Không nước nào công nhận chứng chỉ của Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Tiên nêu thực tế hiện nay dược liệu sử dụng tại Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài, nhưng trình độ của Việt Nam lại chưa thể kiểm định hết được chất lượng các loại dược liệu này.
"Dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết suất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết suất lần 2, lần 3 để xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/3 hay ¼ giá dược liệu trong nước. Người bệnh uống toàn bã thuốc như thế thì làm sao khỏi được?", ông Tiên đặt vấn đề.
Cũng theo vị đại biểu của tỉnh Tiền Giang, dược liệu ở trong nước tốt và có điều kiện phát triển, nhưng do đấu thầu thì không thể cạnh tranh được với dược liệu nhập khẩu nên không thể bán nổi.
Ông Tiên đề xuất: “Nên chỉ định thầu đối với các dược liệu dùng cho Đông y, như thế vừa có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và lợi cho cả người bệnh. Còn nếu cứ áp dụng theo đấu giá, vì khi đã đấu giá thì anh nào rẻ anh đó thắng".
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Uống toàn bã thuốc thì làm sao khỏi bệnh được? ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Liên quan tới vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề dược đã được nhiều Đại biểu Quốc hội thảo luận từ kỳ họp thứ 10, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên phân tích: “Hiện nay ở Việt Nam nhân dân cũng như các Đại biểu Quốc hội rất bức xúc về vấn đề thủ tục hành chính. Nếu thủ tục hành chính được cải thiện thì pháp luật sẽ hội nhập đúng hướng.
Chính vì vậy mặc dù việc cấp chứng chỉ cả y và dược được Bộ Y tế đề xuất cấp 5 năm đổi lại một lần là phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhưng vì thủ tục hành chính của ta gây phiền hà nên các Đại biểu Quốc hội bức xúc không muốn làm theo”.
Đại biểu Tiên đề nghị giao cho Chính phủ cấp chứng chỉ 5 năm 1 lần với những ai muốn ra làm việc quốc tế.
"Nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở để làm lãnh đạo" |
“Tôi đã kiểm tra lại thì chưa nước nào công nhận chứng chỉ hành nghề của ta. Ở các nước, người ta phải thi đầu vào mới được cấp chứng chỉ, còn ta thì cấp tự động, không thi.
Vì vậy, nên giao Chính phủ cấp chứng chỉ đúng như mẫu thế giới đã làm. Những ai muốn đi làm ở nước ngoài thì tạo điều kiện, như vậy những người chỉ làm trong nước cũng không bị ảnh hưởng. Dần dần theo lộ trình 5 – 10 nữa thì tổ chức thi cấp chứng chỉ hoàn toàn theo chuẩn quốc tế.
Đồng thời cũng phải cải cách thủ tục hành chính, cấp qua mạng chứ không làm trực tiếp nữa để tránh nhũng nhiễu, và các nhà chuyên môn hiện nay cũng mong đổi mới như thế”, ông Tiên nêu quan điểm.
Làm cách làm ngăn chặn tiêu cực?
Liên quan tới vấn đề thủ tục, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu thực trạng nếu áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm hàng rào hạn chế số lượng doanh nghiệp dược xin đăng ký thuốc thì sẽ dễ dẫn tới cơ chế xin cho, xuất hiện tiêu cực, và gây ra bất công vì có doanh nghiệp được ưu ái giải quyết trước, lại có doanh nghiệp phải chờ đợi giải quyết sau.
Đề cập tới thực trạng thực phẩm chức năng hiện nay, Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) đánh giá: "Nhiều người nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc, nhiều người tiền mất tật mang. Các trang quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay dành nhiều thời lượng quảng cáo thực phẩm chức năng, cách thức quảng cáo rất tinh vi. Thực phẩm chức năng mà quảng cáo như thần dược. Đặc biệt lại được sự hỗ trợ, giúp sức của các giáo sư bác sỹ trong ngành y tế". |
Chỉ rõ về cấp số đăng ký thuốc, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự ủng hộ khi dự thảo luật đã rút ngắn thời gian cấp lại số đăng ký xuống còn 3 tháng (trước đây là 6 tháng).
Tuy nhiên, về cấp mới số đăng ký, theo bà Lan chỉ nên dừng ở 12 tháng chứ không nên tăng lên thành 18 tháng.
Bà Lan nêu thí dụ: “Ở TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi có một kỷ niệm buồn được truyền miệng, đó là có trường hợp một doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, theo luật định trong 6 tháng nếu thấy đủ điều kiện thì phải cấp, không thì phải trả lời.
Cuối cùng gần hết thời gian, doanh nghiệp này được mời lên, hồ sơ của họ đầy đủ hết, chỉ có một chi tiết đề nghị phải về bổ sung, làm lại, đó là chi tiết thay tinh bột bắp là tá dược bằng tinh bột ngô cho đúng chuẩn, thế là doanh nghiệp mất toi luôn 6 tháng.
Chúng ta phải khắc phục tình trạng chậm chễ bằng việc công khai, minh bạch thủ tục, danh mục xét hồ sơ đăng ký”.