Thách thức của trường vùng khó khăn khi giảng dạy nội dung Giáo dục địa phương

03/02/2025 06:56
Khánh Hòa

GDVN- Nội dung GD địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, nhưng việc thiếu GV có chuyên môn để giảng dạy và kinh phí tổ chức đã tạo ra nhiều khó khăn.

Các trường thuộc khu vực khó khăn, việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí còn gặp khó

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Việc đưa Nội dung Giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giáo dục, giúp học sinh hiểu được các vấn đề ở địa phương gắn với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Điều này góp phần giữ vững và phát huy bản sắc văn hóa và giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào về quê hương; từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

Thông qua hoạt động giáo dục này, học sinh sẽ được trang bị những hiểu biết về nơi mình sinh sống; bồi dưỡng tình yêu quê hương; ý thức tìm hiểu, vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương; giáo dục các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi nhằm phát triển toàn diện cho học sinh.

Hiện tại, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Sa Pa đang thực hiện giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND, ngày 22/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc điều chỉnh khung môn Giáo dục địa phương đối với cấp trung học cơ sở và lớp 10 cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là nội dung giáo dục mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp trung học cơ sở.

Để đảm bảo thực hiện được nội dung dạy học Nội dung Giáo dục địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đã tập trung chỉ đạo các trường trung học cơ sở chuẩn bị các điều kiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đối với nội dung Giáo dục địa phương cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường (đội ngũ, số lớp; cơ sở vật chất), đảm bảo đủ số tiết theo quy định (35 tiết/năm học đối với cấp trung học cơ sở bao gồm các tiết dạy học và tiết kiểm tra định kỳ theo quy định).

Thứ hai, cử giáo viên dạy Nội dung Giáo dục địa phương tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức về xây dựng kế hoạch giáo dục; phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra đánh giá học sinh. Đồng thời, chuẩn bị về tài liệu, chương trình dạy học.

Tài liệu Giáo dục địa phương do tỉnh Lào Cai phát hành theo Quyết định số 3212 và cung cấp (nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt). Việc phân phối Nội dung Giáo dục địa phương cơ bản đảm bảo phù hợp theo từng lĩnh vực: địa lý, kinh tế, văn hóa gắn liền với việc tổ chức dạy học các môn khoa học khác trong chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

thay-loi.jpg
Thầy Phạm Văn Lợi - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về thực tiễn triển khai trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Nội dung Giáo dục địa phương góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông giúp học sinh tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị tại địa phương. Từ đó, học sinh có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn; có ý thức xây dựng, đóng góp cho địa phương, học sinh thêm yêu quý, gắn bó với con người tại địa phương nơi mình sinh sống.

Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã triển khai các văn bản của Bộ, Sở và Phòng tới các cơ sở giáo dục để triển khai cũng như tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, tư vấn, thúc đẩy kịp thời giúp nhà trường thực hiện hiệu quả.

Tài liệu Giáo dục địa phương được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên kết hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ban hành. Đặc điểm riêng của chương trình Giáo dục địa phương là được biên soạn thành bộ tài liệu có vị trí như sách giáo khoa, với nội dung thuộc nhiều lĩnh vực, xây dựng theo 4 chủ đề: Văn hoá, lịch sử, truyền thống; Địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; Chính trị - xã hội; Môi trường.

Nội dung Giáo dục địa phương đã và đang được triển khai và thống nhất trên toàn huyện, hiện nay, tài liệu đã được in và phân phối đầy đủ cho các trường học”.

61a20a2d1733ab6df222.jpg
Thầy Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Lê Như Hiếu, cán bộ chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Huyện Mường Khương hiện đang triển khai dạy học Nội dung Giáo dục địa phương ở 100% các trường cấp tiểu học và trung học cơ sở. Trên địa bàn huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung đang sử dụng bộ tài liệu Giáo dục địa phương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, in ấn và phát hành.

Nội dung Giáo dục địa phương ở cấp tiểu học được tích hợp thực hiện trong Hoạt động trải nghiệm và một số môn học gắn với tự nhiên, xã hội. Cấp trung học cơ sở thực hiện dạy học nội dung này thông qua môn Nội dung Giáo dục địa phương; nội dung theo các chủ đề gắn với các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Học sinh được đánh giá, xếp loại bộ môn này bằng nhận xét, thông qua 2 mức là Đạt, Chưa đạt”.

Theo thầy Hiếu, việc triển khai thực hiện bộ môn Giáo dục địa phương được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương chỉ đạo các đơn vị trường căn cứ hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông.

“Việc tổ chức dạy học theo các chủ đề trong tài liệu, bố trí số tiết dạy, hình thức dạy, giáo viên dạy... do các trường linh hoạt và chủ động thực hiện theo kế hoạch giáo dục của từng đơn vị dựa trên điều kiện, số lượng, cơ cấu giáo viên của từng trường; đảm bảo yêu cầu thực hiện đủ các nội dung tích hợp đối với cấp tiểu học và 35 tiết/năm học đối với cấp trung học cơ sở theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc tổ chức thực hiện Nội dung Giáo dục địa phương, trong đó học sinh được tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh ở địa phương, giúp học sinh có thể tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm, truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương. Từ đó, hình thành cho các em lòng yêu quê hương đất nước, ý thức giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, các đơn vị trường trên địa bàn huyện Mường Khương đa số thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, đời sống của nhiều gia đình học sinh còn thiếu thốn, nên việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí cho học sinh tham quan, trải nghiệm những di tích, thắng cảnh nổi bật trong huyện cũng như trong và ngoài tỉnh còn gặp nhiều khó khăn” - thầy Hiếu chia sẻ.

