Tại Diễn đàn phát triển xung lực mới cho quốc gia và lễ ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình - Trưởng ban nghiên cứu kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Hiệp hội dữ liệu quốc gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT đã đưa ra cảnh báo về sự tụt hậu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Bình: “Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này”.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW”. Các lãnh đạo, diễn giả, chuyên gia đầu ngành đã cùng bàn các giải pháp và chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Các diễn giả cũng khẳng định, ứng dụng khoa học công nghệ, AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT nhấn mạnh, trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, giáo dục cần phải đổi mới sâu sắc. Việc "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực sẽ thay đổi không chỉ cách học mà còn cả mục tiêu và nội dung của chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
"Là một bộ phận của Tập đoàn FPT, Khối Giáo dục chúng tôi đang đảm nhận trách nhiệm đào tạo khoảng 150.000 người học. Trước bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng và tinh thần đổi mới thể hiện rõ trong các Nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương, chúng tôi ý thức rất rõ rằng: giáo dục không thể tiếp tục vận hành theo cách của 3 đến 5 năm trước.
Chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức, điển hình là sự "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, dẫn tới sự thay đổi căn bản về cách học, nội dung học và mục tiêu học. Và đó mới chỉ là một khía cạnh.
Về mặt trách nhiệm, chúng tôi cho rằng điều cấp thiết hiện nay, cũng là tiền đề quan trọng cho diễn đàn này, là phải đặt lại câu hỏi: Nội dung chương trình đào tạo cần thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh mới? Nếu không có sự đổi mới sâu sắc trong giáo dục thì thế hệ trẻ sẽ thiếu hụt nhiều kỹ năng thiết yếu, không thể phát huy được vai trò trong thời đại mới", thầy Tùng bày tỏ.

Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank đánh giá từ góc độ của đơn vị, Nghị quyết 57 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho toàn xã hội – đặc biệt trong việc huy động và phát triển nguồn lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số.
Ông Tùng chia sẻ: "Chúng tôi đã và đang tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Bởi trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu chậm chân, chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn có nguy cơ bị thay thế.
Dù đã có chiến lược rõ ràng, nhưng khâu thực thi vẫn là một thách thức lớn. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự đồng bộ và toàn diện từ cơ chế, chính sách, thể chế cho đến văn hoá tổ chức. Vậy, yếu tố quyết định nằm ở đâu? Theo tôi, chính là ở con người. Tại VietinBank, chúng tôi cũng đặt con người làm trung tâm trong mọi định hướng phát triển".
Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ niềm trăn trở làm sao để kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân trong nước và nền kinh tế quốc gia? Bà Thủy nhìn nhận, Việt Nam có rất nhiều người tài, doanh nghiệp mạnh và đầy khát vọng nhưng "mọi thứ vẫn còn dàn trải, thiếu chiều sâu".
Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân bày tỏ sự vui mừng khi thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết mang tính nhất quán, xuyên suốt – từ khoa học công nghệ, chuyển đổi số cho đến ngoại giao kinh tế. Trong bối cảnh mới đó, yếu tố quyết định chính là con người – đội ngũ đủ năng lực để thực thi.
"Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục các nhiệm vụ hiện có, chúng tôi đang chủ động tham gia những công việc mang tính kết nối sâu sắc hơn – nhất là trong câu chuyện thực thi Nghị quyết 57. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, chúng ta cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới – những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại", bà Thủy nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế, Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: "Với chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn trăn trở trước câu hỏi: Chúng ta đã và sẽ làm gì để đạt được những mục tiêu lớn của đất nước trong giai đoạn mới? Trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi đang thực hiện những hành động cụ thể nhằm hướng tới ba mục tiêu cốt lõi:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức – tạo nên nền tảng tư duy chung giữa các cấp lãnh đạo, cán bộ và lực lượng nòng cốt.
Thứ hai, triển khai hành động – biến nhận thức thành những chương trình, kế hoạch thực tiễn rõ ràng.
Thứ ba, rà soát kết quả – liên tục đánh giá, điều chỉnh để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với thực tiễn".
Ông Nguyễn Văn Khoa – Chủ tịch VINASA, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch ASOCIO, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đánh giá, Nghị quyết 57 là một cuộc cách mạng mở ra cơ hội phát triển nhân lực khoa học công nghệ từ sớm.

