Iran và nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran vào cuối tháng 3 vừa qua. Thỏa thuận này sẽ tạo ra các tiền đề chính trị để hai bên ký kết thỏa thuận chính thức dự kiến vào ngày 30/6 tới.
Theo thỏa thuận sơ bộ, các nước phương Tây sẽ từng bước gỡ bỏ lệnh cấm vận và trừng phạt đối với Iran. Đổi lại, Tehran sẽ kiềm chế một phần chương trình hạt nhân của mình.
Mặc dù thỏa thuận chính thức chưa được ký kết, nhưng Nga đã hành xử như thể mọi việc đã xong, tờ Business Insider bình luận ngày 13/4 sau khi Moscow công bố kế hoạch chuyển giao hệ thống S-300 đầu tiên cho Tehran.
S-300. |
Ngày 13/4, Kremlin công bố ý định sẽ chuyển giao hệ thống S-300 đầu tiên cho phía Iran theo hợp đồng đã ký kết từ năm 2007, nhưng hoạt động giao hàng đã bị trì hoãn dướp áp lực quốc tế và lệnh cấm vận chống lại Tehran của Hội đồng Bảo an LHQ và các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Lầu Năm Góc, Israel và Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối ý định này của Moscow vì cho rằng nó sẽ không có lợi cho tiến trình đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tom Nichols, một giáo sư tại trường Naval War College và là chuyên gia về các vấn đề của Nga nói với tờ Business Insider, tuyên bố trên của Moscow xuất hiện trong bối cảnh hiện nay giống như một đòn mạnh giáng vào tính hiệu quả của chính sách hiện nay của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu và Nga, Iran nói riêng.
"Hợp đồng này đem lại cho Nga nhiều tiền và hệ thống phòng thủ mà Iran đang rất muốn có... Đó là điều sẽ xảy ra khi các quốc gia khác trên thế giới cảm thấy họ có thể hành động như thể Mỹ không tồn tại", ông Nichols nói.
Theo ông, quyết định chuyển giao S-300 cho Iran là dấu hiệu cho thấy Moscow và Tehran muốn nhấn mạnh thực tế rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích, không bị ảnh hưởng bởi Mỹ.
S-300 có tầm bắn khoảng 93 dặm và có thể tấn công các mục tiêu di chuyển ở độ cao tới 27.000 mét. S-300 có thể giúp các cơ sở hạt nhân của Iran được bảo vệ tốt hơn ngay cả trong trường hợp Mỹ và các đồng minh rút quyết định không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Tehran nữa.
Nó cũng có thể cho phép các đồng minh của Iran như chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria hoặc Hezbollah tại Li-băng tấn công các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Israel hoặc bảo vệ các cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự quan trọng của họ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Israel đã nhiều lần tấn công các vị trí của Hezbollah và các đoàn xe chở vũ khí cũng như căn cứ quân sự của chính quyền Assad bằng các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria hoặc thông qua Li-băng.
Tuy nhiên, nếu Iran sở hữu S-300, Tehran sẽ không ngồi yên chứng kiến Israel tiếp tục các hoạt động tương tự chống lại các đồng minh thân cận của mình.
Ngoài việc bán S-300, ngày 13.4 Nga cũng tuyên bố đã giành được một thỏa thuận thương mại với Iran mà theo đó, Nga sẽ đổi thiết bị và thực phẩm cho Iran để lấy 500.000 thùng dầu mỗi ngày. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ngay sau khi Iran được gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ./.