Tổng cục thuế đã “điểm danh” hàng loạt doanh nghiệp FDI dính nghi án chuyển giá, gian lận thuế. Bên cạnh những ông lớn nổi đình đám như Coca Cola, Pepsico, Metro,… Nike là cái tên khá khiêm tốn và ít được quan tâm hơn.
Nike ít được quan tâm vì thông tin về Nike rất hiếm hoi. Nếu Coca Cola, Pepsico, Metro bị báo chí thẳng thừng “phơi” những khoản lỗ khủng lên đến hàng trăm tỷ đồng khiến dư luận phẫn nộ thì những khoản thua lỗ của Nike hoàn toàn nằm trong bóng tối.
Dư luận hoàn toàn không biết Nike đạt doanh thu thế nào, thua lỗ ra sao. Nghi án chuyển giá, trốn thuế của Nike chỉ gói gọn ở cái tên Nike nằm trong “danh sách đen”. Nếu “danh sách đen” này không được công bố, Nike sẽ xuất hiện thật “lộng lẫy” trong mắt công chúng với sự tăng trưởng mạnh về quy mô và vốn đầu tư.
Việt Nam là thị trường quan trọng của Nike |
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1995, hãng giày thể thao lớn nhất nước Mỹ và thế giới nhanh chóng lọt vào danh sách những công ty đứng đầu của Mỹ về số vốn đầu tư ở Việt Nam. Ngày còn “chân ướt chân ráo”, Nike chỉ có 5 nhà máy sản xuất giày thể thao.
Sau 10 năm hoạt động, Nike đã mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, đưa tổng số nhà máy sản xuất lên tới 9 nhà máy giày và 30 nhà máy trang phục thể thao.
Theo số liệu mà công ty Nike Việt Nam cung cấp, năm 2004, tổng số sản phẩm Nike xuất khẩu chiếm 3% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, tương đương với 782 triệu USD.
Tới nay, quy mô và doanh thu của Nike phình ra rất nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hãng tin UPI ngày 26/7/2012 cho biết, Nike ngày càng dựa vào các nhà máy gia công của Việt Nam. Tại thời điểm đó, số giày sản xuất tại Việt Nam chiếm tới 41% sản lượng của hãng, trong khi số giày xuất xứ từ Trung Quốc chỉ là 32% và 25% có nguồn gốc từ Indonesia.
Từ năm 2010, Việt Nam đã soán ngôi của Trung Quốc để trở thành nơi gia công lớn nhất cho Nike. Đây là một phần của sự dịch chuyển mà hãng thực hiện trong năm tài khóa 2012, giảm bớt lượng giày sản xuất từ Trung Quốc để chuyển sang các nhà máy Việt Nam và Indonesia.
Giữa năm nay, báo chí đồng loạt đưa tin cùng với Adidas, Nike lại tiếp tục chuyển các đơn hàng sang Việt Nam. Nguyên nhân của việc Nike chuyển hướng sang các nhà máy Việt Nam là giá nhân công ở Trung Quốc trong vài năm gần đây đã mất đi lợi thế cạnh tranh so với thị trường lao động Việt Nam.
Chỉ trong hai năm qua, giá nhân công bình quân ở Trung Quốc đã tăng tới 22%, như ở Bắc Kinh lên mức bình quân 199 USD/tháng hay Thẩm Quyến lên 238 USD/tháng. Điều đó cho thấy Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn với Nike.
Tầm quan trọng của Việt Nam với Nike tiếp tục được chứng minh khi đại diện của Nike khẳng định Nike đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ và các địa phương, và đều có kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất trong thời gian tới.
Nike kỳ vọng Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội lớn để hãng này tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Hiện nhà máy sản xuất đế giày của Nike tại TP.HCM là 1 trong 2 cơ sở sản xuất đế giày của Nike ở nước ngoài.
Trốn thuế ở nước ngoài
Dư luận Việt Nam đã quá quen với hiện tượng các ông lớn FDI đạt doanh thu “khủng”, không ngừng mở rộng quy mô tại Việt Nam nhưng lại báo lỗ liên tiếp. Vì vậy, việc Nike nằm trong danh sách các ông lớn dính nghi án chuyển giá, trốn thuế không khiến dư luận ngạc nhiên. Điều nhiều người quan tâm chính là Nike đã “thâm hụt” bao nhiêu và “tiết kiệm” bao nhiêu thuế sau gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam.
Liên tục mở cửa hàng mới ở Việt Nam, Nike có liên tục thua lỗ để trốn thuế? |
Hiện tại, các con số cụ thể của Nike tại Việt Nam chưa được công bố nhưng ở nước ngoài, một phần thuế mà Nike “trốn” thành công đã được tiết lộ.
Là hãng dụng cụ thể thao nên Nike có xu hướng “bắt tay” với các ông lớn bóng đá trong đó có câu lạc bộ đình đám Manchester United. Theo đó, Nike được quyền khai thác hình ảnh Manchester United trong những sản phẩm của mình.
Tờ Independent tiết lộ trong 5 năm qua, lượng tiêu thụ của Nike gắn với thương hiệu Manchester United đã đạt tới con số 100 triệu bảng. Nhưng số tiền mà Nike nộp vào cơ quan thuế chỉ là con số nhỏ nhoi 1 triệu bảng.
Theo Independent, cơ quan thuế xứ sở sương mù đã thất thoát khoảng 9,1 triệu bảng trong suốt thời kỳ này. Và Nike đã trở thành công ty Mỹ mới nhất lọt vào danh sách các công ty đối mặt với sự giám sát về vấn đề thuế ở châu Âu.
Không đưa ra bất cứ bình luận nào nhưng Nike cho biết công ty tuân thủ tất cả pháp luật về thuế tại các quốc gia mà công ty hoạt động.
Mặc dù Nike chưa thể bị “kết tội” trốn thuế vì cơ quan thuế của Anh cần nhiều thời gian kiểm tra nhưng người tiêu dùng Anh quốc đã ‘lên tiếng”. Cư dân mạng kêu gọi ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu Nike nộp số thuế còn thiếu từ khoản lợi nhuận mà Nike kiếm được từ thị trường Anh. Bên cạnh đó, họ còn yêu cầu Nike chấm dứt mọi nỗ lực trốn thuế.
Dường như người Anh phản ứng rất mạnh trước các “ông lớn” trốn thuế. Mới đây, Starbucks cũng bị tẩy chay vì dính nghi án trốn thuế. Nỗ lực của họ ít nhiều đã phát huy tác dụng khi lượng tiêu thụ của Starbucks giảm sút, Starbucks phải thu hẹp hoạt động tại Anh.