"Tại FPT, chúng tôi đưa những bài toán lớn của doanh nghiệp và quốc gia vào trường học, giúp học sinh định hình vai trò tương lai như kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản trị khoa học công nghệ. Đây là nền tảng căn bản để nuôi dưỡng lực lượng nhân sự chiến lược cho nền kinh tế tri thức. Tôi tin rằng khi tốt nghiệp, các em sẽ có định hướng rõ ràng mình muốn trở thành ai, đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước", ông Khoa nhắn nhủ.
Tuy nhiên, theo ông, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57, chúng ta đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai. Và đó là lý do Liên minh Nhân lực Chiến lược ra đời. Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ tham gia Liên minh Nhân lực Chiến lược để mở rộng sức mạnh triển khai. Mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình nhìn nhận, những thay đổi quyết liệt, thần tốc mang tính lịch sử đang diễn ra ở Việt Nam. Ông cho rằng, không có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện được cải cách hành chính với tốc độ và quy mô như chúng ta. Đó chính là niềm tin vào Việt Nam – một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ. Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta buộc phải “vừa chạy vừa xếp hàng” – kể cả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ câu chuyện trên thực tế một số địa phương đã "lên tiếng" nhờ cung cấp "kỹ sư 57" - lực lượng giúp triển khai Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Con số 57 giờ đây không chỉ là một nghị quyết – mà là biểu tượng cho những thay đổi lớn lao và quyết liệt của đất nước. Yêu cầu đặt ra là phải đào tạo gấp, đào tạo thực tiễn, đào tạo trong thời gian chưa có tiền lệ", ông Bình nhấn mạnh.
Lực lượng "kỹ sư 57" không chỉ cần kiến thức chuyên môn, mà còn phải có hiểu biết đa dạng lĩnh vực để tham gia ngay vào chuyển đổi số cho các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau.
Trả lời câu hỏi: Một "kỹ sư 57" cần có những kỹ năng gì để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, các kỹ sư này cần không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Trường Đại học FPT đã triển khai một chương trình đào tạo mới, thiết kế dành riêng cho các sinh viên năm cuối và năm đầu để chuẩn bị cho các dự án thực tiễn.
Theo đó, chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới. Chương trình học này giúp sinh viên công nghệ thông tin giỏi chuyên môn, có tư duy quản trị dựa trên dữ liệu, vừa có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số, vừa có kiến thức nền tảng về hành chính công, quản trị công… - những phẩm chất cần thiết để một "kỹ sư 57" cần có để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh mới để hội nhập phát triển.
Họ có thể tham gia hỗ trợ các cơ quan nhà nước, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp thực thi Nghị quyết 57 cũng như các nghị quyết khác. Đây là lực lượng tinh nhuệ, sẵn sàng đồng hành cùng lực lượng chủ lực để “tác chiến” trên mặt trận chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.

