Đây là sự kiện quan trọng, góp phần phát triển nguồn nhân lực đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW, do Tập đoàn FPT phối hợp các bộ ban ngành, đơn vị tổ chức.
Tham dự chương trình có Thiếu tướng Phùng Đức Thắng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Huyền - Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV); ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng quản trị Vietinbank.
Về phía cơ sở giáo dục đại học có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội; Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT; Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Lương Thế Dũng - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã.
Về phía Tập đoàn FPT có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình - Trưởng ban nghiên cứu kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Hiệp hội dữ liệu quốc gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn; ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch ASOCIO, Tổng Giám đốc Tập đoàn; cùng các giám đốc nhân sự, công nghệ thông tin, truyền thông và văn hóa trong Tập đoàn.
Chương trình cũng có sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan, đại biểu, chuyên gia trong lĩnh vực và đông đảo các em sinh viên.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình - Trưởng ban nghiên cứu kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Hiệp hội dữ liệu quốc gia, Phó Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT chia sẻ thông điệp mạnh mẽ từ Nghị quyết 68-NQ/TW: “Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Tuy nhiên, theo ông, cuộc chiến ngày nay không còn là chiến tranh bằng vũ khí quân sự như quá khứ, mà là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông nhấn mạnh, để có thể đưa dân tộc xứng tầm với hàng ngũ các dân tộc tiên tiến trên thế giới, lực lượng lao động của Việt Nam trong tương lai "ai cũng phải biết tin học và trí tuệ nhân tạo". Bởi lẽ, để Việt Nam đạt được mức thu nhập cao so với các nước phát triển, thì cần phải tạo ra được những giá trị to lớn và khác biệt, điều đó chỉ có công nghệ mới có thể làm được.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình bày tỏ, nếu những năm 1945, Việt Nam ta cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế.
Do đó, hiện nay, chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân - như từng làm trong kháng chiến. Từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ, tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc. Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cũng gửi gắm thêm: “Từ lời Bác Hồ dạy Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải “dạy lịch sử dân tộc” cho người lính, thanh niên hôm nay cũng cần được hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và lòng tin vào tương lai Việt Nam tiên tiến. Hãy cùng nhau sáng tạo và đào tạo ra những thế hệ nhân lực AI mới. Khi thế giới lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm, thì Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành trung tâm nhân lực công nghệ toàn cầu. Đó là sứ mệnh, là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn nhất của chúng ta".

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Toạ đàm "Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi nghị quyết 57-NQ/TW".
Tọa đàm xoay quanh các giải pháp và chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực đủ năng lực, sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các diễn giả cũng đã khẳng định rằng ứng dụng khoa học công nghệ, AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Lễ ký kết và ra mắt liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Đại diện 5 đơn vị đã tham gia ký kết, bao gồm gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT.
Liên minh này sẽ góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, Liên minh góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT đã công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới như: Quản lý nhà nước và hành chính công, quản trị dữ liệu và an toàn thông tin, quản lý dự án và quản trị đổi mới, giáo dục và phát triển nhân lực số…
"Chúng ta đã và đang vượt qua nhiều thách thức, và tôi muốn nhấn mạnh một thách thức lớn tại Trường Đại học FPT – đó là, trong một thời gian ngắn, chúng ta phải đào tạo được một lực lượng đủ đông để đáp ứng cho những chuyển đổi mạnh mẽ sắp tới của quốc gia. Việc đào tạo số lượng lớn là một thách thức vô cùng quan trọng, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu mà nhà trường đã xác định", thầy Tùng cho hay.
Nội dung đào tạo của chương trình này được thiết kế xoay quanh hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm các yếu tố nhà nước, doanh nghiệp, kinh tế số, tài chính số, và tiếp thị số. Nhóm năng lực cốt lõi sẽ hướng đến việc hình thành khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở tầm hệ thống – điều thiết yếu cho nguồn nhân lực trong tương lai.