Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: Theo Nghị định 59/NĐ-CP, các doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa có thể lựa chọn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước hoặc sau khi bán đấu giá cổ phần ra công chúng (IPO trong nước).
Ngay sau khi phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Tổng công ty sẽ tổ chức triển khai bán chiến lược theo quy trình bán chiến lược do tư vấn tài chính quốc tế Morgan Stanley & Citigroup xây dựng và quản lý cho Tổng công ty.
Thời gian hoàn thành bán chiến lược của Vietnam Airlines là 06 tháng. |
Tuy nhiên, thời điểm phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cụ thể sẽ phụ thuộc rất lớn vào tiến trình đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng.
Dự kiến, thời gian hoàn thành bán chiến lược là 06 tháng kể từ ngày gửi bản công bố thông tin ngắn cho các nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, dự kiến thời hạn 03 tháng kể từ ngày Phương án cổ phần hóa của Tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty sẽ hoàn thành việc đấu giá cổ phần ra công chúng.
Nhà đầu tư chiến lược được mua 21 triệu cổ phần
Về vốn điều lệ, giai đoạn 1 được thực hiện trong năm 2014 với tổng khối lượng phát hành cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và các đối tượng khác là 25% vốn điều lệ sau cổ phần hóa, tỷ lệ nhà nước sở hữu là 75% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Hiện vốn điều lệ của tổng công ty là 14.100 tỷ đồng, tương ứng với 1.410 tỷ cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng). Trong đó, cơ cấu sở hữu cổ phần được dự kiến như sau: 75% do Nhà nước nắm giữ tương ứng 1,057 tỷ cổ phần.
Hơn 282 triệu cổ phần sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 20%. Cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 3,465%, tương đương 48,8 triệu cổ phiếu. Gần 21 triệu cổ phần còn lại bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, tương đương 1,485%.
Trong giai đoạn 2 sẽ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hoặc phát hành thêm cổ phiếu trên thị trường trong nước và quốc tế để giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống không thấp hơn 65%.
Cũng theo ông Minh, tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp Tổng công ty không có lao động nào thuộc diện dôi dư cần phải sắp xếp lại.
Ảnh minh họa. |
Về việc lựa chọn cổ đông chiến lược cũng được Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Vietnam Airline hết sức quan tâm. Cho dù định hướng là lựa chọn các tập đoàn/hãng hàng không hoặc nhà đầu tư tài chính với số lượng không quá 3 cổ đông chiến lược, nhưng ưu tiên của Hãng là chỉ lựa chọn một tập đoàn hoặc một hãng duy nhất.
Xin giữ nguyên tên gọi
Theo chiến lược phát triển đội tàu bay đã được Thủ tướng phê duyệt, trong 5 năm 2014-2018 sẽ cần trên 63.000 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2016, Vietnam Airline sẽ huy động khoảng 44.124 tỷ đồng để mua tàu bay, trong đó có ít nhất 4 tàu bay A350, 5 tàu bay B787…
“Tổng công ty xin phép Thủ tướng Chính phủ giữ tên gọi và hình ảnh sau khi chuyển thành công ty cổ phần”, lãnh đạo Vietnam Airline đề xuất.
Lạc quan về bức tranh kinh doanh sau IPO?
Theo Quyết định số 1807/QĐ-BGTVT về việc công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Vietnam Airlines có giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán tại thời điểm 31/3/2013 là hơn 57.156 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 10.576 tỷ đồng.
“Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 2016 ước đạt 14,42-18,97%, tổng công ty hoàn toàn có khả năng trả cổ tức ở mức hấp dẫn cho cổ đông”, tờ trình của VietNam Airlines cho biết.
Tại cuộc họp quan trọng này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao báo cáo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Theo đó, Thứ trưởng Trường đồng ý vẫn giữ nguyên tên của Tổng công ty vì đây đã là thương hiệu của quốc gia theo phương án của Ban chỉ đạo Tổng công ty; đồng ý với tổng số vốn điều lệ là 14.101.840.000.000 đồng; đồng ý với cơ cấu, mô hình tổ chức Tổng công ty đề xuất.