Nhân ngày KHCN: Kiến nghị cần cấp thiết phải “cứu” các ngành khoa học cơ bản

18/05/2023 06:47
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước mắt cần ưu tiên “cứu” các ngành khoa học cơ bản bằng chính sách tuyển sinh, đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Hằng năm đến tháng 5, cả nước tổ chức lễ kỉ niệm và tôn vinh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Đó là việc làm cần thiết, nhưng bức thiết hiện nay vẫn phải là chăm lo cho đội ngũ trí thức chân chính, đồng thời cấp bách hơn nữa là phải có chính sách kịp thời “cứu” các ngành đào tạo về khoa học cơ bản. Nếu không, những nỗ lực của hôm nay đối với khoa học và công nghệ cũng chỉ là hình thức.

Ý nghĩa của ngày kỉ niệm

Kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua năm 2013, quy định ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các hoạt động chào mừng kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ hàng năm được tổ chức trên toàn quốc. Đến nay cũng đã được 10 năm.

Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay rất ý nghĩa, đánh dấu kỉ niệm 60 năm (18/5/1963-18/5/2023) ngày Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, với câu nói được trích dẫn nhiều đó là "Khoa học phải gắn với thực tiễn, phải từ thực tiễn và quay lại phục vụ chính thực tiễn, phải đáp ứng nhu cầu của sản xuất, phục vụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và nâng cao đời sống vật chất của nhân dân...".

Và chủ đề chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay được xác định là “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa Việt Nam”; “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”; “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”. Đây là những thông điệp rất ý nghĩa.

Hằng năm hưởng ứng, tuyên truyền về Ngày Khoa học và Công nghệ là các hoạt động hướng đến biểu dương và tôn vinh các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi bật, thu hút các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ… nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong tương lai.

Với mục đích của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam được xác định như vậy, nhìn ở khía cạnh sâu xa thật là ý nghĩa.

Ngành khoa học cơ bản cần được hỗ trợ bằng chính sách tuyển sinh, đào tạo bậc đại học và sau đại học. (Ảnh: Daidoanket.vn)

Ngành khoa học cơ bản cần được hỗ trợ bằng chính sách tuyển sinh, đào tạo bậc đại học và sau đại học. (Ảnh: Daidoanket.vn)

Nhìn nhận từ thực tế

Đánh giá chặng đường 10 năm thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ, ngành Khoa học Công nghệ có thể kể ra được nhiều thành tựu.

Khi đánh giá thành tựu của khoa học và công nghệ, thường thì nhấn mạnh đến những thành quả về tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,… và tất nhiên rằng, trong những thành tựu đó không thể thiếu đóng góp của khoa học và công nghệ.

Trong các báo cáo, ngành Khoa học công nghệ thường thống kê các con số cụ thể như số lượng sàn giao dịch công nghệ, vườn ươm công nghệ, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp... đến số lượng các nhiệm vụ khoa học công nghệ, số lượng công bố quốc tế, số lượng các sản phẩm như giống cây trồng, vật nuôi đã chọn tạo, các kĩ thuật mới, thiết bị mới, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới,… Đó là những con số lượng hóa để báo cáo thuyết phục mang tính khoa học.

Tuy nhiên, đóng góp thực chất của khoa học công nghệ không chỉ đơn thuần là những con số hữu hình như vậy.

Nói chung, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, đều có những đóng góp của khoa học và công nghệ, nhưng thực tế hiện nay có rất nhiều việc cần phải nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, thấu đáo, để xác định những hướng đi phù hợp hơn, bền vững hơn. Đừng chỉ tập trung nhìn vào những con số đẹp mà khen ngợi.

Một là, khoa học và công nghệ của Việt Nam vẫn chưa có thành tựu nào có ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước. Mức độ đóng góp của khoa học công nghệ trong các ngành sản xuất chưa đáng kể.

Hai là, các lĩnh vực khoa học có tính chiến lược, có thế mạnh quốc gia chưa được đầu tư xứng tầm và chưa có đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững đất nước, chẳng hạn như khoa học biển, khoa học sự sống, khoa học nông nghiệp…

Ba là, nguồn lực ngành Khoa học công nghệ không mạnh, chưa thu hút được người tài giỏi; đời sống của các nhà khoa học vẫn còn nhiều khó khăn; quản lí nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhìn chung còn nhiều hạn chế so với yêu cầu thực tế; đặc biệt các ngành đào tạo về khoa học cơ bản cơ bản đang ở mức đáng báo động. Mỗi khi nguồn lực yếu thì khó có những đóng góp tốt, thành tựu nổi trội và ảnh hưởng lớn được.

Nếu xác định kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ để tôn vinh khoa học công nghệ, “nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ trong tương lai” thì cần phải đánh giá kĩ hơn, sâu hơn về bức tranh hiện trạng khoa học công nghệ hôm nay.

Không “cứu” được các ngành đào tạo về khoa học cơ bản thì khó trông chờ tương lai tốt đẹp

Các ngành đào tạo về khoa học cơ bản bao gồm các ngành thuộc khối ngành ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, Toán học“là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia”.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản gần như “chết”. Số lượng tuyển sinh rất thấp, chất lượng tuyển cũng không có gì khả quan. Trong khi, lĩnh vực khoa học cơ bản rất cần nền tảng tri thức, chứ không giống như các lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp.

So sánh với các quốc gia trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một vài con số đáng quan tâm.

Chẳng hạn, năm 2022 số sinh viên đại học khối ngành này chiếm chưa tới 1,5% tổng số sinh viên đại học, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới (Hàn Quốc 6,3%, Israel 7,4%, trung bình khối EU 7,0% và riêng Đức 7,8%).

