Trong các ngành công nghiệp và kinh tế, kỹ thuật của nước ta, ít có ngành nghề nào tạo dựng được ảnh hưởng niềm tin to lớn và vững chắc trong lòng nhân dân như ngành Điện.
Và cũng trong ngành Điện, ít có lĩnh vực nào tạo dựng được thương hiệu thắp sáng niềm tin mạnh mẽ trong lòng nhân dân như lĩnh vực truyền tải điện lực.
Nhận định trên đây không phải cảm tính hoặc phiến diện, mà hoàn toàn có cơ sở bởi hai lý do sau:
Thứ nhất, điện năng luôn gắn bó vô cùng chặt chẽ với đời sống của người dân và sự phát triển của xã hội.
Nếu như đối với các ngành nghề kinh tế, kỹ thuật khác, vì lý do kỹ thuật khách quan nào đó, có thể tạm dừng một, hai ngày không hoạt động, thì mức độ ảnh hưởng đối với cuộc sống sẽ gây nên sự thiệt hại nhất định.
Thế nhưng nếu mất điện một, hai ngày, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và rất lớn đến từng hộ gia đình, đến cả xã hội, nhất là hiện nay chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0, hầu hết hoạt động của mọi cá nhân, mọi ngành nghề đều phụ thuộc vào nguồn điện năng.
Đóng điện kháng điện bù ngang 500 kV - 128 MVAr Trạm biến áp 500 kV Vũng Áng. Ảnh: EVNNPT |
Thứ hai, trong ngành Điện, lĩnh vực nào cũng cần thiết và quan trọng, nhưng tiếp cận và đáp ứng trực tiếp nhu cầu sử dụng điện của người dân, thì ưu thế lại thuộc về lĩnh vực truyền tải điện.
Điều đó cũng rất bình thường, bởi sau khi có nguồn điện sản xuất, chúng ta phải đưa điện về để phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp ngay tại địa bàn đó, và người làm những công việc ấy chính là “Người thợ truyền tải điện”, chứ không phải ai khác.
Suốt 10 năm qua (2008 - 2018), bằng những công việc thiết thực, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã xây dựng nên hình ảnh cao quý của mình trong lòng nhân dân.
Đó cũng chính là “tượng đài” cao quý nhất, là phần thưởng vô giá có ý nghĩa nhất và lưu giữ lâu nhất mà Tổng Công ty đã xây dựng nên.
Dân gian có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, cũng là để chỉ việc đó.
EVNNPT tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng hệ thống truyền tải điện Quốc gia” |
Nói cách khác, EVNNPT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, thắp sáng niềm tin trong trái tim của nhân dân cả nước.
Sau đây, chúng ta hãy cùng xem nội dung của những ý kiến, nhận xét, cảm nhận rất sâu sắc, chí tình, chí nghĩa của nhân dân các vùng, miền cả nước đối với ngành Điện Việt Nam, trong đó có nhiều ý kiến về những công việc rất khó khăn, vất vả, nhưng đã làm được của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Đồng chí Đinh Thị Loan, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhận xét:
“Tính đến nay, ngành Điện đã xây dựng đưa vào vận hành nhiều công trình nguồn và lưới điện trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Gần đây nhất là Dự án cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm (tỉnh Quảng Ngãi).
Thành công của Dự án này là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là minh chứng cho sự thành công của ngành Điện và là bước ngoặt lớn trong hoạt động điện lực tại miền Trung và Tây Nguyên.
Huyện đảo Lý Sơn đã được cung cấp nguồn điện ổn định, đảm bảo chất lượng cao, phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên đảo, theo giá điện như đất liền.
Những tiềm năng về kinh tế, văn hóa, xã hội có cơ hội được phát triển, tạo ra những giá trị mới xây dựng huyện đảo giàu đẹp hơn.
Từ đó, huyện đạo Lý Sơn càng nâng cao được năng lực an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam của Đảng và thực hiện thành công mục tiêu của Chính phủ về Quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam. Ngành Điện đã xứng đáng với sứ mệnh: Điện luôn đi trước một bước!”.