Ông Lê Thanh Tùng cũng bày tỏ, về tri thức, các "kỹ sư 57" cần kiến thức nền tảng liên quan đến công nghệ như tự động hóa, dữ liệu lớn, AI, điện toán đám mây, an ninh mạng - những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng. Bên cạnh đó, cần có năng lực ngoại để tiếp cận tri thức và hội nhập quốc tế.
"Lực lượng này cũng phải có năng lực quản trị, từ quản trị bản thân, đội nhóm đến quản trị tổ chức dựa trên dữ liệu. Họ cũng cần khả năng tự học suốt đời, thích nghi nhanh, linh hoạt với môi trường biến động và đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo", ông Tùng nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy đánh giá nhóm nhân sự am hiểu khoa học công nghệ chuyên sâu hiện rất thiếu, cả ở khu vực công và tư.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân thiếu người quản lý có nghề, am hiểu chuyển đổi số. Trong khi đó, khu vực công đứng trước áp lực chuyển đổi mạnh mẽ, nhưng thiếu hụt về nguồn nhân lực. "Các khái niệm như quản trị dựa trên dữ liệu, lấy người dân làm trung tâm đang được đưa ra, nhưng câu hỏi là nguồn nhân lực nào thực hiện các chiến lược đó?", bà Thủy bày tỏ thêm.
Cũng theo bà Thủy, trên thực tế, gánh nặng chuyển đổi số đang được đặt lên vai lực lượng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nhiều nơi quên nhóm kỹ sư chuyên tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ - những người vừa am hiểu nghề, vừa có kiến thức, kỹ năng công nghệ. Họ là yếu tố sống còn trong bất kỳ chuyển đổi nào.

Theo đó, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất ba nhóm "kỹ sư 57" cần được đào tạo và phát triển: Kỹ sư khoa học công nghệ chuyên ngành; nhà quản trị và quản lý thông minh; chuyên gia phân tích nghiệp vụ. Bà Thủy cho rằng, đây là những lực lượng nòng cốt nếu chúng ta muốn thực thi Nghị quyết 57 một cách thực chất và hiệu quả.
Cùng chia sẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Huyền cho rằng, chức năng và nhiệm vụ của Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh là đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đối tượng đào tạo của đơn vị này không phải là những người trực tiếp thực hiện tương tác cụ thể với máy tính, mà là những lãnh đạo cấp chiến lược – lãnh đạo bộ ngành, địa phương.
Vì vậy, các lãnh đạo này cần phải hiểu sâu sắc về công nghệ và phải xác định đúng mục tiêu của các quá trình chuyển đổi. Sau khi xác định mục tiêu, họ sẽ xây dựng các kế hoạch đúng đắn, kiểm đếm, huy động nguồn lực tổ chức để triển khai quá trình đó, sau cùng là đánh giá và rà soát kết quả.
"Ngay sau khi Nghị quyết 57 ra đời, Giám đốc Học viện đã triển khai ngay nghị quyết này trong toàn hệ thống. Yêu cầu toàn bộ hệ thống thực hiện các công việc cụ thể: Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cho hệ thống của mình. Chính những người xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải hiểu sâu sắc về nội dung của Nghị quyết này.
Lập tức xây dựng chương trình bồi dưỡng về nội dung của Nghị quyết 57 cho những đối tượng khác nhau ở các bộ, địa phương và sở ngành. Mục tiêu là giúp các đối tượng này nắm vững những nội dung cần triển khai, đồng thời tổ chức triển khai công việc cụ thể và hiệu quả.
Học viện cũng đã thiết kế các chương trình bồi dưỡng chuyên biệt, trong đó có những nội dung cụ thể về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tổ chức các lớp học tại các địa phương", ông Huyền cho hay.

Ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, mọi thay đổi đều phải mang tính đột phá. Do đó, theo ông, "kỹ sư 57" cần có tư duy và hiểu luật, bởi ngoài những người học luật, kiến thức của phần còn lại về pháp luật khá hạn chế, thậm chí "đào tạo mãi không được".
"Trước đây, ở môi trường doanh nghiệp, chúng ta có thể triển khai những thứ pháp luật không cấm, còn khi tham gia chuyển đổi số cho các cơ quan nhà nước, chỉ có thể làm những cái được làm", ông Khoa chia sẻ.
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng khuyến nghị đưa kiến thức tư duy hệ thống vào chương trình giảng dạy. Bởi trước đây, chúng ta tập trung vào người dùng cuối, nhưng giờ đây cần mở rộng tầm nhìn, hướng đến doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2024 với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.