LTS: Vừa qua, ngày 7/6, tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn về việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học.
Theo dõi toàn bộ nội dung các đại biểu Quốc hội chất vấn và phần trả lời của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thông qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả Hướng Sáng - một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đại học có một vài chia sẻ.
Toà soạn trân trọng giới thiệu những chia sẻ của tác giả Hướng Sáng.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có đề cập đến tính ứng dụng, kết quả thiết thực của các đề tài nghiên cứu.
Tôi cho rằng, về vai trò của khoa học và công nghệ thì diễn đàn nào, diễn văn nào cũng rất hay. Trích dẫn các câu nói từ kinh điển đến những người có tiếng thì câu nào cũng hay thật là hay. Và cũng chính vì những câu nói hay như vậy nên nhiều khi cũng dẫn đến mơ mộng.
Đôi khi kì vọng quá cao xa vào khoa học và công nghệ, rồi đem soi vào thực tế đời sống, với những bất cập thường ngày để rồi cảm thấy thất vọng, thậm chí quay sang phủ nhận ngay cả các giá trị từ những học thuyết, lí thuyết nền tảng…
Cũng có người cho rằng đề tài khoa học chỉ để trang trí, để phục vụ thi đua – khen thưởng, nhằm hướng đến thành tích khoa bảng mà thôi.
Trong thực tế, điều đó cũng có, nhưng không phải là bản chất và phổ biến.
Từ trước đến nay, loài người luôn khát khao tìm hiểu, khám phá các quy luật tự nhiên và vận dụng vào cuộc sống.
Trong các hoạt động xã hội cũng như trong nghiên cứu khoa học, con người luôn sử dụng các phương pháp khoa học để đo lường mọi thứ từ nhỏ đến to, nhưng ngược lại đóng góp của khoa học và công nghệ đối với xã hội thì đến nay vẫn chưa có thang đo nào được cho là phổ biến và thuyết phục.
Ảnh minh họa: Kim Chi |
Khi nói về vai trò của khoa học và công nghệ, Nghị quyết 02-NQ/HNTW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) khẳng định: "Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội....".
Nghe ra thì vai trò của khoa học công nghệ rất là to lớn, nhưng từ chủ trương đến thực tế vẫn còn tuỳ thuộc vào nhận thức của từng địa phương cũng như từng cơ quan, tổ chức, cấp, ngành… Khi nhận thức về khoa học và công nghệ còn chưa nhất quán thì khó thành “động lực”.
Những phê phán về hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua là do đâu?
Xuất phát từ các văn kiện của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định “Khoa học và Công nghệ là quốc sách hàng đầu”, nên hàng năm, lĩnh vực này được đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách nhà nước và trong đó có một phần dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh các thành tựu có ý nghĩa thiết thực, trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chưa đem lại hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát... với các nguyên nhân khác nhau như có trường hợp làm sai là do các quy định quản lý lỗi thời, nhưng cũng có trường hợp sai phạm vì lợi dụng kẽ hở của pháp luật để vụ lợi…
Chính vì những tiêu cực trong hoạt động khoa học và công nghệ đã làm cho uy tín của ngành, của tổ chức và ngay cả những người hoạt động khoa học và công nghệ cũng không còn “lung linh” như trước đây.
Vì tồn tại tiêu cực ngay trong ngành được xem là khách quan, trung thực, nên nhiều người đã tỏ ra mất niềm tin, lên tiếng phê phán.
Mặc dù thực tế không thể chối cãi về những hiện tượng tiêu cực, nhưng điều đáng nói là xã hội phê phán rất nhiều, nhưng hiểu đúng bản chất vấn đề thì cũng không phải là phổ biến.
Chúng ta biết, trong nghiên cứu khoa học được chia ra thành 2 loại (1) nghiên cứu cơ bản chủ yếu là hoạt động nhằm mục tiêu làm giàu tri thức cho nhân loại và (2) nghiên cứu ứng dụng chủ yếu vận dụng lí thuyết để tìm ra phương pháp mới, mô hình mới, công nghệ mới… phục vụ đời sống, xã hội.
Từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng và đến áp dụng vào thực tế cũng phải trải qua một quá trình khá dài.
Và không thể và cũng không nên có 1 chủ nhiệm đề tài hay 1 tổ chức chủ trì nào trong vài năm có thể thực hiện được tất cả.
Do vậy, câu hỏi “có bao nhiêu đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế” là rất cần, nhưng quan trọng hơn là nên hỏi ai?
Chúng ta khẳng định “Khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội", nhưng các cơ quan, tổ chức, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước đã quan tâm đến việc ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ như thế nào?
Khi các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa xem khoa học và công nghệ là “động lực” thì dù cho ngành Khoa học và công nghệ có cố gắng đến chừng nào cũng khó có thể đem sản phẩm của mình nghiên cứu ra ứng dụng vào thực tế.
Hiện nay, ngành Khoa học và công nghệ chỉ có thể chủ động với các chính sách khuyến khích phát triển lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, với các sản phẩm đầu ra là công bố trên các tạp chí uy tín.
