Đài VOA Cambodia ngày 19/5 cho hay, Nga có khả năng sẽ chấp nhận một thỏa thuận với ASEAN về vấn đề Biển Đông được đưa vào Tuyên bố Sochi sau hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN đang diễn ra.
Một bản sao dự thảo của Tuyên bố Sochi mà VOA Khmer thu thập được cho biết, ngày 7/5 Nga và ASEAN đã thống nhất xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích chung, bao gồm các lĩnh vực an ninh, thương mại, xã hội, y tế và môi trường.
Trung tâm Hội nghị Sochi, nơi đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN, ảnh: Spunik News. |
Đài này bình luận, việc Moscow tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi là một nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Đông Nam Á. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thăm Việt Nam và tăng cường quan hệ hai nước.
Nó cũng diễn ra chỉ 1 tuần sau khi chiến hạm Hoa Kỳ USS William P. Lawrence tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nơi Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa (bất hợp pháp).
Dự thảo Tuyên bố chung Sochi dự kiến sẽ được thông qua ngày mai 20/5, trong đó nhấn mạnh:
Nga và ASEAN đồng ý đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thúc đẩy tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nga và ASEAN cũng đồng ý hỗ trợ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm kết thúc đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận.
Bình luận đáng chú ý của Ngoại trưởng Nga về Biển Đông |
Campuchia và Lào đang nhận một lượng lớn viện trợ tài chính từ Trung Quốc những năm qua. Có thể hai nước sẽ cảm thấy khó khăn nếu được yêu cầu cam kết thực hiện các nội dung trong Tuyên bố Sochi, VOA Cambodia lưu ý.
John Ciorciari, một Giáo sư về Chính sách công Đại học Michigan nhận định, Putin và Nga đang tìm cách tìm lại một số vai trò và tầm vóc hiện diện toàn cầu trong quá khứ.
"Các công ty quốc phòng Nga cũng đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Nga là một đối tác phù hợp với nhiều nước ASEAN đang cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ và khả năng phòng thủ trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Quan hệ với các cường quốc khác như Nga và Ấn Độ có thể giúp ASEAN nâng cao vai trò vị thế của mình với các khuôn khổ đa phương, giúp các thành viên ASEAN tránh được việc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc", Giáo sư Ciorciari bình luận.
Ou Virak, người sáng lập Diễn đàn Future cho hay, ông lo ngại bởi mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Campuchia với cả Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Hun Sen đang ở thăm Nga đã viết trên Facebook cá nhân rằng, Campuchia hy vọng sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Nga.
"Trong trường hợp này, tôi thấy rằng chúng ta không thể tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, và nếu như vậy Đông Nam Á sẽ là khu vực nóng nhất. Campuchia là một quốc gia nhỏ bé sẽ trở thành con tốt nếu như không thận trọng", ông Ou Virak nhận định.
Trước đó đài VOA tiếng Trung Quốc cho rằng, nhiều khả năng Nga gạt Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN tại Sochi.
Đặc biệt là trước đó hôm 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có một số phát biểu gây tranh cãi về Biển Đông được cho là ủng hộ lập trường của Trung Quốc hòng chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA xung quanh vụ kiện Biển Đông.