Ngày 23/12, tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) diễn ra hội thảo khoa học mang chủ đề “Khoa học cơ bản: vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Hội thảo này do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Đây là diễn đàn học thuật có sự góp mặt của đông đảo các nhà quản lý cấp cao và học giả đến từ các trường đại học thành viên thuộc hai hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác trên cả nước.
Tại đây, các nhà quản lý giáo dục đại học đã chỉ ra những hạn chế của công tác đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản trong các trường đại học ở Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất những gợi ý chính sách nhằm tháo gỡ những rào cản cũng như phát huy những tiềm năng sẵn có trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản phục vụ nhu cầu xã hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều ngành khoa học cơ bản teo tóp, có năm “trắng”người học
Tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học cơ bản tại trường mình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam – Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học cơ bản tại trường mình. Ảnh: LP |
Theo ông Nam cho biết, hiện trường này đang có 9 ngành khoa học cơ bản. Đặc điểm chung của các ngành này là tuyển sinh khó dù chỉ tiêu trung bình chỉ ở mức 50 sinh viên/ngành. “Tổng số thí sinh đăng ký ít dẫn đến điểm chuẩn đầu vào thấp. Trong khi ngành Hàn Quốc học điểm chuẩn 29,95 thì các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức 20-21 điểm, nên chất lượng ngành khoa học cơ bản không thể so với các ngành có kết quả đầu vào tốt”, Phó giáo sư Bùi Thành Nam chia sẻ.
Không chỉ thế, ngay trong quá trình đào tạo, kết quả học tập của sinh viên các ngành khoa học cơ bản cũng không tốt ở một số ngành, dẫn đến đầu ra và việc làm cũng tương tự.
“Thống kê 6 tháng đầu tiên sau khi sinh viên tốt nghiệp, tỉ lệ người tìm việc làm các ngành khoa học cơ bản cũng thấp hơn các ngành khác trong trường”, Trưởng phòng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói thêm.
Phó giáo sư Bùi Thành Nam cũng bày tỏ băn khoăn khi các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội đều có những chính sách hỗ trợ học phí, cấp học bổng và nơi ở cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản nhưng đầu vào vẫn hạn chế.
Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là câu chuyện đầu ra, tương lai sau 4 năm ra trường sinh viên các ngành này khó kiếm việc làm. “Có những cử nhân ngành triết học tâm sự rất thật rằng học ngành này rồi ra trường không biết sẽ làm công việc gì”, ông Nam nói.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ về thông tin tuyển sinh của các ngành khoa học cơ bản trong giai đoạn các năm 2018-2022, cho thấy trường duy trì tỉ lệ tuyển mới các ngành khoa học cơ bản vào khoảng 30% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Năm 2022 có giảm nhẹ về số lượng và tỉ lệ so với hai năm trước. Một số ngành khoa học cơ bản tiếp tục rơi vào tình trạng khó tuyển.
Đáng chú ý, theo bà Hồng Minh một số ngành đặc biệt khó tuyển khi không có sinh viên hoặc rất ít sinh viên. Chẳng hạn như ngành Hải dương học năm 2018 có 0 sinh viên, năm 2019 cũng chỉ có 2 sinh viên. Tương tự với ngành Tài nguyên và môi trường nước trong hai năm 2017 và 2019 không có sinh viên nào học, còn năm 2018 cũng chỉ có 2 sinh viên. Ngành Địa chất vào năm 2019 cũng “trắng” sinh viên theo học. Các ngành này đồng thời cũng tuyển dưới 20 sinh viên/năm trong nhiều năm.
Cũng theo bà Hồng Minh, số lượng sinh viên nhập học các chương trình đào tạo khoa học cơ bản giai đoạn 2014 - 2018, đến nay đã hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp có tỉ lệ trung bình khoảng 60%. Có thể thấy đây là tỉ lệ không cao, tuy nhiên so với tỉ lệ trung bình tốt nghiệp của tất các ngành đào tạo trong năm của trường trong cùng giai đoạn chỉ đạt 47%.
Còn theo Giáo sư Võ Văn Sen, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đặc thù của các ngành khoa học cơ bản là nghiên cứu các vấn đề mang tính tổng quát, lý thuyết, các quy luật vận động phát triển của tự nhiên lẫn xã hội. Đồng thời, các kết quả của nghiên cứu cơ bản thường được công bố dưới dạng các ấn phẩm khoa học và hầu như chưa mang lại lợi ích thương mại trực tiếp.
Song song với việc tiệm cận nhu cầu thị trường lao động, quá trình tự chủ đại học hiện nay đang diễn ra với nhiều mức độ và cách thức khác nhau nhưng thực tiễn cho thấy chi phí học tập đại học gia tăng đáng kể. Điều này lại dẫn đến tình trạng học sinh và gia đình sẽ cân nhắc nhiều hơn việc theo học các ngành khoa học cơ bản vốn được xem là có cơ hội nghề nghiệp kém hấp dẫn hơn, tính thương mại hóa thấp trong thị trường lao động hiện nay.
Cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút người học
Sau khi nêu lên những hạn chế trong tuyển sinh và đào tạo, Phó giáo sư Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng nêu lên một số giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành đào tạo khoa học cơ bản.
Đông nhà quản lý và học giả bàn luận tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó khăn của đào tạo các ngành khoa học cơ bản |
Theo bà Minh, để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học một số ngành khoa học cơ bản thiếu sức hút đối với sinh viên hiện nay, Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm học phí cho người theo học các ngành này. Tuy nhiên, các trường cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng.
“Đại học Quốc gia Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã được đầu tư kinh phí để thực hiện đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. Tháng 7/2022, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022-2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội”, bà Hồng Minh cho biết.
Những giải pháp đầu tư, chính sách đãi ngộ sẽ có hiệu quả và thu hút người học. Tuy nhiên, theo bà Hồng Minh đó mới chỉ góc độ đầu vào.
"Cần thiết có sự đồng bộ trong quá trình đào tạo và sử dụng sản phẩm đầu ra. Trường được đầu tư cần nỗ lực trong hoạt động tổ chức đào tạo, giữ chân người học với ngành học, trang bị đủ kĩ năng và kiến thức cần thiết theo chuẩn đầu ra kì vọng. Cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm người học, xác định họ có tố chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, để các suất đầu tư đạt hiệu quả...", Phó giáo sư Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ.
Ngoài ra, xã hội cũng cần chung tay đảm bảo đồng bộ đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo. Các cơ quan hữu trách cần có dự báo và đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của nguồn nhân lực cơ bản, được đào tạo tinh hoa bằng những thiết chế về tuyển dụng, đãi ngộ. Đảm bảo người tốt nghiệp, đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp hay được tuyển dụng sẽ có mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, tiếp tục tâm huyết với ngành nghề, nâng cao trình độ và đóng góp.
Đặc biệt, theo bà Hồng Minh, nhà nước cần có quy định kèm theo chế tài đối với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo mà không chi trả phù hợp, coi nhẹ đầu tư khoa học cơ bản của nhà nước.
“Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp đã là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên. Việc này có lẽ không dễ, vì không thể có ngay được tác dụng trực tiếp của khoa học cơ bản lên các mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, khoa học cơ bản sẽ tác động tạo cú hích dài cho các lĩnh vực kinh doanh, có thể chưa thấy lợi nhuận trước mắt, nhưng sẽ ở lâu dài và là tiền đề cho những bứt phá”, bà Minh nói thêm.