Vụ việc phi công, tiếp viên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ do nghi ngờ tham gia buôn lậu hàng hóa bị đánh cắp đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Được biết, cảnh sát Tokyo nghi ngờ có khoảng 20 nhân viên của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây buôn lậu này, để mở rộng điều tra, cơ quan này vừa triệu tập thêm 1 phi công và 4 tiếp viên khác của Vietnam Airlines để thẩm vấn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản ngày 27/3 đưa tin cho biết, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines bị cảnh sát Tokyo bắt giữ do tình nghi liên quan tới đường dây vận chuyển hàng hóa ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ đã khai nhận rằng: Cô đã chuyển lậu hàng hóa về Việt Nam dưới sự cho phép của cơ phó, người nói với cô rằng cô có thể làm việc đó để có thêm thu nhập…
Hiện tại tuy chưa có kết luận điều tra chính thức của cảnh sát Nhật Bản nhưng với lời khai trên, gần như nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc sẽ khó thoát khỏi tội buôn lậu, tiêu thụ hàng hóa ăn cắp. Lúc này dư luận quan tâm nếu bị kết luận có tội, nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines sẽ chịu trách nhiệm thế nào? Việc áp dụng hình phạt được thực hiện tại Nhật Bản hay Việt Nam?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, TS.LS Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội) cho rằng, qua diễn biến sự việc cho thấy: Tiếp viên, phi công Vietnam Airlines vừa vi phạm luật pháp vừa làm xấu đi hình ảnh của đất nước con người Việt Nam.
Theo LS Trần Đình Triển, công dân Việt Nam có hai nghĩa vụ: Thứ nhất dù là bất cứ ai khi là công dân Việt Nam phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam hoặc khi đi công tác, học tập, lao động sinh sống tại nước khác phải tuân thủ quy định của pháp luật tại nước sở tại.
Thứ hai, công dân Việt Nam khi sinh sống, học tập, lao động, công tác tại một quốc gia khác phải giữ gìn đạo đức, tác phong, lối sống đẹp đúng qua đó tôn lên vẻ đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
“Từ đó sự việc tiếp viên, phi công Nhật Bản bị tam giữ do nghi ngờ buôn lậu hàng hóa ăn cắp từ Nhật Bản về Việt Nam là sự việc đáng tiếc, ở đây có trách nhiệm của Vietnam Airlines trong vấn đề quản lý nhân sự”, LS Triển cho biết.
Cũng theo LS Trần Đình Triển, nếu nữ tiếp viên, phi công của Vietnam Airlines bị kết luận có tội thì tùy theo hành vi vi phạm pháp luật cũng như quy định của luật pháp Nhật Bản để đưa ra hình thức xử lý thích đáng.
“Trong trường hợp vụ việc được điều tra làm rõ, tội buôn lậu hàng hóa ăn cắp được hình thành với mức độ nghiêm trọng thậm chí phải chịu hình phạt giam giữ khi đó sẽ dựa theo công ước quốc tế, dựa theo hiệp ước về luật pháp, tư pháp ký giữa Việt Nam và Nhật Bản để có thể xem xét áp dụng hình phạt tại Nhật Bản hoặc được đưa về Việt Nam", LS Triển phân tích.
Đồng quan điểm với LS Trần Đình Triển, Ths.LS Trương Anh Tuấn cho rằng, bất kỳ người nào dù có quốc tịch hay không có quốc tịch khi vi phạm phát luật tại nước nào đó đều phải chịu hình phạt xử lý theo quy định luật pháp của nước đó.
“Chủ yếu hình thức xử phạt tù thì việc áp dụng hình phạt ở đâu sẽ dựa trên hiệp định hỗ trợ tư pháp giữa nước mà công dân đó vi phạm với nước công dân đó mang quốc tịch. Ví dụ, nếu cấu thành hành vi phạm tội, phía Nhật Bản tuyên phạt phi công tiếp viên 3 năm tù nhưng căn cứ hiệp định hỗ trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản khi đó có thể sẽ cho phép tiếp viên, phi công được thực hiện hình phạt tù giam giữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, về hình phạt bao nhiêu năm tù, xử lý thế nào sẽ dựa vào luật pháp Nhật Bản, phán quyết phía Nhật Bản”, LS Tuấn phân tích.