Công tác lâu năm trên hòn đảo giàu tiềm năng Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đồng chí Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện trình bày kỹ qua các số liệu, chứng minh tác dụng vô cùng quan trọng khi lưới điện được kéo ra đảo:
“Lưới điện trên đảo Phú Quốc đã được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định cho nhân dân trên đảo, tạo động lực mạnh cho phát triển kinh tế, xã hội trên đảo trong những năm tới.
Cùng với việc đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục, ổn định, từ tháng 2/2014, nhân dân trên đảo cũng đã được hưởng giá điện ngang bằng với giá điện trên đất liền.
Giá điện giảm từ hơn 5.000 đồng xuống còn khoảng 1.800 đồng/kWh.
Có điện lưới quốc gia, kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 trên đảo Phú Quốc cũng đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 26,46%. Nông - Lâm nghiệp tăng 12,23%; Thủy sản tăng 56%; xây dựng cơ bản tăng 23,53%; dịch vụ và các ngành khác tăng 25%.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, huyện đảo đón khoảng 280.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 26% và tổng doanh thu từ du lịch tăng 52,4% so với cùng kỳ”.
Từ góc độ công tác trên miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực Tây Nguyên, đồng chí Bùi Viết Hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) nhận xét:
“Với vai trò là chủ đầu tư của Dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện ở các tỉnh Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình là đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi cho đồng bào các dân tộc.
Dự án thành công đã tạo bước chuyển biến sâu sắc trong đời sống của người dân các vùng miền bao đời chưa có điện, và góp phần to lớn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của bà con huyện Chư Prông nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”.
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ký thỏa thuận hợp tác với đối tác từ Nga |
Tương đồng với những nhận xét, đánh giá trên, nhưng từ địa bàn một tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, đồng chí Nguyên Chương, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu nêu cảm nghĩ:
“Nhiều năm nay, ngành Điện đã đầu tư xây dựng lưới điện bằng nguồn vốn của nhiều chương trình, dự án đưa điện lưới quốc gia về các bản, làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lai Châu, mở ra tương lai tươi sáng cho các bản, làng nghèo, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu.
Trong Dự án mở rộng và cải tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa của tỉnh do ngành Điện thực hiện, điện lưới quốc gia đã cấp điện cho 16.207 hộ dân của 53 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Lai Châu là: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Mường Tè.
Trong đó, huyện Mường Tè là huyện cuối cùng trên đất liền được cung cấp điện lưới quốc gia từ Dự án.
Điện về thắp sáng đến đâu, bản làng dần đổi thay đến đó.
Bằng chứng là nhờ điện lưới quốc gia, nhiều địa phương trong tỉnh Lai Châu đã có sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.
Những cán bộ của chính quyền địa phương ở một số tỉnh miền núi, vùng biển đảo đã nhận xét, đánh giá tốt đẹp về Tổng Công ty như thế, còn người dân thì nói gì, nhận xét thế nào về ngành Điện và công việc truyền tải điện của Tổng Công ty đến với họ và cộng đồng dân cư.
Ông Giàng A Cáng, bản Lùng Than, thôn Trung Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lào Cai cho biết:
“Trước đây chưa có điện, cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản phải chịu cảnh tối tăm, quanh năm chỉ có đèn dầu tù mù.
Đầu năm 2014, bản được ngành Điện kéo điện lưới quốc gia về tận hộ gia đình, bà con vui lắm, nhiều nhà giờ đã mua sắm được máy xay xát, quạt điện, đài ti vi, nồi cơm điện... phục vụ cuộc sống gia đình.
Đặc biệt, nhờ có điện đã giúp bà con đọc sách, báo, nghe đài để hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu xúi dục, tập trung làm ăn phát triển kinh tế gia đình”.