66408962998525db7c94.jpg
Học sinh trên địa bàn huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) tìm hiểu về Nội dung Giáo dục địa phương. Ảnh: NVCC.

Thiếu giáo viên có chuyên môn, nhà trường khó phân công và xếp thời khóa biểu

Theo thầy Lê Như Hiếu, khó khăn trong triển khai môn Giáo dục địa phương ở cấp trung học cơ sở là do có nhiều chủ đề liên quan đến nhiều môn học; một giáo viên thực hiện sẽ gặp khó khăn và khó đạt hiệu quả giáo dục. Việc bố trí giáo viên thuộc các bộ môn khác nhau thực hiện các chủ đề của môn học sẽ tạo hiệu quả tốt hơn trong dạy học. Tuy nhiên, chính điều này lại gây khó khăn cho nhà trường trong bố trí, phân công dạy học và xếp thời khóa biểu, dẫn đến khó khăn để xác định và tính tiết dạy định mức cho giáo viên, trong khi đó đội ngũ giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý tại các trường còn thiếu.

Để thực hiện tốt việc tổ chức dạy học đối với Nội dung Giáo dục địa phương, thầy Lê Như Hiếu cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương đã tổ chức rà soát, cân đối, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các đơn vị trường trong huyện, đặc biệt là đội ngũ giáo viên các bộ môn dạy môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật của cấp học trung học cơ sở. Việc này giúp bố trí đủ giáo viên dạy học đối với Nội dung Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, chỉ đạo các trường ưu tiên, bố trí nhóm giáo viên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý dạy học Nội dung Giáo dục địa phương theo các chủ đề có nội dung gắn với các môn học.

Tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp huyện về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đối với môn Giáo dục địa phương để thống nhất thực hiện trong toàn huyện”.

Để Nội dung Giáo dục địa phương ngày càng được triển khai tốt hơn, thầy Hiếu cho rằng, cần tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy học để tìm kiếm tư liệu dạy học trên Internet, tổ chức trải nghiệm cho học sinh bằng hình ảnh, video clip. Tiếp tục thực hiện sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp huyện để trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện môn học. Đồng thời, tổ chức xây dựng thời khóa biểu hằng tuần, bố trí giáo viên có chuyên môn gắn với từng chủ đề để phân công dạy học.

Thầy Phạm Văn Lợi cho biết thêm, đây là nội dung dạy học mới, cơ bản không có giáo viên chuyên môn đào tạo tổng thể về Nội dung Giáo dục địa phương: “Trong quá trình triển khai, giáo viên phải bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá học sinh. Thời gian đầu triển khai thực hiện, việc cấp tài liệu còn chậm so với kế hoạch năm học. Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay đã cơ bản cung cấp tài liệu đảm bảo.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên một số bộ môn còn thiếu như: môn Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, nên khi tổ chức dạy Nội dung Giáo dục địa phương liên quan tới các chủ đề thuộc các bộ môn nêu trên, các trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện”.

Cùng quan điểm đó, thầy Phạm Thiết Chùy cho biết thêm, khó khăn lớn nhất là hiện tại chưa có giáo viên được đào tạo để đảm nhiệm giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương, nên các nhà trường dù đang thiếu giáo viên vẫn phải tăng cường thêm thầy cô các bộ môn liên quan kiêm nhiệm giảng dạy.

Để khắc phục khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã triển khai tới 100% trường học trên địa bàn huyện các tài liệu, văn bản chỉ đạo của các cấp về Nội dung Giáo dục địa phương. Xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương trong các nhà trường.

Đồng thời, yêu cầu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện hiệu quả như: tài liệu giảng dạy, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, giáo viên. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức địa phương đã có sự phối hợp với các nhà trường để bổ sung tư liệu và hỗ trợ việc giảng dạy có hiệu quả, tác động tới học sinh trong quá trình tìm hiểu và học tập.

“Để nâng cao hiệu quả giảng dạy, tôi cho rằng, trước hết cần thay đổi nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên về vai trò, vị trí của Nội dung Giáo dục địa phương. Cụ thể, đây là hoạt động giáo dục bắt buộc tương đương như các môn học khác và có giá trị tích cực trong việc phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh”, thầy Chùy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng đề xuất thêm: “Thứ nhất, xây dựng kế hoạch dạy học khoa học, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, linh hoạt để giúp học sinh yêu thích hoạt động giáo dục này, từ đó tăng khả năng tự học, tự khám phá về quê hương, nhất là nơi các em đang sinh sống.

Thứ hai, nghiên cứu các chủ đề trong tài liệu Giáo dục địa phương, các nguồn tài liệu có liên quan, sưu tầm video, tranh ảnh về địa phương để tự làm giàu kiến thức về địa phương, từ đó hướng dẫn học sinh được hiệu quả hơn trong quá trình học.

Thứ ba, có thể phối hợp với các cấp, các ngành, thực hiện làm phim về nhân vật, sự kiện, con người địa phương. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm những đoạn phim ngắn về chủ đề địa phương. Thông qua đó, giáo dục cho học sinh lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.

Thứ tư, tích hợp Nội dung Giáo dục địa phương với các môn học khác nếu phù hợp, nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh. Đưa những vấn đề của giáo dục địa phương vào thực tế thông qua trải nghiệm như tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động bảo vệ môi trường địa phương”.

Khánh Hòa