Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra cuối giờ chiều ngày 3/11, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, liên quan tới tình hình kinh tế-xã hội, trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.
Vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong vấn đề này như xăng A92 giả, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; tình trạng hàng hóa sản xuất ở nước ngoài gắn mác sản xuất tại Việt Nam và ngược lại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam gắn mác nước ngoài để bán, gây tổn hại đến sản xuất trong nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngăn chặn tình trạng hàng hóa sản xuất ở ngoài nước lấy nhãn mác trong nước. ảnh: VGP. |
Vụ việc gây chú ý nhiều nhất của dư luận xã hội những ngày vừa qua là KhaiSilk bán hàng khăn lụa Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xác nhận, liên quan tới sự việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Khaisilk trong kinh doanh các sản phẩm lụa tơ tằm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/12/2017.
Đồng thời, các cơ quan thông tấn, báo chí, các hiệp hội ngành, nghề đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật, về những nguy hại của hành vi gian lận xuất xứ, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm, các làng nghề truyền thống; kịp thời lên án, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ uy tín quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ Khaisilk làm tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc |
Trước đó trao đổi với báo chí tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Trần Tuấn Anh chia sẻ: “Những hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Qua hành vi vừa rồi mà báo chí phản ánh và hoạt động về kinh tế, thương mại của doanh nghiệp Khaisilk thì có những dấu hiệu cho thấy sự vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp”.
Khi vụ việc nổ ra, ông Hoàng Khải - Chủ thương hiệu Khaisilk đã lên báo phân bua rằng, lâu nay mảng kinh doanh khăn lụa không còn được chú trọng và việc nhập khăn Trung Quốc là do nhân viên làm.
Đề cập tới giải thích này, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Nói như vậy không khác gì câu chuyện cái gì cũng đổ cho người đánh máy. Đây là việc không chấp nhận được, dù cho là đổ cho cấp dưới cũng không được, không tương xứng với danh hiệu, thương hiệu.
Thương hiệu càng lớn thì lỗi lầm càng lớn và phải bị xử lý càng nặng. Ông chủ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất".
Ông Dương Trung Quốc đánh giá, vụ bê bối Khaisilk cho thấy công tác quản lý thị trường quá lỏng lẻo và công tác giám sát của các cơ quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa tốt nên mới xảy ra tình trạng “treo đầu dê bán thị chó” nhiều năm như vậy mà không bị phát hiện.
Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý chặt để ngăn chặn những trường hợp khác, vì hám lợi làm liều thì người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào hàng Việt.
Còn theo phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, hành vi giả mạo xuất sứ sản phẩm của KhaiSilk sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 tùy theo mức độ của hành vi.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018), tổ chức thực hiện hành vi trên còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội sản xuất, mua bán hàng giả.
Pháp nhân thương mại về tội sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị áp dụng vào điều 192 về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.