Ngăn chặn nguy cơ tự tử của học trò sau thất bại thi cử

06/06/2012 06:04
Châu Long (Theo Indiastudychannel)
(GDVN) - Mỗi khi kỳ thi tới, biết bao cô cậu học trò vùi đầu vào sách vở và gửi gắm trong đó nhiều hi vọng. Song sự nỗ lực hết mình ấy luôn đi kèm áp lực tâm lý đè nặng lên tâm hồn còn quá non nớt của các em. Chỉ một lần thất bại, không ít bạn tìm đến cái chết như một “lối thoát” để trốn tránh nỗi sợ thua kém bạn bè, sự thất vọng của gia đình và sự chê bai của hàng xóm láng giềng.

Những cái chết đột ngột và thương tâm như thế đang là nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội khi tỷ lệ học sinh tự tử sau kỳ thi mỗi năm ngày một tăng lên. Liệu có cách nào để ngăn chặn kịp thời hành vi bồng bột, thiếu suy nghĩ ấy ở lứa tuổi học trò?

Áp lực thi cử có thể khiến các cô cậu học trò làm điều dại dột (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Áp lực thi cử có thể khiến các cô cậu học trò làm điều dại dột (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Khi một ngày thi chưa kịp kết thúc, không ít người giật mình trước thông tin về một cô, cậu học sinh nào đó tự tử trên cầu, treo cổ trong nhà hay uống thuốc sâu và để lại những mảnh giấy gửi gắm lời xin lỗi tới ba mẹ trong ngập tràn nước mắt. Con số này nhân lên khi các trường báo điểm và danh sách thí sinh trúng tuyển. Thậm chí, còn chưa kịp chờ đến giờ phút ấy, nhiều em đã vội ra đi vì quá lo âu và sợ hãi sự thất bại. Phần lớn các em cho rằng thi trượt là một thảm hoạ lớn, một sự thất bại thảm hại trong cuộc đời mình. Càng những em bỏ ra nhiều công sức đèn sách thì suy nghĩ ấy càng nặng nề. Và mỗi một sinh mạng mất đi là một lần mẹ cha quặn lòng thương xót, cũng là một lần đất nước mất thêm những mầm non sẽ trưởng thành và xây dựng quê hương sau này.
Nếu quan sát vấn đề này tại Nhật Bản, có thể thấy đất nước với nền giáo dục thịnh vượng hàng đầu Châu Á này đang giải quyết khá tốt tình trạng học sinh tự tử vì áp lực học hành và thi trượt. Có thể coi đây là một ví dụ điển hình để các nhà trường học tập, áp dụng trong việc ngăn chặn kịp thời những cái chết thương tâm. Dưới đây là các phương pháp đã được Nhật Bản tiến hành trong giáo dục.
  1. Trang bị cho học sinh vốn kiến thức vững vàng nhất trước kỳ thi.

Trước kỳ thi, thầy cô luôn phân tích rõ cho học sinh những lý do có thể khiến các em không đạt được kết quả như ý muốn. Phần lớn trong đó là do các em chưa học tập một cách hiệu quả và còn hổng nhiều kiến thức. Các em sẽ được hỗ trợ tìm ra phương pháp học tối ưu. Việc học sinh được cảnh báo trước rằng, nếu không cố gắng hết mình thì sẽ bị trượt, và nếu trượt thì còn cơ hội ở những lần thi khác sẽ giúp các em chuẩn bị tâm lý và luôn để sẵn cho mình những phương án dự trù trong hoàn cảnh xấu nhất. Điều quan trọng vẫn là trang bị vốn kiến thức vững vàng và tự tin bước vào phòng thi.

  1. Phát huy sức mạnh của những bài học đạo đức trong nhà trường.

Học sinh ngày nay thường bỏ qua tầm quan trọng của các bài học đạo đức về nhân cách con người và giá trị của cuộc sống. Các em có lối suy nghĩ thực dụng từ quá sớm, bị choáng ngợp trước sự giàu có và phồn hoa của thế giới bên ngoài. Mọi loại nguyên lý thị trường, mọi sản phẩm công nghệ xa xỉ chẳng mấy mà đến tay các em, nhưng ý nghĩa của cuộc sống và giá trị của sinh mạng đôi khi lại bị coi là mớ lý thuyết giáo huấn thừa, khiến tâm hồn các em thiếu đi nét lạc quan và trân trọng sự tồn tại của bản thân. Kịp thời ghi sâu vào tâm hồn các em ý nghĩa về sự tồn tại của chính mình đồng nghĩa với việc ươm mầm bản lĩnh và sức mạnh để các em dũng cảm vượt qua sau mỗi lần vấp ngã.

  1. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo cho học sinh

Nhà trường cần tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt định kỳ với học sinh. Thông qua đó, thầy cô sẽ chuẩn bị những tình huống bất ngờ để các em làm quen với vấn đề và định hình cho mình một cách ứng phó phù hợp. Thất bại trong thi cử, áp lực học tập hay vấp ngã trong tình yêu, tình bạn tuổi học trò đều là những tình huống phổ biến mà nếu học sinh đã được thực tập từ trước thì khi thực sự giáp mặt với nó, các em sẽ không còn quá bỡ ngỡ. Mô hình giáo dục này là một phương pháp điển hình trong việc hỗ trợ học sinh vượt qua thất bại.

  1. Ngay lập tức tổ chức các hội đồng tư vấn cho học sinh sau kỳ thi.

Nhà trường không khó để khoanh vùng đối tượng học sinh “đuối” trong kỳ thi. Nhóm học sinh này có nguy cơ suy nghĩ và hành động tiêu cực rất cao. Do đó, việc chủ động gần gũi, động viên và định hướng cho các em là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, khi kết quả thi đã được công bố rõ ràng thì cần gặp gỡ riêng các học sinh thi trượt sớm nhất có thể. Chỉ cần không để các em một mình, cộng với việc giúp các em vạch ra con đường đi khác cũng dẫn tới thành công mà các em kỳ vọng, chắc chắn sẽ khiến những kết cục đáng buồn không còn tái diễn.

  1. Phụ huynh cùng chung tay bảo vệ con em mình.

Cha mẹ luôn là nguồn động viên tinh thần lớn lao mà các em dựa vào. Trở thành niềm tự hào của cha mẹ cũng là khát khao cháy bỏng của nhiều bạn trẻ. Thế nên trước thất bại đầu đời của con, thay vì la mắng, khiển trách, các bậc phụ huynh nên giành nhiều thời gian hơn cho con khi các em không đạt được điều mình mong muốn. Trước kỳ thi, sự nghiêm khắc đối với con em là điều cần thiết, nhưng sau đó, chính cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng hơn, bởi sự quở trách không thể thay đổi được kết quả đã rõ mồn một, mà đôi khi còn là nguồn cơn của những số mệnh sớm tàn. Phụ huynh cần cùng con tìm ra nguyên nhân của thất bại và giúp các em vơi đi nỗi thất vọng, tự trách móc bản thân mà chính các em đang dùng để trừng phạt mình. Gia đình hãy là nơi để học sinh trở về khi vấp ngã, và lại từ đó mà mạnh mẽ đứng lên, rẽ cuộc đời sang những con đường khác với ý chí mạnh mẽ về thành công trong tương lai.


Châu Long (Theo Indiastudychannel)