Những người lính truyền tải điện luôn sẵn sàng với những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm để đảm bảo dòng điện ổn định. ảnh: EVNNPT. |
Còn bà Vàng La Só ở bản A Pa Chải 1 xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thì kể lại một cách hồn nhiên, giản dị khi điện lưới được kéo về tới bản:
“Từ ngày có điện, tiện lợi lắm, muốn uống nước chè thì chỉ cần đợi mấy phút là có nước sôi để pha, chứ không phải đun bằng bếp củi nữa.
Cuộc sống sinh hoạt của nhà cũng thuận tiện hơn nhiều; bữa cơm tối không phải ăn sớm vì sợ mất điện nữa; được xem ti vi với nhiều chương trình vui chơi và cả học hỏi các mô hình làm kinh tế; các cháu học sinh có đủ điện sáng để học bài, không còn phải căng mắt ra đọc chữ dưới ánh sáng tù mù của đèn dầu.
Trước đây, xát lúa cho bà con bằng máy phát điện chạy xăng dầu bị tiếng máy nổ làm inh tai, nhức óc, mùi xăng khói nhiều, lại thêm tiền dầu tốn kém.
Tôi thường phải tập trung 5 - 6 hộ mới nổ máy xát một thể, giờ thì bất cứ lúc nào có khách xát lúa là tôi chỉ cần cắm điện để chạy máy, vừa đỡ nhiều vất vả, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Già làng Rơ Chăm Jú ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai tâm sự về lợi ích của việc trồng và thu hái cà phê khi lưới điện được kéo về:
“Trước đây vì không chủ động được nước tưới, bà con bản chủ yếu trồng cà phê mít - giống địa phương, có khả năng chịu hạn cao nhưng năng suất thấp.
Từ khi có điện, điều mà bà con vui cái bụng lắm, nhất là mua được máy bơm chủ động tưới vườn, do đó đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê Robusta có năng suất, chất lượng cao, thu nhập khá hơn.
Bà con ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn ngành Điện lắm”.
Sở dĩ nêu ra những ý kiến và cảm nhận của một số cán bộ, nhân dân ở các tỉnh miền núi, vùng biển đảo của Tổ quốc, vì đó chính là những địa bàn khó khăn nhất, thể hiện sự gian nan nhất của những “Người thợ truyền tải điện”.
Họ sẽ phải vượt qua mưa gió, núi cao, sóng biển để kéo đường dây trong tình trạng phương tiện có trong tay chưa phải là hiện đại, mà chủ yếu là với tinh thần quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên và sự sáng tạo của họ, đã trở thành yếu tố cơ bản và chủ yếu, để đem đến sự thành công và họ đã xứng đáng được nhận lại những lời khen ngợi một cách chân thành và chính đáng của nhân dân.
Những người thợ của Tổng Công ty còn là những người trực tiếp và nòng cốt thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn, mà theo nhận định của Bộ Công thương và Ngân hàng thế giới (World Bank), quá trình điện khí hóa nông thôn đã đóng góp khoảng 30 - 40% vào việc phát triển kinh tế tại những khu vực ấy.
Là một doanh nghiệp lớn của ngành Điện Việt Nam, nên việc truyền tải điện phục vụ và đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại trên phạm vi cả nước, là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Tổng Công ty để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đem lại doanh thu và lợi nhuận cho chính đơn vị doanh nghiệp đó và cũng là cho Tổng Công ty, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội chung của đất nước.
Chúng ta hãy nghe doanh nghiệp, cũng là đối tác và bạn hàng lâu năm nhận xét về Tổng Công ty.
Giám đốc sản xuất Lin Cheng Bin của Công ty Lâm Viên (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài cho biết:
“Công ty chúng tôi chuyên sản xuất ốc vít ô tô, xe máy, nên nhu cầu sử dụng điện là rất lớn, mỗi tháng khoảng 1 triệu kWh điện.
Những năm trước, lưới điện không ổn định, xảy ra nhiều sự cố mất điện. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, tình trạng này đã được cải thiện rất nhiều.
Tôi đã làm việc ở Việt Nam hơn 11 năm, phụ trách lĩnh vực điện năng.
