"Tôi thấy lạ là các dự án bất động sản quanh khu vực Hà Nội chỉ thấy nói giảm giá, chứ thực tế không hề giảm", đây là lời của ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại phiên họp trực tuyến với Chính phủ vào ngày 23/12.
Theo ông Thảo, các chính sách vừa qua về nhà ở xã hội dù sao cũng chỉ mang tính hỗ trợ, muốn giá bất động sản giảm thật sự thì chủ đầu tư phải nói thật, làm thật: Giảm giá thực các dự án bất động sản.
Ông Thảo chỉ rõ là xung quanh Hà Nội có biết bao nhiêu dự án đang đắp chiếu, thế nhưng đưa ra giá thì vẫn rất cao và khẳng định: “Các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cũng phải chấp nhận quy luật của thị trường, tức là giảm giá thành sản phẩm thì mới mong qua được giai đoạn khó khăn, chứ không thể kiểu một mình một chợ. Trong điều hành chủ trương có thể rất đúng đắn nhưng rất nhiều cơ chế chính sách không đi vào cuộc sống vì không phù hợp với thực tế”.
Qua đó, Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị phải có một giải pháp đủ mạnh về tín dụng thì mới vực được thị trường bất động sản.
Như vậy, phát biểu của ông Thảo hoàn toàn đi ngược với vào báo cáo của Bộ Xây dựng trước đó, khẳng định: Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên sau những động thái kích cầu của cơ quan quản lý lẫn các chủ đầu tư. Đặc biệt, giá bất động sản đã giảm mạnh trong suốt một thời gian dài, nhiều dự án giảm tới 50%, đưa mức giá tại nhiều dự án về ngang bằng giá của năm 2006.
Và cho tới sáng nay, ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có "cơ hội" phản pháo ý kiến của ông Thảo khi phát biểu trước Chính phủ.
Tư lệnh ngành xây dựng khẳng định, tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cùng với triển khai chiến lược nhà ở đã đạt được những kết quả rất tích cực. Giá bất động sản đã giảm mạnh về sát giá trị thực, phù hợp với khả năng thanh toán của nền kinh tế.
Nhìn chung giá bất động sản đã giảm bình quân từ 10 – 30%, có một số dự án giảm tới 50%, do giá trước đây là giá ảo, nên buộc các doanh nghiệp phải giảm về giá trị thực để tăng thanh khoản, cũng như tiết giảm các chi phí, cấu trúc lại các dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ông Dũng chỉ ra thí dụ ngay tại Hà Nội, chỉ số giá nhà chung cư giảm từ quý 1/2013 đến nay, trong đó khu Cầu Giấy trong quý 3/2013 đã giảm 27% so với quý 1; khu chung cư trung - cao cấp giảm 15%. Các quận Thanh Xuân, Hà Đông… đều giảm từ 12 – 21%, thậm chí dự án Nam An Khánh đã giảm tới 50% so với mức giá năm 2010.
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội và TPHCM còn rất cao, nguồn cung hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, người đứng đầu ngành xây dựng cũng lý giải nguyên nhân giải ngân gói 30.000 tỷ bị chậm so với mục tiêu là vì nguồn cung nhà ở xã hội vẫn hạn chế và thủ tục yêu cầu chặt chẽ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa hiệu quả.
Như vậy, phát biểu của ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Xây dựng đanh "vênh" nhau và người dân không biết tin ai? Ai đúng, ai sai thực chất không phải là vấn đề mà người dân quan tâm. Cái mà người dân quan tâm lúc này là họ có mua được nhà ở hay không, thủ tục mua nhà có thuận lợi không, và có dự án để lựa chọn hay không? Mà điều này thì không chỉ phụ thuộc vào riêng nỗ lực của Bộ Xây dựng hay TP.Hà Nội.