Lĩnh vực này chủ yếu là đóng góp cho kho tàng tri thức chung của nhân loại, và ở đó cũng có thể làm giàu cho những quốc gia, những tổ chức thực sự coi trọng và theo đuổi mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.
Khi doanh nghiệp của chúng ta vẫn quen và tin dùng công nghệ của nước ngoài thì chắc chắn cũng sẽ giúp cho khoa học và công nghệ của các nước đó phát triển và thậm chí chúng ta cũng phải chịu phụ thuộc công nghệ của họ lâu dài mà thôi…
Nếu cần hỏi ngành Khoa học và công nghệ thì nên hỏi, ngành Khoa học và công nghệ tham mưu xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ đã nắm rõ ngọn ngành, gốc rễ của vấn đề, vậy tại sao những bất cập trong quản lí nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp từ trước đến nay vẫn loay hoay với các sản phẩm trung gian mà chủ yếu là các báo cáo chuyên đề, vừa không khoa học vừa phải chất đầy “các ngăn kéo”?
Để rồi chính những người làm quản lí khoa học và công nghệ cũng không còn tin các nhà khoa học, mà sự thật có ai làm khoa học mà muốn “chế tạo” các thứ chẳng phải là khoa học đó đâu.
Có phải vì ngành tài chính chưa chịu thay đổi các quy định, nên ngành Khoa học và công nghệ đành chấp nhận để các nhà khoa học phải đối phó và chịu tai tiếng về sản phẩm đầu ra của đề tài khoa học là để chất đầy các “ngăn kéo” chăng?
Tại sao, trong thẩm quyền của ngành, không đặt hàng 1 nhiệm vụ tầm cấp nhà nước để nghiên cứu tìm ra các giải pháp khả thi khắc phục vấn đề bất cập kể trên?
Rõ ràng rằng, nghiên cứu cơ bản là tạo ra sản phẩm khoa học, công bố trên các diễn đàn học thuật uy tín, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.
Trong khi nghiên cứu khoa học ứng dụng là tạo ra sản phẩm ứng dụng có tính sáng tạo, hữu ích, có địa chỉ để giới thiệu, chuyển giao.
Mỗi lĩnh vực đều có giá trị riêng và cả 2 đều cần ngân sách nhà nước đầu tư. Còn để đem các sản phẩm nghiên cứu ra ứng dụng cần phải có sự tham gia của nhiều bên, và cần phải có thị trường khoa học và công nghệ, trong đó doanh nghiệp phải là trung tâm.
Khi cả 3 “công đoạn” được gắn chặt thì khoa học và các nhà khoa học mới thực sự có đóng góp thiết thực.
Tiếp cận từ bản chất, khoa học mới đóng góp thực sự ý nghĩa
Luật Khoa học và Công nghệ định nghĩa “Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy” còn “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.
Như vậy, khoa học và công nghệ là hai khái niệm có liên quan mật thiết, nhưng có tính độc lập không nên lẫn lộn mỗi khi chúng đi cùng.
Để hoạt động khoa học và công nghệ thực sự đúng nghĩa, chúng ta cần phải có lực lượng trí thức, có năng lực, được đào tạo bài bản và có môi trường hoạt động chuyên nghiệp.
Một người nông dân cũng có sáng kiến, có thể chế tạo ra các sản phẩm có giá trị, có lợi ích thiết thực, rất đáng tán dương, nhưng đừng đánh đồng đó cũng là hoạt động khoa học và công nghệ.
Đừng so sánh một công trình nghiên cứu công phu, bài bản được công bố trên các tạp chí khoa học hàng đầu với một sáng kiến của một kĩ sư hay một người nông dân, bằng cách dựa vào những ích lợi của sản phẩm…
Một câu hỏi bâng quơ của một người lãnh đạo dành cho một nhà khoa học rằng “Chi phí chừng đó cho 1 đề tài nghiên cứu thì lợi ích thu về sau 2 năm là bao nhiêu?” Hay một câu khẳng định đanh thép của một doanh nghiệp từng trải trên thương trường rằng “Nghiên cứu để mà làm gì, chi bằng mua công nghệ của các nước về dùng có phải rẻ hơn không, hiệu quả kinh tế hơn không?”…
Những câu như vậy dù không phổ biến, nhưng đang tồn tại trong xã hội. Và dù rất nhỏ, nhưng tác hại thì rất lớn.
Ngay ngày hôm nay, chúng ta phê phán về những bất cập trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lí khoa học và công nghệ cũng như phàn nàn về những thành tựu còn hạn chế của ngành.
Và dĩ nhiên, đó chính là kết quả của một quá trình từ đào tạo đến chính sách sử dụng nguồn lực khoa học và công nghệ của đất nước từ trước đến nay.
Có một thực tế cũng cần phải xem xét từ bản chất, khoa học cơ bản luôn là nền tảng... Thế nhưng, giờ đây, nhiều ngành khoa học cơ bản của nước ta đang trong tình trạng "sống dở chết dở".
Vậy lấy đâu ra nhân tài để “kích nổ” như Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân vừa chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ?
Cho nên quan tâm đến khoa học và công nghệ rất cần nhưng để “khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội” thì cần quan tâm từ bản chất của vấn đề, tránh chỉ nhìn vào các hiện tượng!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.