Những điểm 10 môn Giáo dục công dân nói lên điều gì?

27/07/2023 06:54
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ có 26 thí sinh điểm Giáo dục công dân nhỏ hơn 1 (0,005%) và 5.492 thí sinh điểm dưới 5 (0,971%).

Năm 2023 có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Số thí sinh thực sự tham dự kỳ thi là 1.012.398 người, đạt tỷ lệ 98,86%.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi ngoại ngữ trong kỳ thi năm nay thí sinh được chọn một trong 7 ngoại ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn.

Môn Tiếng Anh có 876.102 thí sinh dự thi, 136.296 thí sinh còn lại thi các ngoại ngữ khác.

Ngoài môn ngoại ngữ (7 ngoại ngữ), kỳ thi còn 8 môn khác là Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh, Giáo dục công dân (GDCD), tổng cộng kỳ thi năm 2023 có 15 môn thi.

Quy chế thi quy định thí sinh phải làm 4 bài thi gồm 2 bài bắt buộc là Toán và Ngữ văn, bài thi Ngoại ngữ thí sinh được chọn 1 trong 7 ngoại ngữ nêu trên. Với môn tổ hợp thí sinh có thể chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm 03 môn Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (gồm 03 môn Sử, Địa, Giáo dục Công dân).

Trong hai bài thi tổ hợp, các môn thi vào thời gian khác nhau và đề thi riêng.

Xét về môn thi, mỗi thí sinh phải thi 06 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chọn 1 trong 7 tiếng) và bài thi tổ hợp (Lý, Hóa, Sinh) hoặc (Sử, Địa, Giáo dục Công dân).

Số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy cả kỳ thi năm 2023 có 16.427 điểm 10, riêng môn GDCD có 14.693 điểm 10, chiếm 89,4% số điểm 10 của cả kỳ thi.

Nhiều năm qua, kết quả thi môn Giáo dục công dân luôn vượt trội so với các môn khác (bảng 1), vậy có phải “công dân” (học sinh phổ thông) của chúng ta được giáo dục rất khoa học, chuẩn mực và nhờ đó văn hóa học đường tốt đến mức không có gì phải bàn luận?

Bảng 1: Số điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm 10 môn Giáo dục Công dân từ năm 2019 đến năm 2023.

Bảng 1: Số điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm 10 môn Giáo dục Công dân từ năm 2019 đến năm 2023.

Ba đối tượng liên quan đến kết quả thi môn Giáo dục công dân là nhà giáo, học sinh và những người được giao nhiệm vụ ra đề, chấm thi.

14.693 thí sinh đạt 10 điểm môn Giáo dục công dân và không vi phạm quy chế thi là điều đáng mừng bởi với bài thi trắc nghiệm, thuộc bài là yếu tố tiên quyết, ngoài chuyện thuộc bài, các thí sinh đã đáp ứng tốt yêu cầu bài thi đặt ra như một số câu hỏi cần suy luận và quyết định nhanh,…

Học sinh lớp 12 năm 2023 vẫn học theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT.

Học sinh lớp 9, 12 được đánh giá theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT (được sửa đổi bởi Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT), theo đó học sinh được chia làm 05 loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. (Học sinh đạt loại giỏi điểm trung bình các môn phải từ 8,0 trở lên).

Phổ điểm thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân năm 2023.Phổ điểm thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân năm 2023.

Phổ điểm môn Giáo dục công dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy môn Giáo dục công dân có 565.452 thí sinh dự thi, số thí sinh điểm từ 8,0 đến 10 là 389.906 người chiếm tỷ lệ 68,95%. Chỉ có 26 thí sinh điểm Giáo dục công dân nhỏ hơn 1 (0,005%) và 5.492 thí sinh điểm dưới 5 (0,971%).

Tổng cộng chỉ có 0,976% thí sinh điểm thi dưới mức trung bình (5 điểm).

Số điểm 10 môn Giáo dục công dân nhiều đến mức lấn át tất cả các môn còn lại trong một số kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Gần 100% học sinh thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đạt từ 5,0 trở lên, loại giỏi chiếm gần 70% có phản ánh chính xác thực trạng văn hóa học đường hiện nay hay có gì đó mà các nhà quản lý và nhà giáo cần cùng ngồi lại xem xét?

Thêm câu hỏi khác, gần 100% học sinh thi môn Giáo dục công dân đạt kết quả trên trung bình có đồng nghĩa với việc số học sinh này đạt các tiêu chí môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2006?

Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại định hướng mục tiêu mà môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT.

Xin trích ý kiến về mục tiêu môn Giáo dục công dân ở chương trình 2006:

“Trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, môn Giáo dục công dân là môn học bắt buộc ở cả hai cấp học: trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Ở cấp THCS, môn Giáo dục công dân chủ yếu dạy cho học sinh những kiến thức về đạo đức, pháp luật cơ bản, thiết thực để góp phần hình thành cho học sinh những phẩm chất đạo đức, như: siêng năng, kiên trì, tiết kiệm, lễ độ, biết ơn, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng kỷ luật, pháp luật, tự trọng, tự tin, yêu thương con người...

Đối với cấp THPT, môn Giáo dục công dân không những trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, phù hợp với lứa tuổi về thế giới quan khoa học và nhân sinh quan tiến bộ, về các giá trị đạo đức, pháp luật, lối sống, mà còn hình thành và phát triển ở các em những tình cảm, niềm tin, những hành vi và thói quen phù hợp với những giá trị đã học. Nghĩa là bộ môn này giúp giáo dục cả kiến thức, kỹ năng và thái độ cho học sinh”. [1]

Đối chiếu các tiêu chí nêu trên với con số gần 100% thí sinh điểm trên trung bình trong đó có 68,95% học sinh đạt loại giỏi môn Giáo dục công dân có đồng nghĩa với việc gần 100% học sinh đạt yêu cầu về “siêng năng, kiên trì, tiết kiệm, lễ độ, biết ơn, đoàn kết, khoan dung, tôn trọng kỷ luật, pháp luật, tự trọng, tự tin, yêu thương con người,…”?

