Nghi vấn về một lỗi sai tồn tại gần 20 năm trong sách giáo khoa Ngữ văn 7

24/08/2020 06:57
Nhất Mạt Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cuốn sách đã được lưu hành, giảng dạy gần 20 năm nhưng không ai phát hiện ra lỗi sai này?.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của cô Nhất Mạt Hương, một giáo viên ở Bắc Ninh phản ánh về việc sử dụng hình ảnh và chú thích cô cho là không chính xác trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp7 (tập hai).

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc. Bài viết thể hiện văn phong, góc nhìn và phát hiện của cá nhân tác giả.

Dạy học, ngoài truyền đạt những kiến thức trong sách vở cho học trò, tôi luôn mở rộng, liên hệ những nội dung liên quan đến bài học ở trong cuộc sống để các em nắm vững và mở mang hơn.

Tôi cũng luôn nhắc các em tìm tòi, khám phá, linh hoạt trong quá trình học.

Đặc biệt, có những thông tin trong sách giáo khoa có thể đã bị lạc hậu cần phải cập nhật vì sách giáo khoa của nước ta hay bị tình trạng chậm hơn so với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Điều này có thể thông cảm vì các chỉ số thay đổi không ngừng trong khi không thể thay sách giáo khoa hằng năm.

Tuy nhiên, những thông tin, kiến thức thuộc về văn hóa, lịch sử cố định thì cần phải chính xác.

Nhưng mới đây, tôi phát hiện ra một lỗi sai về chú thích văn hóa thấy cần phải nêu ra.

Đó là chú thích bức ảnh chụp bức tượng Quan Âm Thị Kính dùng minh họa cho phần văn bản “Quan Âm Thị Kính” ở sách giáo khoa Ngữ Văn 7 tập 2 (trang 112)

Trong chú thích ghi rõ: tượng ở chùa Tây Phương.

Tượng Quan Âm Thị Kính (còn gọi Quán Âm Tống Tử) xuất hiện trong nhiều ngôi chùa ở miền Bắc nước ta, được tạo tác nhằm ca ngợi sự nhẫn nhịn, đức hiếu sinh, thương chúng sinh như con đẻ của Kính Tâm.

Đặc biệt, những pho tượng Quan Âm Thị Kính được các nhà nghiên cứu đánh giá có giá nghệ thuật cao là tượng trong các chùa như chùa Trăm Gian, chùa Mía, chùa Tây Phương. ..

Dạy văn bản một số năm, khi có dịp đến chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Tây - nay là Hà Nội), tôi không chỉ quan sát, tìm hiểu 18 bức tượng La Hán mà nhà thơ Huy Cận đã nhắc đến, mà còn muốn “mục sở thị” bức tượng Quan Âm Thị Kính đã được đưa vào minh họa trong sách giáo khoa.

Nhưng thật bất ngờ, bức tượng tôi thấy ở đây có tạo hình khác hẳn so với bức ảnh đã nhìn thấy trong sách. Nhìn hai bức ảnh có thể thấy rõ điều này.

Tượng Quan Âm Thị Kính được tác giả chụp ở chùa Tây Phương. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tượng Quan Âm Thị Kính được tác giả chụp ở chùa Tây Phương. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thông tin hình ảnh và chú thích chưa chính xác trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 2). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thông tin hình ảnh và chú thích chưa chính xác trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 2). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Sau đó, tôi đã lên mạng tìm hiểu các bức ảnh chụp tượng Quan Âm Thị Kính ở chùa Tây Phương ở nhiều góc độ cũng đều thấy khác biệt so với ảnh chụp trong sách giáo khoa. Có thể khẳng định, người đưa ảnh này vào sách đã có sự nhầm lẫn.

Sách giáo khoa Ngữ văn 7 – tập 2 này do thầy Nguyễn Khắc Phi tổng chủ biên. Sách đã được tái bản lần thứ 17 vào năm học 2019-2020 và qua các năm đều không có thay đổi.

Tức cuốn sách đã được lưu hành, giảng dạy gần 20 năm nhưng không ai phát hiện ra lỗi sai này, hay không ai để ý?

Cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 2). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cuốn sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 2). (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thiết nghĩ, mỗi một nội dung, hình ảnh đưa vào sách giáo khoa dạy cho nhiều thế hệ học sinh đều phải được chọn lọc, có ý nghĩa và chính xác.

Nên rất mong, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các bộ phận liên quan nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh lỗi sai này để giáo viên và học sinh có được thông tin đầy đủ, trọn vẹn khi tìm hiểu văn bản trong những năm học tới.

Nhất Mạt Hương