Việt Nam có quỹ đạo của riêng mình

19/05/2016 10:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Từng phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, không thể lựa chọn nước láng giềng cho mình, nhưng chắc chắn Việt Nam có thể "chọn bạn mà chơi".

Học giả James Borton, giảng viên Viện Walker Đại học South Carolina ngày 18/5 có bài bình luận trên The Washington Times về trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung được phản ánh trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5. Ảnh: english.alarabiya.net.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5. Ảnh: english.alarabiya.net.

Ông cho rằng, chuyến thăm Việt Nam 3 ngày của Tổng thống Mỹ là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Không thể chọn hàng xóm, có thể chọn bạn bè

Trong khi Việt Nam, một quốc gia đã từng phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, không thể lựa chọn nước láng giềng cho mình, nhưng chắc chắn Việt Nam có thể "chọn bạn mà chơi".

Dù từng ở hai đầu chiến tuyến do những nguyên nhân lịch sử, ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ lợi ích chiến lược chung.

Điều này có thể chuyển hướng quỹ đạo hợp tác an ninh trên khu vực Biển Đông (mà Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp. Trong 6 tháng cuối cùng trên cương vị ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Obama dự định sẽ cho mọi người thấy rõ, Việt Nam là một trung tâm trong chiến lược "xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương" mà chính quyền của ông đưa ra.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama chính là một phần của chính sách ấy. Bởi vậy chẳng có gì phải bận tâm về việc tại sao gần kết thúc nhiệm kỳ ông Obama mới sang thăm Việt Nam, James Borton lưu ý.

Về cơ bản, Nhà Trắng thừa nhận rằng chuyến đi này là cơ hội cuối cùng của ông Obama để tỏa sáng với kế hoạch xoay trục được bàn đến từ rất lâu nhưng bị trì hoãn bấy nay.

Việt Nam có quỹ đạo của riêng mình ảnh 2

Truyền thông Trung Quốc bình luận việc Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam

(GDVN) - Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng mục đích chuyến công du này của ông chủ Nhà Trắng là "củng cố liên minh chống Trung Quốc".

Trong 2 nhiệm kỳ, ông Obama đã cố gắng thoát khỏi sự hỗn loạn của Trung Đông và tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động.

Hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Việt Nam đang ngày càng xích lại gần nhau hơn bởi sự gia tăng ảnh hưởng, sức mạnh kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc, đặc biệt là hành vi ngày một phiêu lưu của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Do đó việc truyền thông Việt Nam đưa tin về chuyến thăm với hơn 1000 người tháp tùng Tổng thống Obama, trong đó có nhiều quan chức doanh nghiệp có thể xem như một thước đo của sự gần gũi trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Từ sân bay Quốc tế Nội Bài về trung tâm Hà Nội, phái đoàn cấp cao Hoa Kỳ sẽ chứng kiến sự hồi sinh và những biểu tượng hợp tác giữa hai nước như nhà máy mới của Ford, các biển quảng cáo của hãng Nike hiện diện trên khu vực từng hứng chịu các trận bom Mỹ oanh tạc trong Chiến tranh.

Không theo Trung Quốc chẳng theo Mỹ, Việt Nam có quỹ đạo của riêng mình

Ảnh hưởng kinh tế và quyền lực mềm của Trung Quốc có thể xem là đại diện cho một điểm thu hút, nhưng qua các cuộc đàm phán các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tỏ rõ, Việt Nam duy trì sự độc lập của mình, không theo quỹ đạo của bất cứ nước nào, dù là Trung Quốc hay Hoa Kỳ.

Việt Nam chào đón các hoạt động hợp tác, đầu tư của Mỹ và rất thiện chí xúc tiến đàm phán, ký kết Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ khởi xướng mà không bao gồm Trung Quốc. Mặc dù tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải cải cách nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, tăng tính minh bạch và vấn đề quyền con người theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và các cố vấn của ông đang tìm kiếm một sự hợp tác lớn hơn từ Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực.

Việt Nam có quỹ đạo của riêng mình ảnh 3

Việt Nam có thể khai thác được gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?

(GDVN) - Mỹ là nước duy nhất có thể lập lại trật tự trên Biển Đông trước hành động leo thang của Trung Quốc. Do đó Việt Nam nên tận dụng tối đa.

Đặc biệt là kể từ khi Trung Quốc bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa các bãi đá và rặng san hô (Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), cũng như bố trí (bất hợp pháp) máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm ở Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Sau cuộc khủng hoảng do Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, chính quyền Tổng thống Obama quyết định nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Việt Nam có thể mua các tàu tuần tra của Mỹ để trang bị cho Cảnh sát biển. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã ủng hộ mạnh mẽ quyết định này. Chính tình hình căng thẳng trên Biển Đông đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển gần gũi hơn.

Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện gần đây, ông Ash Carter đã trình bày về khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi toàn bộ Biển Đông của máy bay Trung Quốc trên các căn cứ mới, phạm vi ảnh hưởng bao gồm miền Bắc Philippines và lãnh thổ Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hợp tác mua bán quốc phòng giữa hai nước.

Giáo sư Carl Thayer từ Úc được The Washington Times dẫn lời nhận định:"Quan hệ an ninh quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển là kết quả của một sự hội tụ các lợi ích trên Biển Đông giữa hai nước."

Cũng như các nước khác trong khu vực, Việt Nam đang tìm kiếm cam kết của Hoa Kỳ rằng, Mỹ sẽ cân bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

Học giả James Borton, ảnh: walkerinstitute.sc.edu.
Học giả James Borton, ảnh: walkerinstitute.sc.edu.

Mặc dù bạo lực vẫn tiếp diễn ở Trung Đông và có cảm giác không chắc chắn gây ra bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tuy nhiên Tổng thống Obama và cộng sự rất quan tâm trấn an các đồng minh và đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam, về cam kết của Mỹ đối với khu vực.

James Borton cho rằng, nhiều khả năng trong chuyến thăm này của ông Obama, phía Mỹ cũng sẽ đề nghị Việt Nam cho Hải quân Mỹ tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh nhiều hơn, một cảng nước sâu chiến lược quan trọng nếu nổ ra một cuộc khủng hoảng trên Biển Đông.

Hồng Thủy