Tôi cho rằng sự phối hợp giữa ngành Điện và Công ty chúng tôi là tương đối tốt. Mỗi lần có sự cố, chỉ 20 phút công nhân Điện lực đã có mặt để xử lý”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng những cán bộ quản lý ở các cấp, các ngành và người dân, cùng các doanh nghiệp - những đối tác, bạn hàng thường xuyên, đã có nhiều nhận xét hết sức sâu sắc về EVNNPT thông qua những việc làm cụ thể và thiết thực, chứ họ không căn cứ vào những lời nói, những chương trình sáo rỗng trên giấy tờ, vì điều đó chẳng đem lại lợi ích nào cho họ cả.
Đến nay, mô hình tổ chức và hoạt động của EVNNPT được đánh giá là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời đáp ứng được cơ bản yêu cầu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.
Tóm lại, chúng ta có thể dẫn ra đánh giá chính thức của Tiến sĩ Đặng Phan Tường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty về hoạt động của Tổng Công ty sau 6 năm thành lập (2008 - 2014), bởi đánh giá đó vẫn mang tính thời sự nóng hổi cho hoạt động suốt 10 năm qua của Tổng Công ty (2008 - 2018) về Bản lĩnh người lính - người thợ truyền tải điện, cũng chính là bản lĩnh vững vàng vượt muôn vàn khó khăn, thử thách của Tổng Công ty:
“Cách đây hơn 6 năm, không ít người tỏ ra lo lắng trước những khó khăn, thách thức mà EVNNPT phải đối mặt, khi mà bên ngoài là ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng khó khăn của đất nước; bên trong là tình trạng quá tải trên diện rộng của hệ thống lưới điện truyền tải và thiếu vốn đầu tư trầm trọng, hàng loạt công trình, đặc biệt là các công trình đồng bộ với nguồn có khả năng chậm tiến độ...
Tất cả những khó khăn, thách thức đó đã đè nặng lên vai của EVNNPT vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mới thành lập với “vạn sự khởi đầu nan”.
Tuy nhiên với đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực truyền tải điện cả về kỹ thuật và quản lý, EVNNPT đã lựa chọn chính xác các khâu đột phá và tập trung nhân lực, vật lực vào giải quyết các nút thắt trọng yếu, từ đó tiến hành đồng thời củng cố tổ chức, thống nhất cơ chế quản lý.
Thực tế đã chứng minh hướng đi đúng của EVNNPT, hàng loạt công trình trọng điểm đã nhanh chóng hoàn thành.
Sau 6 năm, EVNNPT đã đóng điện hàng trăm công trình, lưới điện truyền tải đã được mở rộng tới mọi miền đất nước, đảm bảo chất lượng và số lượng”.
Với sự nỗ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, cùng những kết quả, thành tựu gây tiếng vang lớn trong suốt 10 năm qua, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thành viên xứng đáng được đón nhận những phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trao tặng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; 02 Bằng khen của Bộ Công thương; 01 cờ thi đua xuất sắc và 02 Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Các đơn vị thành viên: Công ty Truyền tải điện 1: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2015); Công ty Truyền tải điện 3: Huân chương Độc lập hạng Ba (2013); Công ty Truyền tải điện 4: Huân chương Lao động hạng Nhất (2014).
Dĩ nhiên hàng trăm công trình và hàng nghìn kilômét lưới điện, cùng những phần thưởng cao quý ấy không thể nào có được, nếu không có sự làm việc hết sức tích cực, thậm chí tới mức quên mình của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân kỹ thuật, viên chức và người lao động của Tổng Công ty trong việc xây dựng và đảm bảo sự vận hành liên tục của lưới điện truyền tải.
Họ chính là “công trình sư” của những công trình ấy, là những người thay mặt ngành Điện của đất nước thắp sáng niềm tin trong các tầng lớp nhân dân và khẳng định vị thế ngày càng cao của Tổng Công ty trên thị trường điện lực Việt Nam và thị trường điện khu vực Đông Nam Á.