Sau những ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển do Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, người dân các địa phương này đã phải đối mặt với biết bao khó khăn trong một thời gian dài, nhất là những hộ dân sống với nghề biển.
Tàu thuyền ở các làng biển đã hoạt động tấp nập trở lại (Ảnh: Thủy Phan) |
Sống với nghề từ bao đời nay, nhiều ngư dân dù khó khăn đến đâu họ vẫn không bỏ nghề, họ vẫn luôn cố gắng từng ngày khôi phục sản xuất, đánh bắt thủy hải sản.
Đặc biệt mới đây, theo công bố mới nhất từ lãnh đạo Tổng cục Môi Trường, thuộc Bộ Tài nguyên – Môi Trường, Trung tâm Quan trắc môi trường của đơn vị này đã thực hiện quan trắc trên 12 tuyến từ bờ biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) đến khu vực cách bờ 12km, thực hiện từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu.
Nhịp sống làng biển đã hồi sinh (Ảnh: Thủy Phan) |
Kết quả phân tích mẫu nước ở các tầng nước mặt, tầng đáy và trầm tích đáy biển cho thấy đều đáp ứng được các quy chuẩn về môi trường nước biển sử dụng cho vui chơi giải trí, các hoạt động thể thao, tắm biển du lịch và nuôi trồng thủy sản.
Thông tin này đã góp phần củng cố thêm niềm tin cho ngư dân, làm họ phấn khởi, yên tâm hơn để tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Chúng tôi trở lại các làng biển ở những địa phương này, các hoạt động khai thác hải sản, kinh doanh, du lịch... có chiều hướng phục hồi rất tích cực.
Chiều muộn ở làng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những chiếc tàu đánh bắt thi nhau cập bờ với cá, mực đầy khoang. Người mua, người bán mang theo rổ, rá chờ sẵn với nét mặt rạng rỡ.
Ngư dân Phạm Huờ (ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) sang sửa lại thuyền để tiếp tục vươn khơi (Ảnh: Thủy Phan) |
Ngư dân Nguyễn Văn Xuân (56 tuổi, ở thôn Nhân Hải, xã Nhân Trạch) cho biết: “Hoạt động đánh bắt bây giờ đã khôi phục, giá cả cũng ổn định trở lại nên cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả hơn. Mới đây nghe thông tin biển đã an toàn nữa, bà con ngư dân ai cũng phấn chấn hẳn lên. Nhiều người sửa sang lại thuyền bè, mua sắm thêm lưới cụ... để sẵn sàng ra khơi”.
Nhiều ngư dân tại xã Nhân Trạch cũng tỏ ra phấn khởi trước thông tin biển sạch. Họ cho biết, cuộc sống của người dân ở đây đã dần ổn định, các hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản cũng không còn khó khăn như trước. Nhiều ngư dân sau khi nhận tiền đền bù sự cố môi trường đã đầu tư thêm để sữa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ để sẵn sàng vươn khơi đánh bắt.
Không chỉ các ngư dân đánh bắt vùng bờ, từ khi biển gặp sự cố, các tàu xa bờ cũng gặp muôn vàn khó khăn vất vả khi giá hải sản rớt thê thảm, nhiều ngư dân bỏ nghề biển đi làm thuê kiếm sống, điều này cũng khiến nhiều chủ tàu cá rơi vào cảnh thiếu lao động.
Nhưng hiện tại, thực trạng trên đã không còn, các đội tàu công suất lớn tại Quảng Bình lại tấp nập vươn khơi đánh bắt, góp phần phát triển kinh tế biển của địa phương.
Nhiều thương lái cũng cho biết, thị trường mua bán hải sản đã ổn định trở lại (Ảnh: Thủy Phan) |
“Trước đó, nghề biển đối mặt với rất nhiều khó khăn nên nhiều người đã bỏ biển đi làm thuê. Nay nghe thông tin biển đã an toàn, chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi chỉ mong biển sạch để có thể yên tâm bám biển”, Anh Trần Thanh Tùng, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới chia sẻ.
Quảng Bình hiện có trên 7.000 tàu thuyền đánh bắt trên biển, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên là hơn 1.200 chiếc tham gia khai thác xa bờ, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 60.000 tấn, số lao động trực tiếp trên các tàu cá trên 15.000 người.
Mặc dù vui mừng trước thông tin biển “hồi sinh”, nhưng rất nhiều ngư dân vẫn lo lắng và bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan trắc, giám sát và kiểm tra các hoạt động xả thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh để họ yên tâm đánh bắt lâu dài.