1. Bánh cuốn Thanh Trì, 66 Tô Hiến Thành. |
Khi tráng bánh, người thợ phải đổ đều tay, dát mỏng bột trên mặt vỉ tráng, bánh chín chỉ một chiếc đũa tre có thể gỡ bánh ra khỏi vỉ. Từng lớp bánh cuốn được xếp so le nhau không rách, không nát. |
Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng hành mỡ thoa vào mướt mặt nhưng khi nếm vào lại thanh nhẹ, mát rượi. Ở trong thúng, bánh được xếp thành lớp kiểu như bậc thang. |
Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh thường gia thêm vào chai nước chấm một hai con cà cuống bǎm nhỏ. |
2.Bánh tôm Hồ Tây |
Cách thức làm ra cái bánh tôm có vẻ như đơn giản: bột mỳ, thêm ít bột ủ chua, ít bột nở, ít bột ca-ri nghệ, hòa với nước cho sền sệt. Tôm tươi cắt râu, rửa sạch. Chảo mỡ nóng già, quệt bột lên khuôn, gắn một hai con tôm, thả vào. Chờ một lúc cho bánh già, vớt ra để ráo mỡ rồi đem ra phục vụ khách ngay. |
Cũng cần kể đến nước chấm bánh tôm, nó cũng gần giống nước chấm bún chả, phải đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt nhưng chỉ vừa đủ, để chúng hòa vào nhau, thành một thứ nước chấm ngon lành đến độ uống suông cũng hết cả bát. |
Bánh tôm Hồ Tây - thứ quà giản dị - góp phần làm nên bản sắc riêng cho ẩm thực đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. |
3.Bún chả "Phở được biết đến là món ăn nổi tiếng nhất Việt Nam, song bún chả lại là sự lựa chọn hàng đầu trong bữa cơm trưa của người dân thủ đô Hà Nội" |
Chả thường có 2 loại: chả băm và chả miếng. Chả băm được làm từ thịt lợn nạc băm nhuyễn, ướp với muối, tiêu, nước mắm, đường, hành khô xắt nhuyễn, dầu thực vật hoặc mỡ nước. |
Còn chả miếng thường dùng thịt ba chỉ (ba rọi) thái mỏng ướp gia vị tương tự chả viên và nướng bằng trên vỉ hoặc xiên que. Sau khi nướng, miếng chả sẽ chín vàng rộm, vị đậm đà, dậy mùi thơm phức. |
Nhắc đến bún chả, “dân sành ăn” ai cũng biết đến quán Đắc Kim - số 1 Hàng Mành hay người ta còn gọi tắt là bún chả Hàng Mành. |
4. Bún ốc Có câu "Ốc tháng mười, người Hà Nội", bởi đúng thời gian đó ốc mới ngọt, giòn, béo nhưng quanh năm, cứ sáng ra, là có rất nhiều hàng bún ốc xuất hiện khắp các con phố to, ngõ nhỏ. Tuy nhiên, người sành ăn cũng rất kén hàng. |
Bún ốc ngon trước hết phải có vị cay chua của ớt, của bỗng rượu. Bún ốc có 2 - 3 cách ăn: có thể chan, có thể chấm, có thể ăn nóng hoặc ăn nguội. Bún ốc không thay đổi nhiều lắm như các món ăn Hà Nội khác: vẫn là ớt chưng, là tía tô. Không có thứ gì cần tía tô và ớt chưng nhiều như bún ốc. Bát bún ốc của Hà Nội rất đẹp vì nó có màu đỏ của ớt, màu tím của tía tô và sợi bún trắng... |
Nổi tiếng nhất có lẽ là bún ốc bà Sáu ở Mai Hắc Đế. Điểm đặc biệt của hàng này là nước dùng rất thơm, vị thanh đặc biệt. Không bán ốc nhỏ, nhưng ốc mít vừa vặn, ăn giòn, thơm. |
Được nhiều người nhắc tới và nhớ nhung còn là bún ốc nguội ngay đầu Ô Quan Chưởng. Không rau sống ăn kèm, và không gì khác nhưng ốc ở đây thì giòn thơm, sạch tuyệt đối và nước chấm có vị ngon đặc biệt khó tả, vừa có vị thanh nhẹ của dấm bỗng, hơi chua, ngọt. |
5. Bún thang Nổi tiếng nhất về món ăn này có 4 quán: 59 Hàng Lược, 28 Liễu Giai, 144 D2 Giảng Võ và 48 Cầu Gỗ. Mỗi quán có một đặc trưng riêng, tùy theo khẩu vị từng người mà chọn quán cho vừa miệng. |
Chữ thang ở đây là canh, nghĩa là bún chan từ một thứ nước canh đặc biệt bởi vì nồi nước dùng là linh hồn của món bún thang. Nó được ninh thật kỹ bằng xương gà, xương lợn và tôm he khô. Trong khi ninh phải trông chừng để vớt hết bọt cho nước thật trong. Thế mới giữ được chất đạm và vị ngọt tự nhiên cho nước dùng. |
Một bát bún thang gồm bún rối trắng tinh với trứng tráng thật mỏng, thái chỉ tơ. Thịt gà có lườn trắng, đùi nâu, da vàng óng, xé nhỏ. Giò lụa thái chỉ, đặt ở một góc kèm theo một chút củ cải khô đã ngâm kỹ và tẩm nước mắm, dấm cho vừa ăn. Trên cùng là rau răm, rau mùi, hành hoa, hành củ. Và có lẽ không nên thiếu một chút xíu mắm tôm cho đậm đà món bún. |
