Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (HUB) có trụ sở chính đặt tại 36 đường Tôn Thất Đạm, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và 2 cơ sở khác ở 39 Hàm Nghi (Quận 1), 56 Hoàng Diệu 2 (thành phố Thủ Đức).
Nhà trường chính thức được thành lập vào ngày 16/12/1976. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 20/8/2003, trường chính thức lấy tên gọi là Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 174/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Hà là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường.
Vừa qua, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã ban hành kết luận số 41/KL-TTGSNH7 về việc thanh tra hành chính tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.
![Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống (ảnh: NVCC) pgs-nguyen-thien-tong.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/dqmblcvo/2025_02_13/pgs-nguyen-thien-tong-3315-2002.jpg)
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh như: Đăng tải công khai thông tin tuyển sinh hệ đào tạo thạc sĩ trên trang thông tin điện tử của trường thiếu hình thức đào tạo vừa làm, vừa học/theo nhu cầu. Quy định về mức học phí của hệ đào tạo thạc sĩ chính quy là 22.050.000 đồng/năm/học viên là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, và không đúng quy định mức thu học phí của trường trong năm học 2021-2022, 2022-2023; Về việc quản lý phí, học phí: Kết quả kiểm tra sổ chi tiết tài khoản tiền mặt cho thấy trường chưa thực hiện chuyển học phí thu bằng tiền mặt vào tài khoản của trường mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc là ngân hàng thương mại để quản lý, chưa thực hiện theo quy định; Nhà trường chưa thực hiện đúng việc thanh toán đơn giá dạy thêm giờ áp dụng chung đối với cán bộ, viên chức giảng dạy... Cùng với đó, kết luận thanh tra nêu tồn tại, hạn chế trong cho thuê tài sản công của trường như là chậm triển khai xây dựng Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, sử dụng một số tài sản công vào mục đích cho thuê nhưng không thông qua đấu giá.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho biết: “Thông thường, tài sản công cho thuê không qua đấu giá sẽ gây nhiều băn khoăn. Quy định đã có mà trường làm không đúng thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu thời điểm xảy ra”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, với nhiều tồn tại, hạn chế được kết luận thanh tra chỉ ra tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải đặt câu hỏi về hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ, hệ thống này vai trò ở đâu để những vấn đề này tồn tại như vậy?.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Việc đem tài sản công đi cho thuê mà không thông qua đấu giá rõ ràng là không đúng các quy định của pháp luật, có nguy cơ gây lãng phí”.
“Trách nhiệm để xảy ra các tồn tại hạn chế này trong kết luận thanh tra đã chỉ rõ. Về tổng thể, hiệu trưởng nhà trường thời điểm tồn tại, hạn chế xảy ra sẽ phải chịu trách nhiệm, cùng với đó là các cá nhân, bộ phận liên quan. Việc xử lý trách nhiệm làm sớm và nghiêm túc sẽ nêu gương về sau cho tập thể, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Làm những điều này là vì một môi trường giáo dục tốt đẹp hơn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
![Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D) gdvn_HUB.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/dqmblcvo/2025_02_10/gdvn-hub-4626-5132.jpg)
Đồng tình với quan điểm của Phó Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc đem tài sản công đi cho thuê mà không thông qua đấu giá thì rõ ràng là có vấn đề, có thể nảy sinh tiêu cực.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nhà trường là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định liên quan đến quản lý tài sản công đều có đầy đủ. Những quy định này nhằm giảm thiểu nguy cơ lãng phí, không minh bạch trong đấu giá tài sản công. Đáng tiếc, trường lại thực hiện không đúng quy định.
“Kết luận thanh tra đã chỉ ra những vấn đề cụ thể tồn tại, nội dung thực hiện không đúng quy định và trách nhiệm cá nhân, tập thể. Vì thế, vấn đề giờ là việc nhà trường thực hiện kết luận thanh tra, các kiến nghị trong kết luận khẩn trương, nghiêm túc”.
Cũng đề cập liên quan vấn đề này, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII chia sẻ, trường đại học nói riêng và các cơ sở giáo dục đào tạo đại học trên cả nước nói chung có hai mục tiêu chính là giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học. Vì thế, theo tôi, trường nào đem tài sản công cho thuê vào mục đích khác chứ không phải vì mục đích giáo dục là không phù hợp.
"Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đem tài sản công đi cho thuê mà không thông qua đấu giá gây nhiều băn khoăn, nghi ngờ. Và việc xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan về những nội dung tồn tại, hạn chế cần thật nghiêm để giúp nhà trường phát triển bền vững", ông Lê Như Tiến nói.