tế, dù sau này có điều chỉnh thì theo hướng dẫn khen thưởng của Bộ GD&ĐT như vậy vẫn rất khó cho các tổ chức khuyến học cơ sở để xác định đối tượng khen thưởng đảm bảo được mục đích khuyến tài.
Vì sẽ có rất nhiều đối tượng được khen và nội dung, tiêu chuẩn khen thì không cụ thể, rõ ràng, có thể xẩy ra tình trạng học sinh có sức học tương đồng nhau nhưng nội dung khen thưởng của giáo viên này khác giáo viên kia.
Trong khi đó các tổ chức khuyến học không thể dựa vào những nội dung khen chung chung, tùy tiện hoặc nội dung khen quá cụ thể về một môn hay một năng khiếu nào đó để xây dựng quy chế khen thưởng đảm bảo đúng nguyên tắc, công bằng và đúng mục đích khuyến học, khuyến tài.
Điều đó, có thể trong năm học này nhiều học sinh tiểu học sẽ mất những phần thưởng đầy ý nghĩa từ các tổ chức khuyến học.
Ngoài việc cần điều chỉnh các nội dung khác trong thông tư 30 của Bộ GD&ĐT như trong thời gian qua dư luận phản ánh, cần có những điều chỉnh kịp thời về khen thưởng học sinh.
Cụ thể là, cần có quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng rõ ràng, có nội dung khen thưởng cụ thể, thống nhất chung cho cả nước. Ngoài ra, có thể khen từng mặt đối với học sinh (như thông tư 32 trước đây).
Có như vậy mới vừa đạt được mục đích khen thưởng đối với học sinh tiểu học mà trong thông tư quy định, vừa tạo được điều kiện cho các tổ chức khuyến học thuận tiện trong việc xây dựng quy chế khen thưởng đảm bảo công bằng, đúng mục đích, để các tổ chức khuyến học sẽ là cánh tay nối dài của các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.