Theo đó, Điều 1 của Nghị quyết nói rõ: Cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Đa số Đại biểu Quốc hội tán thành tiếp tục cho phép người lao động rút bảo hiểm một lần. ảnh: Ngọc Quang. |
Điều 2 của nghị quyết giao Chính phủ: Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện chính sách tại Điều 1 của Nghị quyết này, tổ chức tư vấn đầy đủ về chính sách để tạo điều kiện cho người lao động được bảo lưu tham gia bảo hiểm xã hội hoặc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật.
Tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho người lao động; chuẩn bị điều kiện, triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động tích lũy thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện được hưởng lương hưu.
Công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; cải cách thủ tục để tạo thuận lợi cho người lao động tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Mỗi năm nhà nước mất hàng nghìn tỷ đồng, kinh tế sẽ kiệt quệ vì buôn lậu |
Đến năm 2020, Chính phủ đánh giá, tổng kết chính sách, khi cần thiết báo cáo Quốc hội để xem xét, sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với thị trường lao động, điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia hệ thống an sinh xã hội.
Trước đó, thảo luận về nội dung này, đa số các Đại biểu Quốc hội cho rằng điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội có tính nhân văn, nhưng trên thực tế chưa phù hợp với hoàn cảnh, đời song của một bộ phận người lao động.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Khi xây dựng luật bảo hiểm xã hội năm 2014 Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này vì để cho người lao động có quyền lựa chọn. Nhưng đa số lại không chịu nên thông qua.
Theo đánh giá về lâu dài thì điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi nên chúng tôi mới đồng tình.
Nhưng có những người lao động họ vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp".
Cùng có chung quan điểm trên, Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đánh giá: “Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là rất nhân văn.
Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc sửa đổi Điều 60 của luật là nên để theo hướng mở, vì chúng ta vẫn còn một bộ phận người lao động vì hoàn cảnh quá khó khăn nên không thể chờ đợi tới lúc hưởng lương hưu, hoặc là có những người điều kiện sức khỏe quá yếu cũng không thể chờ tới lúc hưởng lương hưu.
Rồi có cả những trường hợp muốn nhận một lần ra nước ngoài sinh sống, hoặc có những người chỉ đi làm công nhân một thời gian rồi trở về quê buôn bán, mưu sinh bằng nghề khác mà không đóng bảo hiểm xã hội nữa.
Ngay từ đầu, tôi đã nói về việc này rồi là cần phải có sự linh hoạt để người lao động dễ lựa chọn. Điều đó cũng phù hợp với Chương 2 của Hiến pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân”.