Vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2025 với 50 ngành, chương trình đào tạo thuộc 9 lĩnh vực khác nhau, trong đó có 5 ngành học mới được mở ra. Đáng chú ý, trong mùa tuyển sinh này, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu đào tạo ngành Công nghệ sinh học, mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Ngành Công nghệ sinh học được Nhà nước đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, trường đào tạo cũng như hàng loạt cơ sở triển khai ứng dụng công nghệ sinh học đã được hình thành trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này hiện vẫn còn đang thiếu hụt nên triển vọng nghề nghiệp dành cho người theo học ngành Công nghệ sinh học là rất lớn.
Công nghệ sinh học mang đến nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống
Với những thành tựu khoa học công nghệ vượt bậc của nhân loại, Công nghệ sinh học từ thế kỷ XX đã trở thành một ngành kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới. Lĩnh vực này mang đến nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống như: nông nghiệp, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và môi trường.
Tại Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học đã phát triển, nhưng tầm quan trọng của lĩnh vực này chưa thực sự được nhìn nhận rõ ràng. Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ngành nghề nào cũng cần có sự tham gia và liên quan của công nghệ, đặc biệt là khối ngành sức khỏe nói chung. Vì vậy, nhu cầu nhân lực ngành này trong tương lai dự báo sẽ tăng cao, khi nước ta đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao sinh học trong giai đoạn chuyển đổi số.
![Sinh viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được hướng dẫn thực hành tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn đặt tại nhà trường. Ảnh: HNUE. Sinh viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được hướng dẫn thực hành tại phòng thí nghiệm đạt chuẩn đặt tại nhà trường. Ảnh: HNUE.](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_11/photo-1739151911719-1739151912907789710321-7940.jpg)
Bàn về lý do mở chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ sinh học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Trưởng khoa Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải, ngành Công nghệ sinh học là một lĩnh vực rất có giá trị ý nghĩa, nhằm hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Về một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết 57, đó là: "Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học. Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tài năng trên các lĩnh vực".
Đồng thời, Nghị quyết số 18/CP của Chính phủ ngày 11/3/1994 về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 đã nêu rõ: “Cùng với các ngành công nghệ mũi nhọn khác (công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới), công nghệ sinh học sẽ góp phần khai thác tối ưu các nguồn lực của đất nước phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và chuẩn bị những tiền đề cần thiết về mặt công nghệ cho đất nước tiến vào thế kỷ 21”.
Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng nêu: “Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định công nghệ sinh học là công nghệ được ưu tiên phát triển”.
![Sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tích cực tham gia các cuộc thi và hoạt động ngoại khóa. Ảnh: HNUE. 467744858_586160167319262_3143058765507592549_n.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_11/467744858-586160167319262-3143058765507592549-n-244-600.jpg)
Đối với Việt Nam, ngành Công nghệ sinh học là một lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và y dược. Những sản phẩm của ngành này xuất hiện trong đời sống của chúng ta thường xuyên và ở khắp mọi nơi. Trong tương lai, lĩnh vực này là một trong những ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tạo ra sức ảnh hưởng lớn, cần sự kế thừa và đóng góp của thế hệ trẻ ngày nay.
Trên nền tảng của Bộ môn Công nghệ sinh học - Vi sinh đã được thành lập từ năm 2001, ngày 22/1/2025, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có Quyết định số 309/QĐ-ĐHSPHN mở ngành Công nghệ sinh học (mã số 7420201). Theo đó, nhà trường chính thức tuyển sinh đại học ngành Công nghệ sinh học từ năm 2025.
Nhiều lợi thế khi theo đuổi ngành Công nghệ sinh học
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn, chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được xây dựng dựa trên tham khảo các hệ thống kiến thức tiên tiến của một số trường đại học trên thế giới tại những quốc gia phát triển có nền công nghệ sinh học hiện đại, đồng thời kế thừa một số nội dung học liệu phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực trong nước.
Là một chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao được thiết kế với 132 tín chỉ, ngành Công nghệ sinh học có các học phần chuyên ngành tập trung trang bị cho người học những kiến thức sinh học nền tảng cho công nghệ sinh học như: Hóa sinh học, Di truyền học, Sinh học phân tử, Sinh học tế bào, Sinh học cơ thể, Vi sinh vật học, Miễn dịch học,...
