"Tứ hải giai huynh đệ"
2h30 sáng, khu chợ đầu mối dưới chân cầu Long Biên đèn đường sáng rực rỡ như ban ngày. Chiếc xe taxi chầm chậm đỗ xịch ngay trước mặt tôi, bước từ trong xe ra là một nhóm "nam thanh nữ tú" mặt còn non choẹt. 3 cô gái thì cô nào tóc cũng xoăn tít mù, quần áo diêm dúa, một cô gái xỏ tay túi quần hất hàm hỏi cả đám: "Đi đâu bây giờ chúng mày?". Cậu con trai gầy nhẳng, tóc dài vấn víu như con gái, tai đeo khuyên lóng lánh giọng uể oải: "Phê rồi, giờ đi nhét cái gì vào bụng đã, xong rồi tính". Cả nhóm chui vào quán ăn đêm ngay lề đường ăn nhồm nhoàm. Tôi hỏi người lái taxi anh ta cười khẩy: "Mấy đứa trẻ ranh đi bụi ấy mà. Ngày nào cũng thế, lang thang, vật vờ cả đêm ở quán net giờ đi ca hai, ca ba đấy".
Sống đâu là nhà, ngã đâu là giường.
Tôi bỗng nhớ cái hôm ngồi trong gian phòng làm việc của Công an quận Đống Đa đối diện với 6 đối tượng bị bắt giữ vì tội trộm cắp tài sản. Ánh mắt, lời nói, cử chỉ, điệu bộ của chúng đều khiến tôi giật mình. Cả sáu đứa, 3 nam, 3 nữ đều bỏ học, chán đời bỏ nhà đi bụi. Mỗi đứa một hoàn cảnh, bố mẹ li dị, gia đình thiếu quan tâm, thích chơi chán học rồi từ Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La tuồn xuống Hà Nội. Chúng tụ tập lại với nhau thành băng nhóm bắt đầu từ con đường internet. Có bé gái mặt đẹp như tranh, hiền lành, sáng trong vậy mà không ai ngờ đã tham gia 20 vụ cướp.
Đỗ Thị Ngọc, sinh năm 1992, trú tại thị xã Cao Bằng ngước cái khuôn mặt trắng trẻo nhưng vênh váo "giật" những từ ngữ nhát gừng. Tôi hỏi Ngọc: "Sao trẻ thế này mà lại đi cướp?". Con bé nói: "Không có thì cướp". Nói thế thôi tôi cũng đủ hiểu bụi đời đã làm hư hỏng con bé rồi. Cùng đồng bọn với Ngọc trong vụ cướp điện thoại của lái xe taxi còn có Nguyễn Thị Nhi Trang ở tận Sơn La. Con bé mới 16 tuổi đầu nhưng đã có 14 năm không sống cùng cha mẹ. Bố mẹ li dị nhau khi con bé mới chỉ 2 tuổi đầu rồi đẩy nó cho ông bà ngoại đã già nua nuôi dưỡng. Sự khập khễnh trong cách giáo dục, sự cám cảnh vì lúc nào nó cũng nghĩ mình là mảnh "đời thừa" mà cha mẹ bỏ đi nên chẳng hứng thú gì chuyện học hành. Bỏ học, Trang xin đi làm công nhân. Những đồng tiền công ít ỏi nhưng đủ để nó cấu véo vào một trò vui là chat. Những đêm đắm mình trên mạng nó kịp bắt quen với rất nhiều "chuyên gia tâm lý" có cùng cảnh ngộ. Lời mời ngọt như mía lùi rằng: Về Hà Nội sẽ có tiền tiêu, sẽ không phải cực nhọc mưu sinh, sẽ được tự do bay nhảy lấy bốn biển là nhà. Thế rồi Trang bỏ luôn cả cái nghề công nhân nhọc nhằn, bỏ luôn ông bà ngoại già nua đã bất lực trong dạy dỗ nó để đi theo.
Những bé gái là "miếng mồi" béo bở cho nạn buôn người, mại dâm.
Đúng giờ, cả bọn gặp nhau tay bắt mặt mừng ở bến xe rồi mở tiệc liên hoan cho buổi hội ngộ. Khởi đầu của 3 năm trời chúng sống bầy đàn trong cái nhà trọ tồi tàn và trong những quán net công cộng rồi thác loạn ở những nhà nghỉ rẻ tiền. Cho đến một ngày những đồng tiền cuối cùng chúng giắt lưng teo tóp hết thì cuộc đời những đứa trẻ dạt nhà bắt đầu chuyển sang trang mới. Những thành viên trong "tổ chức bụi đời" bắt đầu bày mưu tính kế để có tiền tiêu xài. Để có tiền online, những cô bé trẻ tuổi, xinh như hoa bắt đầu lập những cái nick chat khêu gợi, hoành tráng "than nghèo, kể khổ" để cứu net. Rồi tiếp theo đó là hàng loạt những kịch bản hoàn hảo được vạch ra chi tiết nhằm đưa những con mồi nhẹ dạ, cả tin vào tròng. Cái lời thề không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chẳng phải anh em họ hàng nhưng nguyện có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu của những đứa trẻ "không gia đình" nghe mà nhức buốt.