Nếu tính cả quy mô đào tạo sau đại học, số sinh viên khối ngành Toán và Khoa học tự nhiên trên một vạn dân của Việt Nam năm 2021 chỉ xấp xỉ bằng 1/3 của Singapore, 1/12 của Malaysia, 1/8 của trung bình khối EU và bằng 1/11 của Đức.

Đáng nói là ngay cả đối với khối học sinh các trường chuyên, được ưu tiên đầu tư, tỉ lệ chọn học các ngành này ở bậc đại học không cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định “xét về cả số lượng và chất lượng tuyển sinh các ngành này, đây là một nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, chất lượng cho đất nước.” [1]

Như vậy, có thể nói nguồn lực khoa học và công nghệ cho tương lai là nỗi lo lớn nhất hiện nay.

Nếu cứ nhìn vào kết quả của một vài chính sách khuyến khích công bố và thành tích từ các công trình, giải thưởng, cuộc thi… để mà tôn vinh, trong khi không nhìn thẳng vào “góc tối”, những bức bối của các chuyên gia đầu ngành ngày một ít và sắp chấm hết sứ mệnh của một số ngành khoa học cơ bản.

Để đến lúc chúng ta có cố đầu tư tiền của để vực dậy, cũng khó làm sống lại, chứ đừng nói đến phát triển.

Chính phủ cần phải có chính sách căn cơ, như một mệnh lệnh chứ đừng chỉ dừng lại ở kêu gọi

Năm nay, kỉ niệm 10 năm Ngày Khoa học và Công nghệ và 60 năm ngày Bác Hồ phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chính phủ cần có hành động khẩn cấp, trước mắt là ưu tiên “cứu” các ngành đào tạo khoa học cơ bản bằng chính sách tuyển sinh, đào tạo bậc đại học và sau đại học.

Phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nhân tài luôn là phương châm hành động của mọi nhà nước ở mọi thời đại.

Người tài giỏi phải được phát hiện, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ… Chứ không thể nói là “giỏi mà nghèo thì chọn ngành nào dễ kiếm tiền nhanh mà học”, “ngành nào có đầu ra thì ngành đó sống, ngành nào không có đầu ra thì tự chết, cứ để thị trường quyết định”.

Khoa học cơ bản là lĩnh vực nhà nước cần và cần người giỏi thực sự. Trước hết, công tác đào tạo các ngành này phải được đầu tư rất bài bản, người tham gia đào tạo cũng phải tuyển chọn.

Môi trường học tập, nghiên cứu đến chính sách đãi ngộ cũng phải đặc biệt.

Tất nhiên, vấn đề này phải gắn với quy hoạch mạng lưới đại học và dựa trên năng lực để đặt hàng.

Thực ra, hiện nay các ngành khoa học cơ bản chủ yếu được đào tạo ở các trường đại học công lập như các trường đại học khoa học, trường đại học sư phạm, đại học quốc gia và đại học vùng.

Số lượng không phải nhiều và tiềm lực khoa học tốt. Mặt khác, chủ trương tự chủ đại học là góp phần phân bổ lại nguồn lực đầu tư hợp lí, chứ không phải chủ trương tiết kiệm cho ngân sách.

Phải thực sự quyết liệt triển khai mạnh mẽ, không cát cứ và kiên trì thì may ra mới có thể “cứu” được kịp thời các ngành khoa học cơ bản trong giai đoạn hiện nay.

Mặt khác, cần phải “đổi mới sáng tạo” ngay trong quản lí nhà nước về khoa học và công nghệ, nhất là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, tài chính.

Lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi sáng tạo thì cũng phải sáng tạo trong cách quản lí. Trên hết là phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ… thì mới tiệm cận khách quan, khoa học, hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Một việc cũng không thể xem nhẹ, đó là cùng với chính sách hợp lí cho hoạt động khoa học công nghệ thì cũng đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng đối với lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách cởi mở hơn để tạo môi trường nghiên cứu được thuận lợi, giúp các nhà khoa học dễ dàng hợp tác, kết nối với các mạng lưới trong và ngoài nước, với doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng.

Ứng xử với đội ngũ trí thức, với khoa học công nghệ thể hiện trình độ quản trị của một quốc gia.

Mỗi khi trình độ quản trị của quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tế thì chắc chắn khoa học và công nghệ sẽ phát triển, dẫn dắt đất nước phát triển và thịnh vượng.

Chúng ta không thể đòi hỏi một ngành tạo ra sản phẩm sáng tạo, phải “đột phá” trong một một khuôn khổ chật hẹp, với quá nhiều ràng buộc.

Người làm công tác sáng tạo cứ phải nỗ lực công hiến bằng đam mê, trong khi cuộc sống thì chật vật và luôn đương đầu với tai tiếng, thị phi nếu lỡ mắc phải sai lầm do chính các quy định trói buộc.

Chúng ta không thể hi vọng vào một tương lai tốt đẹp khi mà nguồn lực ngày càng thiếu hụt.

Kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay với nhiều hoạt động nhằm góp phần “xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ trong tương lai” và chúng ta luôn tin vào sức mạnh của khoa học và công nghệ - lĩnh vực góp phần “nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”, tạo “động lực phát triển bền vững”, nhưng tất cả điều đó vẫn phụ thuộc vào sự quyết tâm của Chính phủ bằng các chính sách căn cơ, thiết thực và kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-gd-dt-se-trinh-chinh-phu-de-an-cuu-cac-nganh-khoa-hoc-co-ban-2140431.html

Hướng Sáng