Hơn nữa, một số học phần mới cũng được nhà trường triển khai thực hiện giảng dạy như Tin sinh học, Khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ. Từ đó, sinh viên dễ dàng có khả năng tự học, tự nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu các học phần về công nghệ như: công nghệ gen, công nghệ enzyme, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học vi sinh,…
![Đội ngũ thầy cô cán bộ, giảng viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE. Đội ngũ thầy cô cán bộ, giảng viên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE.](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_11/7-2-dhsp-1-4097.jpg)
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tăng cường xây dựng những học phần tự chọn để người học có thể định hướng theo các vấn đề ứng dụng khác nhau phù hợp với thế mạnh của bản thân như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp, Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường, Ứng dụng công nghệ sinh học trong y học,…
Nhằm trang bị cho sinh viên khả năng ứng dụng nhanh và sáng tạo kiến thức Công nghệ sinh học vào thực tiễn sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo của nhà trường đặc biệt chú trọng kỹ năng thực hành trong phòng thí nghiệm hiện đại, kỳ thực tập nghề nghiệp và thực hiện khóa luận tốt nghiệp tại các viện nghiên cứu uy tín như: Viện Công nghệ Sinh học, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền, Viện Chăn nuôi, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản 1, Viện Công nghệ môi trường,…
Mặt khác, người học còn có cơ hội tiếp cận thực tế tại các cơ sở sản xuất ứng dụng như: sản xuất thực phẩm và đồ uống, nuôi cấy mô cây trồng, nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu, phát triển tảo, sản xuất dược phẩm, vaccine, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học, chế phẩm xử lý môi trường, polymer sinh học và vật liệu mới,… Có thể nói, những trải nghiệm này giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn, mà còn tự tin tham gia vào thị trường lao động với kỹ năng thực hành vững vàng, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn nghề nghiệp.
Ngoài ra, cùng với triết lý giáo dục khai phóng, chương trình đào tạo lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sinh viên chủ động khám phá tri thức, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự học, tự nghiên cứu. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không chỉ trang bị hệ thống giáo trình chuyên sâu bằng tiếng Việt mà còn cập nhật các tài liệu, giáo trình tham khảo bằng tiếng Anh, giúp sinh viên mở rộng nền tảng kiến thức và sẵn sàng hội nhập, tiệm cận chất lượng đào tạo với quốc tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người học tham gia các chương trình trao đổi tín chỉ quốc tế của nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín, có danh tiếng trên thế giới đã ký kết hợp tác với nhà trường.
![Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Chăn nuôi. Ảnh: HNUE. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Chăn nuôi. Ảnh: HNUE.](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_11/7-2-dhsp-2-240.jpg)
Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thiết kế gắn liền với tiêu chí chuẩn đầu ra rõ ràng, cam kết trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn tư duy đổi mới, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần liêm chính và trách nhiệm với cộng đồng. Mục tiêu cuối cùng là đào tạo những thế hệ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết, tinh thần cống hiến phụng sự cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Cơ hội việc làm rộng mở với đa dạng trong nhiều lĩnh vực
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng khoa Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, người học ngành Công nghệ sinh học sau khi tốt nghiệp ra trường có thể lựa chọn làm việc ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau rất đa dạng.
Với cách tiếp cận và xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến của khu vực và trên thế giới, bám sát theo yêu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động trong và ngoài nước, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học có thể đảm nhiệm những công việc như: phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; phụ trách quản lý hệ thống và kiểm định dây chuyền sản xuất của nhà máy; phụ trách theo dõi và kiểm soát vi sinh sản phẩm; chẩn đoán bệnh bằng công nghệ di truyền, liệu pháp gen, công nghệ tế bào gốc; nghiên cứu và chế tạo vaccine; phụ trách lai tạo, chuyển gen để tạo ra giống cây trồng mới; ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường;…
Không chỉ vậy, cử nhân ngành Công nghệ sinh học nếu có nhu cầu thì còn có thể tiếp tục học lên cao học, trở thành nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực về công nghệ sinh học, di truyền, hóa sinh, vi sinh vật học,...
![Giảng viên và sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: HNUE. 467629002_585291130739499_5971252639256092852_n.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/wffszyrotpx/2025_02_11/467629002-585291130739499-5971252639256092852-n-625-4642.jpg)
Bên cạnh chuyên môn, cử nhân tốt nghiệp ngành học này còn sở hữu năng lực đọc hiểu và giao tiếp tiếng Anh thành thạo, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo cũng như sự nhạy bén trong môi trường làm việc đa quốc gia. Những phẩm chất này giúp sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhanh chóng thích nghi, phát triển sự nghiệp cả trong nước lẫn quốc tế, sẵn sàng trở thành những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển của ngành Công nghệ sinh học trong tương lai.
Được biết, về đội ngũ giảng viên, Khoa Sinh học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện có 45 cán bộ giảng dạy, trong đó có 14 phó giáo sư và 19 tiến sĩ. Đặc biệt, các thầy cô giảng viên trong lĩnh vực Công nghệ sinh học đều được đào tạo bài bản tại những trường đại học danh tiếng trên thế giới ở Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Đội ngũ tham gia công tác giảng dạy không chỉ sở hữu nền tảng học thuật vững chắc, mà còn là những nhà khoa học chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng trong nước và hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.
Với chương trình đào tạo được cập nhật theo tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp cùng môi trường học tập hiện đại và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có khả năng đáp ứng linh hoạt trước nhu cầu thị trường lao động toàn cầu. Không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn và ứng dụng thực tiễn, người học còn được trang bị kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành Công nghệ sinh học này.
Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2025, với 80 chỉ tiêu dự kiến, nhà trường áp dụng 3 phương thức tuyển sinh cho ngành Công nghệ sinh học, bao gồm: Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo 3 tổ hợp xét tuyển (40 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - SPT theo 3 tổ hợp xét tuyển (24 chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội (16 chỉ tiêu).