Vừa qua, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại Kết luận 91 đã chỉ rõ những hạn chế của giáo dục đại học hiện nay. Trong đó, có thực trạng tỷ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp.
Thực trạng này không chỉ đặt ra thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo mà còn đòi hỏi những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các lĩnh vực khoa học cơ bản.
Người học không mặn mà học ngành khoa học cơ bản sau bậc đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây (2022, 2023, 2024), tình hình tuyển sinh đối với một số ngành khoa học cơ bản ở bậc sau đại học của nhà trường có sự giảm sút. Cụ thể, một số ngành khoa học cơ bản (lĩnh vực khoa học tự nhiên) như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có số lượng các học viên đăng ký học không nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh các bậc học sau đại học của nhà trường.
Theo thầy Sơn, những khó khăn trong việc thu hút người học sau bậc đại học của nhà trường đối với các ngành khoa học cơ bản xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
“Trước hết, cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế. Sinh viên và học viên sau khi tốt nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên ngành. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển dụng từ các cơ quan nhà nước chưa nhiều, khiến số lượng người học theo học các ngành khoa học cơ bản khó có thể được tiếp nhận hết sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản chủ yếu là tại các viện nghiên cứu và trường đại học, nơi yêu cầu trình độ chuyên môn cao cũng như sự đầu tư lớn về chất xám để thực hiện các công trình nghiên cứu. Điều này khiến ngành trở nên khá “kén” người theo đuổi.
Ngoài ra, mức thu nhập của những người tốt nghiệp ngành khoa học cơ bản thấp hơn so với nhiều lĩnh vực khác. Những người mới ra trường, dù ở bậc đại học hay cao học, thường phải trải qua quá trình thực tập và thử thách với mức lương thấp, khó đảm bảo trang trải cuộc sống. Chính vì vậy, không ít người đã lựa chọn chuyển sang các ngành khác có thu nhập tốt hơn”, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Hồ Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. (Ảnh: NVCC).
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, tình hình tuyển sinh và đào tạo đối với các ngành khoa học cơ bản ở bậc đào tạo sau đại học hiện nay rất khó khăn đối với nhiều trường đại học trên cả nước. Tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, nhiều ngành khoa học cơ bản ở bậc sau đại học chỉ đạt 30-50% người học trúng tuyển nhập học.
Lý giải về việc tỷ lệ người học sau đại học các ngành khoa học cơ bản của nhà trường không cao, thầy Mạnh cho biết: “Một trong những nguyên nhân chính là người học không đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đầu vào (đối với trình độ tiến sĩ) và đầu ra (đối với trình độ thạc sĩ). Bên cạnh đó, việc sắp xếp thời gian theo học cũng là rào cản cho người học khi thu nhập các ngành nghề liên quan đến khoa học cơ bản không cao và quy chế đào tạo cao học gần giống như của đại học chính quy”, thầy Mạnh cho hay.
Cũng theo thầy Trần Đức Mạnh, hiện nay, do điều kiện học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản ở nước ta còn hạn chế nên tỷ lệ học sau đại học với các ngành khoa học cơ bản chưa cao. Trong khi đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản cần kinh phí lớn nhưng tài chính được cấp hoặc nguồn thu từ học phí còn rất thấp khiến các trường đại học không thể đầu tư mạnh cho các phòng thí nghiệm, thực hành đạt chuẩn.
Cùng với đó, cơ hội việc làm của các ngành khoa học cơ bản không rộng như các ngành nghề khác vì các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa chú trọng vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Ngoài ra, thu nhập của người làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn rất thấp so với mặt bằng chung các ngành nghề khác.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần có những những giải pháp để thu hút người học theo học các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là ở bậc học sau đại học. Từ đó, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Tiến sĩ Trần Đức Mạnh - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). (Ảnh: NVCC).
Ngành khoa học cơ bản được đầu tư tốt, có vị trí xứng đáng thì mới thu hút người
Chia sẻ với phóng viên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tính cạnh tranh giữa các ngành học ngày càng cao, nhưng số lượng người theo học các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là bậc sau đại học lại rất ít. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực khoa học tại Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo nguồn tuyển sinh cho bậc sau đại học, cần chú trọng tạo nguồn ngay từ các cấp học dưới.
