Chiều 6/4, Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã trả lời, làm rõ nhiều nội dung được báo chí và dư luận quan tâm.
Tại cuộc họp báo, nội dung liên quan thông tin dạy học 2 buổi/ngày gây nhiều băn khoăn. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã cung cấp một số thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, dạy học 2 buổi/ngày không phải việc mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là tốt. Kể cả với những nơi không có điều kiện dạy học 2 buổi, thì các hoạt động học sinh chủ yếu là hoạt động giáo dục. Để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố.
Thứ nhất, đủ cơ sở vật chất. Ở đây là mỗi lớp 1 phòng học. Trường đủ điều kiện cho học sinh bán trú, đến trường học ở lại ăn và nghỉ trưa tại trường. Cần đủ sân chơi, bãi tập, các hoạt động giáo dục thể chất và các kỹ năng khác.
Thứ hai, đủ số lượng giáo viên.
Thứ ba, có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Với Việt Nam, lâu nay, riêng cấp tiểu học chúng ta đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày tốt. Chương trình giáo dục năm 2018 quy định rõ dạy 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học thuận lợi hơn nhiều. Các cháu nhỏ, tổ chức bán trú phù hợp dù điều kiện vẫn chưa được như mong muốn, dạy học các nội dung chương trình chính khóa...
Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn tổ chức 2 buổi/ngày cho học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở, theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích. Đến Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng nêu rõ tiểu học dạy học 2 buổi/ngày. Còn với trung học cơ sở, trung học phổ thông nơi nào có đủ điều kiện thì khuyến khích học 2 buổi/ngày
Mục tiêu dạy 2 buổi/ ngày trước hết là để bảo đảm tổ chức chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, giảm áp lực cho học sinh, tổ chức quy củ bài bản việc dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác, hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực và các kỹ năng phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ...
Về thực trạng, dạy học 2 buổi/ngày, với tiểu học gần như 100%, với trung học cơ sở, trung học phổ thông cho tới thời điểm này số trường số lớp dạy 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 10 năm trước. Qua khảo sát, công tác quản lý và chỉ đạo cho thấy nơi nào tổ chức tốt dạy 2 buổi/ngày thì chất lượng giáo dục toàn diện của trường, lớp đó khá hơn...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một số bất cập trong tổ chức thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Ví dụ, buổi 2 có nơi dạy văn hóa là chính, chủ yếu là kiến thức chưa phải kỹ năng, các nội dung khác, nên tạo áp lực học học sinh.
Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động này, trên cơ sở đó có hướng dẫn chung toàn quốc, thực hiện với từng cấp học.
Quan điểm là nâng cao chất lượng chính khóa; giảm áp lực học tập cho học sinh; bảo đảm mục tiêu giáo dục các cấp học đề ra; học sinh được phát triển phẩm chất năng lực toàn diện, không chỉ kiến thức phổ thông mà còn phát triển thể chất, tâm hồn, thể thao, AI, ngoại ngữ, tin học... phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của học sinh.
Đặc biệt, buổi học 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh, còn buổi 1 thực hiện các giờ học chính khóa, vì học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông có nhu cầu khác nhau. Định hướng nghề nghiệp hình thành, có em muốn có thêm kiến thức chuyển đổi số, có em muốn bổ trợ ngoại ngữ…
Nếu trường không tổ chức bổ trợ, các em có thể học nơi phù hợp, đúng quy định. Quan điểm Bộ là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, phụ huynh, giảm chi phí tài chính cho gia đình học sinh mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Đến thời điểm này, Bộ mới đang khảo sát nghiên cứu, chưa có tuyên bố trung học cơ sở, trung học phổ thông bắt buộc phải học buổi 2.
Nơi có điều kiện thì tổ chức nhưng bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu như đã nói. Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Còn theo khảo sát đánh giá, yêu cầu trung học cơ sở, trung học phổ thông bắt buộc học 2 buổi/ngày chưa phù hợp vì ta chưa đủ 3 điều kiện tối thiểu, đáp ứng nhu cầu học sinh. Đặc biệt, nhu cầu của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đa dạng, phân hóa cao, tổ chức của riêng nhà trường chưa đáp ứng được. Nhà nước phải bảo đảm học tốt chính khóa, còn buổi học 2 theo nhu cầu và năng lực quản lý theo mục tiêu đó...