Cạm bẫy trong cuộc sống bầy đàn
Những đứa trẻ bị bắt vì tội cướp giật, bị lừa bán vào nhà thổ, bị bóc lột sức lao động tất thảy đều có gia đình. Chúng có cha mẹ, có người thân để nhớ, có nhà để về nhưng lại chọn cách đi bụi. Có đứa thề chết ngay cũng không chịu quay đầu về nhà. Gia đình đối với chúng như cái địa ngục được liêm phong bằng những lá đơn ly hôn, được dạy dỗ bằng những trận đòn roi và thậm chí nuôi dưỡng chỉ bằng những đồng tiền. Cô bé Nguyễn Thị Trà My ở Hải Dương, 14 tuổi nguyện làm "chim mồi" dụ bạn cứu net để đồng bọn cướp xe máy trên địa bàn quận Hoàn Kiếm khi được hỏi về cha mẹ đã khóc như mưa bảo rằng: "Em sinh ra từ đất đá chứ chẳng có cha mẹ nào cả".
Đêm mịt mùng, ngoài trời mưa phùn lất phất, tôi theo dấu chân của hai đứa trẻ đánh giày bước liêu xiêu về những khu nhà trọ "ổ chuột". Nguyễn Văn Phong, Trương Minh Đức đứa 13, đứa 14 tuổi đều quê Thanh Hóa, 2 năm trước đã dắt nhau ra Hà Nội kiếm sống. Chúng bảo, cái khu nhà trọ chúng ở có đến chục đứa sống hỗn độn gái trai. Khu nhà xập xệ như cái dãy chuồng gà nằm sâu tít hút trong con ngõ nhỏ ở quận Long Biên. Con đường đi ướt nhẹp tối tăm như ma trận. Những phòng trọ cửa mở toang toàng, những đứa bé choai choai nằm ngổn ngang lên nhau như cái xác quắt queo. Đức bảo: "Bọn nó mới thuê đến đây một tháng nay thôi, chẳng làm gì cả suốt ngày chỉ ngồi lì ngoài quán net đầu đường". Cứ lâu lâu, chúng lại kéo một người về ở cùng khiến cái phòng cứ ngổn ngang, giày dép, áo quần xếp tầng hôi như tổ cú.
Đi bụi, những đứa trẻ làm mọi cách để kiếm sống.
Tôi sang cái gian phòng như khu tị nạn ấy để tìm hiểu về những đứa trẻ dạt nhà. Cái bóng đèn dây tóc đỏ quạch, không gian sáng tối lập lòe, cả trai lẫn gái 5 đứa lồm ngồm bò dậy. Vươn vai. Ngáp vặt. Mắt trợn trừng nhìn tôi dò xét. Câu đầu tiên đứa con trai hỏi: "Anh có thuốc không cho em xin một điếu". Nó rút một điếu gài vào vành tai, một điếu cho lên miệng đánh lửa từ cái bật lửa zippo rồi thóp má rít một hơi, nhả khói sặc sụa át đi cái mùi hôi hám, ẩm mốc đến nghẹt thở. Thằng bé tự giới thiệu tên Điệp, quê ở Bắc Ninh hết năm nay là bước sang tuổi 16. Điệp nhẩm tính, xuống Hà Nội đã được 1 năm 4 tháng. Tôi hỏi Điệp về cha mẹ, nó bảo: "Họ chết cả rồi". Thế nhưng, khi hỏi cô gái tên Huyền người bạn "sát cánh" cùng Điệp từ khi chân ướt chân ráo xuống Hà Nội và Điệp nhận là "người yêu" thì cô bé kể: "Bố mẹ anh ấy chưa chết đâu, nghe nói còn giàu có lắm. Hôm bỏ nhà ra đi, anh Điệp mở tủ lấy cắp 5 triệu đồng nên giờ không dám quay về".
Hoàn cảnh của Huyền cũng "hoành tráng" không kém bất kỳ ai trong nhóm. Bố mẹ đều bị bắt rồi kết án, một người chung thân, một người 20 năm tù giam, nó được bác ruột nhận về nuôi dưỡng nhưng vì tủi phận, chán đời nên bỏ học vùi đầu vào chat chít. Hơn một năm trước, nó tìm được "đồng minh", "lắng nghe và thấu hiểu" được những tâm sự của nó rồi mời gọi từ Lào Cai xuống Hà Nội. Nó mang cái nhẫn vàng trước khi bị bắt, mẹ nó dúi vào túi ra thị trấn bán được hơn 7 triệu đồng và bắt đầu cuộc đời đi bụi. Trong số 5 đứa ở cùng phòng thì chỉ duy nhất một đứa tên Sáng là đi làm nhân viên chạy bàn ở một quán bia. Để chống chọi với những ngày đói kém vừa qua, chúng đều dựa vào khoản tiền công ít ỏi của Sáng. Tôi hỏi, một người làm mà 5 miệng ăn thì sống sao nổi?. Chúng chỉ nhếch mép cười, cái điệu cười khinh khỉnh rồi có đứa bảo: "Đến đâu thì đến".
Trong cái gian nhà chất chứa tâm sự bi đát của những đứa trẻ còn rất lâu nữa mới bước qua tuổi trưởng thành nhưng tâm hồn thì đã quá bụi bặm tôi thấy đau nhói thực sự. Tôi không một chút manh nha cho rằng tất cả những đứa bé trong cái tuổi hết sức nhạy cảm này đều hư hỏng nhưng sẽ tự hỏi: Tương lai của chúng sẽ ra sao?. Cứ đêm đến chúng lại đi ngồi "thiền" ở các quán net công cộng để "thoát xác" để biến mình thành những hoàng tử, công chúa trên thế giới ảo. Trong đêm, có những kẻ chuyên rình rập những cô gái kẹt net rồi giả làm "anh hùng cứu mỹ nhân" để đem về nhà nghỉ cho sống bầy đàn, hút hít ma túy đá. Chẳng mấy chốc, những ngày tháng "huy hoàng" ấy nhiễm vào máu khiến chúng lệ thuộc vào những tay anh chị, phải đi bán dâm, trộm cắp, vận chuyển ma túy.