“Trên thực tế, số lượng người làm việc trong lĩnh vực khoa học cơ bản, đặc biệt tại khu vực miền núi rất ít, hầu như không có các khu, viện hay trung tâm nghiên cứu. Nguồn nhân lực giảng dạy và người học chủ yếu đến từ các trường đại học, cao đẳng và một phần từ các trường phổ thông có đào tạo các ngành khoa học cơ bản. Trong khi đó, chương trình học của các ngành khoa học cơ bản hiện nay có tỷ lệ số tiết và học phần chưa tương xứng, khiến việc đào tạo các ngành cơ bản còn gặp khó khăn.
Vì vậy, ngay từ chương trình phổ thông đến đại học, cần đảm bảo tỷ lệ giảng dạy các môn khoa học cơ bản tương xứng, bởi đây là nền tảng quan trọng của nhiều ngành học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng việc thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, từ đó tạo cơ sở để thu hút và phát triển người học ở bậc đào tạo sau đại học.
Chỉ khi ngành khoa học cơ bản được đầu tư và có vị trí xứng đáng trong hệ thống giáo dục, sức hút đối với người học mới có thể tăng lên. Từ đó, tỷ lệ sinh viên giỏi lựa chọn theo đuổi ngành này cũng cao hơn, kéo theo nhu cầu học ở bậc sau đại học cũng gia tăng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng cũng cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung cải tiến, đầu tư vào không gian học tập, cơ sở vật chất, đề tài nghiên cứu phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo các ngành khoa học cơ bản của trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên, nhà nghiên cứu và người học trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Ngoài ra, để thu hút người học, nhà trường sẽ áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ như: miễn giảm học phí, cam kết không tăng học phí và đưa ra mức học phí phù hợp, đặc biệt là đối với các ngành khoa học cơ bản ở bậc sau đại học giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người học.

Còn theo Tiến sĩ Lê Hồ Sơn, việc các ngành khoa học cơ bản mất dần sức hút, đặc biệt là việc tỷ lệ học sau đại học thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ quả.
Trong đó, việc ít người theo học sau đại học khiến nguồn giảng viên có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học,... có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt giảng viên trình độ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học.
Bên cạnh đó, do đội ngũ giảng viên chuyên môn sâu có số lượng không nhiều, các chương trình đào tạo có nguy cơ bị ảnh hưởng, thiếu cập nhật theo các xu hướng mới của thế giới, khiến chất lượng giảng dạy không theo kịp chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, sự suy giảm lực lượng nghiên cứu cũng kéo theo việc giảm số lượng và chất lượng các công trình khoa học. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản thường đòi hỏi đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, nếu không có đủ nhân lực, các phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, sự phát triển của khoa học cơ bản có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, y sinh, vật liệu mới, năng lượng tái tạo,…
Vì vậy, nếu khoa học cơ bản không được đầu tư đúng mức, nền tảng cho các ngành công nghệ ứng dụng cũng sẽ suy yếu, cản trở sự phát triển bền vững của khoa học và công nghệ trong tương lai.
Để nâng cao chất lượng ngành Khoa học cơ bản, đặc biệt để thu hút người học sau đại học, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn có những đề xuất/kiến nghị sau:
“Thứ nhất, về tài chính, cần có chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học ngành Khoa học cơ bản tại các trường đại học công lập. Đồng thời, cần có các học bổng hấp dẫn cho sinh viên xuất sắc, đặc biệt là bậc sau đại học, tương tự như các chương trình học bổng chính phủ của các nước phát triển. Ngoài ra, việc tăng mức lương và phụ cấp nghiên cứu cho học viên cao học và nghiên cứu sinh cũng là giải pháp quan trọng, giúp người học yên tâm học tập và nghiên cứu.
Thứ hai, để cải thiện điều kiện nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm hiện đại cho các trường đại học và viện nghiên cứu nhằm tạo ra môi trường học tập tốt hơn. Đồng thời, việc mở rộng hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế cần được chú trọng, nhằm tạo điều kiện cho người học tiếp cận với những nền tảng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Thứ ba, để đảm bảo cơ hội nghề nghiệp và thu hút nhân tài, Chính phủ có thể phối hợp với các viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cao để cam kết đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào các vị trí nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập với chế độ đãi ngộ tốt hơn. Ngoài ra, việc hỗ trợ khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua các quỹ đầu tư cho những dự án nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng cũng sẽ góp phần thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản” Tiến sĩ Lê Hồ Sơn bày tỏ.