Câu trả lời là không và lý do đã được hàng loạt tờ báo đề cập.

Một bài đăng trên Tạp chí Tuyengiao.vn viết:

“Không ít học sinh, sinh viên xa rời các giá trị đạo đức truyền thống, hình thành tư tưởng hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, chịu tác động của tệ nạn xã hội. Những biểu hiện văn hóa lệch lạc, lối sống thiếu lành mạnh, những hiện tượng tha hóa, những sai lệch chức năng, lệch chuẩn mực giá trị, đạo đức, xa rời thuần phong mỹ tục của dân tộc…đang xuất hiện trong đời sống văn hóa của học sinh, sinh viên”. [2]

“Báo động văn hóa học đường xuống cấp”. [3]

“Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi đủ thứ 'chạy'”. [4]

“Bài 12: Báo động về tình trạng xuống cấp của văn hóa học đường”. [5]

…..

Những bài viết và nhận định trên cùng với mục tiêu của môn Giáo dục công dân cho thấy, kết quả dạy, học, thi môn Giáo dục công dân chưa phản ánh đúng thực trạng văn hóa học đường.

Theo người viết, điều này chỉ có thể xảy ra khi:

Thứ nhất, đề thi môn Giáo dục công dân còn nặng về thành tích, lồng ghép các yếu tố ngoài chuyên môn nhằm mục đích đạt kết quả cao chứ không nhằm đánh giá năng lực, đạo đức của thí sinh;

Thứ hai, mục tiêu môn học và chất lượng giảng dạy môn Giáo dục công dân trong nhà trường không phù hợp với thực tiễn cuộc sống;

Thứ ba, không ít học sinh học Giáo dục công dân để thi chứ không phải để tu dưỡng bản thân;

Thứ tư, cả ba điều trên đều “đồng thời” đúng.

Nếu điều thứ tư nêu trên là đúng thì ai phải chịu trách nhiệm?

Một phần câu trả lời cho câu hỏi trên đã có sẵn trong bài báo [2]:

“Những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo như sự xuống cấp của môi trương sư phạm, sự tha hóa của một số người thầy, việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, sự thiếu thốn điều kiện tham gia và các phương tiện hưởng thụ văn hoá… đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giáo dục và sự hoàn thiện nhân cách cho học sinh, sinh viên”.

Vì đây chỉ mới là “một phần” của câu trả lời nên cần phải bổ sung cho hoàn chỉnh, đó là phải chỉ rõ trách nhiệm của những đối tượng liên quan đến mấy vấn đề:

Một là mục tiêu đặt ra cho môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông 2006 (và có thể là cả chương trình tổng thể 2018) có phù hợp thực tế?

Hai là có cần xem xét lại việc dạy, học và đánh giá kết quả môn Giáo dục công dân trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?

Ba là có hay không việc dạy và thi một đằng, thực tế đạo đức và văn hóa học đường một nẻo?

Câu nói "Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome" xuất phát từ truyền thuyết cho rằng khoảng cách tới mọi nơi trong đế quốc La Mã cổ đại đều bắt đầu từ cột mốc Milliarium Aureum (Kilomet 0) tại Rome - thủ đô nước Italy hiện tại.

Với giáo dục của chúng ta, có hay không chuyện “Mọi con đường đều dẫn tới thành … tích”?

Xin trích ý kiến của một tác giả: [6]

“Qua cơn mưa mát lành điểm 10 môn giáo dục công dân, một mặt chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học môn này cho các em, nhưng mặt khác cần có những sự chấn chỉnh đạo đức đối với thầy cô trong học đường. Bởi nếu chỉ dạy các em toàn lý thuyết, thi cử dù nghiêm minh thế nào và các em có thuộc bài thế nào cũng không bằng những thầy cô thực sự làm gương cho học trò”.

Một khi đã có “cơn mưa mát lành điểm 10 môn Giáo dục công dân”, khi có tới gần 70% thí sinh đạt loại giỏi, khi trên 99% thí sinh đạt kết quả trên trung bình thì cũng có nghĩa là chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân đã đạt ngưỡng của sự hoàn chỉnh thì cần chấn chỉnh điều gì?

Số điểm 10 môn GDCD trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua có thực sự là “cơn mưa mát lành” hay không?

Với những sự kiện mà các bài báo [3], [4], [5] và rất nhiều bài khác đã đăng, người viết không cảm thấy vui mừng với 70% thí sinh đạt kết quả giỏi môn Giáo dục Công dân, không biết các nhà giáo, nhà quản lý và bạn đọc nghĩ thế nào?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/mon-giao-duc-cong-dan-trong-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-119387.html

[2]https://tuyengiao.vn/tutuong/thuc-trang-van-hoa-hoc-duong-3145

[3]https://nld.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/bao-dong-van-hoa-hoc-duong-xuong-cap-20091213010756784.htm

[4]https://vietnamnet.vn/van-hoa-day-va-hoc-bien-dang-boi-chay-truong-chay-diem-chay-bang-tot-nghiep-2052217.html

[5]https://tuoitrethudo.com.vn/bai-12-bao-dong-ve-tinh-trang-xuong-cap-cua-van-hoa-hoc-duong-113735.html

[6]https://dantri.com.vn/tam-diem/dang-sau-mua-diem-10-mon-giao-duc-cong-dan-20230718204627313.htm

Xuân Dương