Thêm một lưu ý khi thưởng thức món bún này là cà cuống. Chỉ cần 1,2 giọt cà cuống, bát bún thang trở nên ngây ngất, quyến rũ người ăn đến từng giọt cuối cùng. |
6. Chả cá Lã Vọng Chả cá quen thuộc và được yêu thích đến nỗi có cả một con phố được gọi tên là "phố chả cá" ở thủ đô Hà Nội. Trên phố này có nhà hàng chả cá Lã Vọng nổi tiếng đặc biệt chỉ phục vụ một món duy nhất là chả cá tươi, ăn với tỏi, gừng, nghệ, rau thì là, chiên trong một chiếc chảo nhỏ nóng hổi. |
Chả cá tốt nhất là làm bằng cá chiên hoặc cá lăng. Hai loài cá này thường sinh sống, vẫy vùng trên sông Hồng. |
Ðầu, xương và da để nấu canh chua. Còn miếng thịt cá được ướp gia vị, mì chính, hạt tiêu, nước riềng và nước nghệ, ít nước mẻ loãng (nếu không có nước mẻ thì dùng dấm bỗng). Thời gian ướp ít nhất cũng từ một đến hai giờ. |
Trước khi nướng, tẩm ít mỡ nước để nướng cá cho khỏi xác. Cho cá vào que tre làm thành từng gắp chả, rồi nướng chả vàng hai mặt. Nướng bằng than hoa đỏ hồng, miếng cá chín vàng là được. Xếp một lớp cá với một lớp thìa là, hành rau thơm, rau mùi, từng lớp cho đến đầy bát to. |
Khi ăn, dùng mỡ nước vừa rán đun thật sôi giội lên cá (món này phải ăn nóng). Nước chấm phải chế biến kỳ công, là mắm tôm hảo hạng, vắt chanh, một chút ớt cay, giầm nhẹ phảng phất cà cuống cho dậy mùi hấp dẫn. |
7. Cháo trai Trần Xuân Soạn Ðầu phố Trần Xuân Soạn có một quán bán duy nhất món cháo trai và thường xuyên đông khách, từ chiều tối cho đến tận khuya. |
Cách làm món cháo trai có khác so với dân Sài Gòn: thịt trai để riêng như một món dùng ăn với cháo. Con trai khá to, cho nhiều thịt, được ninh lên lấy nước nấu cháo, còn thịt của chúng thì cắt nhỏ, xào lên thật thơm cùng với gia vị được nêm nếm vừa miệng. |
Cháo múc ra bát xong mới để thịt trai đã xào lên làm mặt cùng với hành, tiêu, ớt bột, khách tự trộn đều và ăn cùng với quẩy. |
8..Phở Hà Nội |
Tô phở khi ăn gồm có bánh phở làm từ bột gạo tươi, nước dùng ninh từ xương lợn, vài lát thịt bò, lợn hoặc thịt gà ăn kèm với vài loại rau sống. |
Bát phở thơm lựng, ngọt ngây. Nước lèo ngọt vị xương bò hầm, thơm mùi thịt bò vừa tới độ chín, thịt vừa dẻo lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ húp một tý nước thôi đã thấy tỉnh người. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cái cay dịu của gừng, cái cay nồng của ớt. |
9. Xôi Xôi ở đâu cũng có, nhưng xôi Hà Nội là tấm chân tình, là nét văn hóa thanh lịch của riêng người Hà Nội. Xôi không những chỉ dùng như một món quà vào mỗi sáng, mà còn có mặt trong những mâm cỗ trang trọng trong ngày lễ, tết, thôi nôi, cưới hỏi… |
Mỗi loại xôi có một hương vị khác nhau và được ăn kèm với các loại thức ăn khác nhau. Xôi gấc mới màu đỏ rực như mời gọi đầy cuốn hút, có vị ngọt được ăn kèm với chả mỡ. Xôi lạc, xôi đỗ xanh có vẻ thanh tịnh và nền nã hơn bởi sự thanh khiết trong sắc màu, thường ăn kèm với vừng và ruốc. Xôi trắng ăn kèm với ruốc, thịt kho tàu, giò chả, lạp xường vừa thơm, vừa mềm. |
Còn xôi xéo, chắc chắn là món khó nấu nhất, cũng bởi thế mà nó hấp dẫn trong sự kết hợp giữa màu trắng của hạt nếp dẻo căng tròn, bóng mịn với màu vàng tươi của đậu xanh, cộng hưởng với màu vàng rộm, bóng nhẫy, vị béo, bùi của hành phi làm nên một thứ xôi đặc biệt. |
10. Miến lươn Miến lươn được xem là một món ăn ngon hài hòa âm dương. Món miến lươn hấp dẫn mọi mùa, nhưng vào những khi tiết trời se se lạnh còn hấp dẫn hơn nhiều. |
Miến đem rửa, luộc mềm, vớt ra cho vào bát. Những miếng thịt lươn phô màu vàng óng của da được đem xào cho săn lại rồi sắp lên bát miến. Rắc hành hoa và rau răm thái nhỏ lên rồi chan nước dùng. Nước dùng lươn mầu nâu nâu, ngọt trên mức bình thường, chỉ chan sâm sấp chứ không chan quá ngập. Cuối cùng rắc hạt tiêu. Đấy là cách người Hà Nội dọn cho bạn món miến lươn nổi danh của miền châu thổ sông Hồng. |
Ở Hà Nội, món miến lươn nổi tiếng ở nhiều con phố như Tuệ Tĩnh, Hàng Điếu, Hàn Thuyên |